* Ô nhiễm bủa vây nước
Chia sẻ thông tin với báo giới gần đây, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên nhận định, ô nhiễm nguồn nước là chủ để “cực nóng” ở Việt Nam hiện nay, đòi hỏi nhiều giải pháp cấp bách.
Trên thực tế, nhiều giải pháp tăng cường quản trị tài nguyên nước đã được xây dựng như chính sách pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước, chủ động thích ứng với diễn biến thời tiết cực đoan và việc phụ thuộc vào các quốc gia sử dụng nước ở thượng nguồn. Đẩy mạnh công tác quan trắc, giám sát và bảo vệ tài nguyên nước, đặc biệt là các nguồn nước liên quốc gia…
Giải pháp là vậy nhưng thực hiện lại không đồng nhất, kém hiệu quả. Đơn cử như việc xây dựng thủy điện khu vực phía Bắc mọc lên như nấm, khiến dòng chảy và chất lượng dòng chảy bị biến hình hay lũ lụt Tây Bắc thời gian vừa qua, sự tàn phá cây rừng, khiến sự khốc liệt càng tăng cường, nguồn nước vì thế bị thay đổi.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, đảm bảo mục tiêu sử dụng nước bền vững, nước cần được công nhận như một thứ hàng hóa kinh tế đầu vào có giá trị kinh tế trong mọi cạnh tranh.
“Nguồn nước là loại vốn tự nhiên thuộc sở hữu chung, chính vì vậy nếu không phân định rõ quyền tài sản về nước, cũng như phân bổ lợi ích cho các bên liên quan một cách hợp lý, sẽ dễ dẫn đến xung đột về nguồn nước. Do vậy, khai thác sử dụng tài nguyên nước trước hết phải bảo đảm hiệu quả và công bằng”- PGS Chinh nhấn mạnh.
* Nước sạch luôn thiếu
Nguồn cung cấp nước sạch được dự báo sẽ giống như tình trạng khan hiếm dầu hiện nay. Các biện pháp bổ sung nguồn nước thiếu hụt trên toàn cầu cần chi phí 124 tỷ EUR hàng năm. Nhưng khoản chi phí này sẽ chỉ còn từ 31 - 37 tỷ EUR nếu người dân các nước được giáo dục cách tiết kiệm nước. Giải pháp cấp bách là quản trị nguồn nước hiệu quả.
Các chuyên gia về lĩnh vực này cũng đặc biệt lưu ý đến ý thức về sử dụng nguồn nước của các chủ hộ gia đình tại những đô thị lớn. Đã có rất nhiều chương trình hành động, tuyên truyền nhằm tác động đến ý thức của đối tượng sử dụng này. Song dường như hiệu quả thực tế chưa được như mong muốn. Nhiều nghiên cứu trực tiếp đã cho thấy, nếu biết tận dụng, dự trữ nguồn nước mưa cho để dội toa-lét, giặt quần áo và tưới cây thì nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt có thể giảm đến 70% khi người ta nhận ra vấn đề.
Các dự báo về tình hình cạn kiệt tài nguyên nước trên thế giới hàng năm vẫn liên tiếp được đưa ra. Có nhà khoa học còn dự báo, thảm họa tự nhiên kiểu như lũ lụt ở Pakistan, Úc, Việt Nam, Trung Quốc… được dự báo sẽ xảy ra thường xuyên hơn trong những năm tới. Những trận lụt lịch sử 100 năm đang diễn ra với tần số dày hơn - mỗi 20 năm. Và tình trạng thiếu hụt nước sạch, những căn bệnh liên quan đến nguồn nước bị ô nhiễm sẽ càng thêm trầm trọng khi các thành phố lớn ngày càng một phình rộng.
Nguồn tin: BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn