Ngày 05/4/2018, tại Siêm Riệp, Cam-pu-chia đã diễn ra Hội nghị Cấp cao lần thứ ba của Uỷ hội sông Mê Công quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự và phát biểu tại Hội nghị. Với chủ đề "Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mê Công", Hội nghị có sự tham gia của các Thủ tướng của bốn nước thành viên Ủy hội là Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Cùng tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc và Bộ trưởng Môi trường Mi-an-ma là hai nước đối tác đối thoại của Ủy hội, cùng nhiều đại diện của các đối tác phát triển khác.
Hội nghị đã tập trung rà soát tình hình hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội, thực hiện các cam kết đưa ra tại Hội nghị cấp cao lần thứ hai từ năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh và xác định các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn tiếp theo. Các ý kiến phát biểu tại Hội nghị thống nhất cho rằng Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: Thông qua và triển khai Chiến lược phát triển lưu vực dựa trên quản lý tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2016-2020; hoàn thành nghiên cứu về Quản lý và Phát triển bền vững sông Mê Công, góp phần tạo căn cứ khoa học cho việc ra các quyết định quan trọng liên quan đến các hoạt động phát triển lưu vực của các quốc gia ven sông; cải tổ bộ máy Ban Thư ký của Ủy hội theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả; thống nhất công thức đóng góp niên liễm hàng năm của các quốc gia thành viên theo hướng đều nhau và hướng đến mục tiêu Ủy hội tự chủ về tài chính vào năm 2030; mở rộng hợp tác với các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển, các tổ chức lưu vực sông quốc tế và các tổ chức quốc tế trong khu vực, đặc biệt là ASEAN...
Về định hướng hợp tác trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khẳng định cam kết và quyết tâm thúc đẩy tiến trình hợp tác Mê Công mạnh mẽ hơn nữa nhằm tranh thủ các cơ hội phát triển và vượt qua các thách thức, triển khai các nỗ lực chung nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chiến lược phát triển lưu vực; áp dụng bộ các thủ tục của Ủy hội về sử dụng bền vững, hợp lý và công bằng nguồn tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan khác của sông Mê Công, nhất trí Ủy hội cần phát huy vai trò hơn nữa trong việc định hướng hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trong khu vực; tăng cường hợp tác với các cơ chế trong và ngoài khu vực như ASEAN, Hợp tác Mê Công - Lan Thương, Hợp tác tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và các tổ chức quản lý lưu vực sông quốc tế khác.
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc khẳng định việc khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên khác có liên quan trên lưu vực sông Mê Công là cơ hội, nhưng cũng là thách thức và trách nhiệm của tất cả các quốc gia trong khu vực.
Thủ tướng bày tỏ sự nhất trí cao với chủ đề của Hội nghị cấp cao lần này là "Tăng cường nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mê Công". Đây là dịp để chúng ta đề ra những định hướng lớn, các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, mở rộng sự hợp tác trong và ngoài Ủy hội MRC nhằm sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công, góp phần thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển bền vững SDG 2030 của Liên hợp quốc ở mỗi quốc gia thành viên và trong cả khu vực.
“Kể từ Hội nghị Cấp cao Ủy hội MRC lần 2 tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2014, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định mà trị lâu dài của Hiệp định Mê Công năm 1995 và vai trò của Ủy hội sông Mê Công quốc tế là cơ chế hợp tác khu vực duy nhất có chức năng xây dựng khung pháp lý và các quy định kỹ thuật cụ thể nhằm thúc đẩy việc khai thác, bảo vệ, quản lý bền vững nguồn nước sông Mê Công... Những kết quả tích cực đó đã thể hiện rõ nét, hiệu quả thực tế của Hiệp định Mê Công 1995, thúc đẩy gắn kết, điều phối vùng và đẩy mạnh quan hệ với các đối tác, các cơ chế hợp tác có liên quan trong khu vực” - Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cũng hoan nghênh và đánh giá cao các nỗ lực hợp tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm của cơ chế Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC), vừa họp cấp cao tháng 01/2018; cơ chế Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS), vừa họp cấp cao 3/2018. Các cơ chế này sẽ giúp củng cố quan hệ láng giềng hữu nghị giữa 6 quốc gia Mê Công và thúc đẩy hợp tác quản lý sử dụng hiệu quả, bảo đảm an ninh nguồn nước. Đồng thời ghi nhận sự hỗ trợ quý báu từ các Đối tác phát triển của Ủy hội MRC và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật để giúp Ủy hội MRC triển khai các lĩnh vực hợp tác ưu tiên trong giai đoạn tới, đồng thời tiến tới tự chủ về tài chính vào năm 2030.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Sông Mê Công là con đường giao thông thủy có ý nghĩa đặc biệt trong thúc đẩy thương mại quốc tế, du lịch, kết nối tiểu vùng và là nguồn sinh kế của 65 triệu cư dân hạ lưu vực. Cùng với đó là nguồn tài nguyên nước, phù sa và sự đa dạng sinh học, đứng thứ 2 thế giới chỉ sau sông A-ma-dôn, là tài sản chung vô giá của các quốc gia trong lưu vực, là nguồn lực to lớn cho xoá đói nghèo, phát triển kinh tế, giao thương, giảm bất bình đẳng, kết nối vùng... Hiện nay, lưu vực sông Mê Công phải đối mặt với những thách thức lớn như: sự gia tăng nhanh dân số; khai thác thiếu bền vững tài nguyên nước, đất và rừng; các thách thức của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai bất thường. Hậu quả là nguồn tài nguyên nước Mê Công đang bị suy kiệt cả về số lượng và chất lượng, lượng phù sa và chất dinh dưỡng bị suy giảm hệ sinh thái và môi trường bị suy thoái nghiêm trọng. Các dấu hiệu tiêu cực đó thể hiện rõ rệt và trầm trọng hơn ở các quốc gia hạ lưu Mê Công, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Nơi đang thường xuyện phải đối mặt với các đợt hạn hán kéo dài, xâm nhập mặn sạt lở, bờ sông bờ biển và sụt lún đất... đe dọa sinh kế của hơn 20 triệu người dân.
Thủ tướng nhấn mạnh quan tâm hàng đầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay là ứng phó với các tác động tiêu cực đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long do biến đổi khí hậu, các hiện tượng khí hậu cực đoan và hoạt động của con người. “Cần phải có những hành động thiết thực, kịp thời để Đồng bằng Sông Cửu Long là vựa lúa, vựa cá của cả khu vực trong hàng trăm năm qua tiếp tục phát triển và là nguồn cung gạo lớn cho bảo đảm an ninh lương thực khu vực” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi.
Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Ủy hội MRC trong thời gian tới cần tập trung cho sử dụng công bằng, hợp lý và bền vững tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Công như: tăng cường việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Hiệp định Mê Công năm 1995 và vai trò giám sát, điều phối của Ủy hội trong triển khai thực hiện các cam kết của các quốc gia thành viên, xây dựng khung quy hoạch phát triển lưu vực nhằm hài hòa quy hoạch tài nguyên nước của các quốc gia và thúc đẩy việc triển khai các dự án hợp tác chung; tăng cường chia sẻ thông tin số liệu trong lưu vực sông Mê Công và đẩy mạnh các hoạt động điều phối, hợp tác với các nước đối tác đối thoại, đối tác phát triển và các tổ chức quản lý lưu vực sông xuyên biên giới khác nhằm huy động nguồn lực, tiếp thu kinh nghiệm quản lý và công nghệ kỹ thuật hiện đại trong triển khai các sáng kiến hợp tác tiểu vùng. Trong đó, chú trọng hợp tác với cơ chế Hợp tác Mê Công - Lan Thương (MLC), Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) và các cơ chế khác như Ủy hội sông Mít-xi-xi-pi, Ủy hội sông Đa-nuýp và tìm hiểu kinh nghiệm về điều phối thực hiện các điều ước quốc tế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới và các hồ quốc tế.
“Chúng ta hãy cùng nhau đoàn kết, hợp tác để sông Mê Công mãi là dòng chảy của hòa bình, là kết nối sinh tồn bền vững, thịnh vượng đến muôn đời của các quốc gia, người dân trong khu vực” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hội nghị đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung Siêm Riệp ghi nhận các thành quả của Ủy hội đạt được, chỉ ra những thách thức và cơ hội mới đối với lưu vực sông Mê Công, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác Mê Công và việc tăng cường hiệu quả thực hiện Hiệp định Mê Công 1995, đồng thời xác định các hoạt động ưu tiên trong thời gian 4 năm tới cũng như định hướng lâu dài cho hợp tác trong khuôn khổ MRC. Từ đó, Tuyên bố đề ra các lĩnh vực hoạt động ưu tiên của Uỷ hội thời gian tới gồm có việc tận dụng tốt các cơ hội phát triển và xử lý các thách thức thông qua một tiến trình chung của cả lưu vực, có tính tổng thể, bao trùm và đa ngành, thực hiện các khuyến nghị chính của báo cáo Nghiên cứu chung về quản lý và phát triển bền vững sông Mê Công, bao gồm tác động của các dự án thuỷ điện dòng chính, thực hiện đầy đủ các thủ tục của Ủy hội nhằm sử dụng nguồn nước một cách bền vững, công bằng và hợp lý; tăng cường mạng giám sát và các hoạt động cảnh báo, dự báo thiên tai; mở rộng quan hệ đối tác với các sáng kiến, tổ chức trên lưu vực và thế giới và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong các hoạt động của Ủy hội.
Nguồn tin: Cổng TTĐT Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn