Tham dự có đại diện một số Bộ, ngành, Tập đoàn, chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin và các đơn vị trực thuộc Bộ.
Báo cáo về tình hình xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai; Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết, dự thảo 2 Nghị định đã được hoàn thiện và xin ý kiến các thành viên Chính phủ thông qua. Tiếp thu ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ, Tổng cục đã giải trình và hoàn thiện các nội dung dự thảo.
Cụ thể, đối với dự thảo Nghị định quy định về xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai, Tổng cục đã nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện nội dung về xây dựng hệ thống thông tin đất đai quốc gia và CSDL đất đai quốc gia tập trung, thống nhất trên phạm vi cả nước thể hiện cụ thể trong việc xây dựng CSDL đất đai quốc gia tập trung và việc ban hành Kiến trúc tổng thể hệ thống thông tin đất đai để áp dụng thống nhất trên phạm vi cả nước; đồng thời, bảo đảm công khai, minh bạch các thông tin, dữ liệu đất đai. Thông tin, dữ liệu đất đai phải được chuẩn hóa, quản lý thống nhất, kết nối, chia sẻ thông suốt từ Trung ương đến địa phương, giữa các cơ quan nhà nước với nhau và giữa cơ quan nhà nước với tổ chức, cá nhân,… phù hợp với thực tiễn xã hội, nhằm xây dựng Chính phủ điện tử.
Bên cạnh đó, dự thảo Nghị định cũng quy định rõ trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý và khai thác hệ thống thông tin đất đai, CSDL đất đai; quy định về khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu đất đai có thu phí nhằm để tái đầu tư duy trì hệ thống thông tin đất đai, thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; bắt kịp xu thế đổi mới nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và sử dụng có hiệu quả nguồn lực để xây dựng hệ thống thông tin, CSDL đất đai. Qua đó, tạo cơ chế khuyến khích các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện năng lực tham gia trong việc đầu tư xây dựng, cung cấp dịch vụ hệ thống hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin; cung cấp các phần mềm ứng dụng trong việc xây dựng CSDL đất đai và khai thác thông tin, dữ liệu đất đai; xây dựng CSDL đất đai và cung cấp các dịch vụ giá trị gia tăng từ CSDL đất đai…
Đối với dự thảo Nghị định quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai, Tổng cục đã nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định, trong đó bổ sung quy định về sử dụng định danh điện tử trong giao dịch điện tử về đất đai; rà soát, chỉnh sửa quy định về hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai,…
Tại buổi làm việc, các đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo 2 Nghị định; đồng thời cũng góp ý quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, của địa phương trong việc vận hành vận hành và khai thác sử dụng hệ thống thông tin đất đai; về quy định chữ ký điện tử khi hết hiệu lực; việc kết nối, kế thừa các kết quả về xây dựng CSDL đất đai…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh tới yêu cầu của việc ban hành 2 Nghị định: “Đây là chủ trương, nghị quyết lớn của Đảng, Chính phủ được xây dựng và cập nhật trong thời gian vừa qua. Nghị định cần có tầm nhìn xa, nhất là khi ngành công nghệ thông tin luôn có sự thay đổi nhanh, cập nhật liên tục. Do đó, Nghị định này phải có định hướng, tầm nhìn, sức sống lâu dài, đây là cơ sở mục đích lâu dài.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Về nội dung dự thảo Nghị định, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị trong Nghị định mới cần phải làm rõ được trách nhiệm của từng cấp quản lý, từ quốc gia cho tới địa phương; làm rõ vai trò quản lý nhà nước về công nghệ thông tin; ngân sách vận hành, xây dựng cơ sở vật chất…; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn phù hợp với hệ thống điện tử chính phủ để địa phương thực hiện và vận hành cho đồng bộ, nhất quán.
Bộ trưởng cũng đề nghị, trong việc xây dựng CSDL, phải kế thừa được những CSDL đã có và coi đó là tài nguyên quốc gia cần phải sử dụng trong giao dịch điện tử và sẽ bổ sung phát triển thêm.
Về an ninh, an toàn trong giao dịch điện tử cũng như vận hành trong hệ thống công nghệ thông tin, Bộ trưởng đề nghị Nghị định cần phải xem xét, dự đoán những biến động mới có thể xảy ra; tránh những vấn đề thủ tục hành chính vướng mắc sau này. Đặc biệt, Bộ trưởng đề nghị phải phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông cùng thống nhất các nội dung liên quan và đưa ra cơ chế phối hợp thực hiện tốt để khi ban hành Nghị định có thể đáp ứng được những yêu cầu của Chính phủ đặt ra; phục vụ tốt trong công tác xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn