Đây là diễn đàn với nhiều chủ đề trao đổi, thảo luận và tìm hiểu những bài học kinh nghiệm tốt nhất, những giải pháp sáng tạo được phát triển gần đây cũng như sự phát triển trong tương lai của ngành khoa học và công nghệ vật liệu xây dựng nhằm phát triển hơn nữa ngành công nghiệp xây dựng mang tính bền vững ở Việt Nam và các quốc gia trên thế giới.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội thảo, sáng 31/10, TS. Lê Trung Thành - Viện trưởng Viện VLXD Việt Nam cho biết, việc phát triển vật liệu xây dựng chắc chắn đòi hỏi phải áp dụng khoa học và công nghệ để giảm thiểu sử dụng tài nguyên khoáng sản, tối đa hóa sử dụng phụ phẩm công nghiệp, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo ra các sản phẩm vật liệu xây dựng bền vững hơn.
Điều này thậm chí còn rất cần thiết khi Việt Nam là một trong những quốc gia có sản lượng vật liệu xây dựng lớn nhất thế giới.
Theo TS. Lê Trung Thành, năm 2018, công suất sản xuất các loại vật liệu xây dựng chính đạt gần 100 triệu tấn xi măng, 706 triệu m2 gạch men, 16 triệu sản phẩm vệ sinh… các ngành sản xuất xi măng và gốm có sản lượng lớn thứ tư trên thế giới.
Tuy nhiên, ngành xây dựng sử dụng khoảng một phần ba năng lượng trên toàn cầu và phát thải khoảng 35 đến 40% tổng lượng khí nhà kính trên toàn thế giới, sử dụng hơn một phần ba nguồn nguyên liệu trên toàn cầu.
Những thách thức này đang trở nên rõ nét hơn ở các nước đang phát triển nơi có mức độ xây dựng dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030. Phần lớn lượng khí thải phát sinh là do sản xuất xi măng và sắt thép, tiếp đó là nhôm, kính/thủy tinh và vật liệu cách nhiệt.
Trước thực tế đó, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam cho rằng, việc phát triển lĩnh vực xây dựng bền vững rất quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu và đô thị hóa nhanh chóng.
“Chính phủ cần có hành động để tạo ra các khung chính sách cho phép hình thành thị trường. Từ đó, các doanh nghiệp có thể sản xuất các loại vật liệu bền vững cho ngành xây dựng; đồng thời khuyến khích việc thiết kế, kích cầu người tiêu dùng trực tiếp sử dụng các sản phẩm bền vững”, bà Caitlin Wiesen nhấn mạnh.
Trong 3 ngày diễn ra Hội thảo sẽ diễn ra 1 phiên toàn thể và 7 phiên theo chủ đề như: Xi măng, bê tông, gốm, kính/thủy tinh, vật liệu chịu lửa, vật liệu chống cháy, vật liệu cách nhiệt, sơn, kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và tái chế chất thải để phát triển bền vững vật liệu xây dựng và ngành xây dựng.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn