Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tập trung xem xét cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ. Cụ thể: Tờ trình của Chính phủ đã nêu rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan trong việc chậm ban hành nghị định hướng dẫn phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đồng thời đề nghị Quốc hội cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và đưa vào Nghị quyết tại kỳ họp thứ 8 (10/2019), Quốc hội khóa XIV.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đa số ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cho phép lùi thời gian thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước từ thời điểm Luật Khoáng sản và Luật Tài nguyên nước có hiệu lực đến thời điểm hai Nghị định hướng dẫn thi hành hai Luật này có hiệu lực cho các đối tượng liên quan là cần thiết, đồng thời giải quyết dứt điểm khoản dự toán đang “treo” thuộc ngân sách nhà nước trong lĩnh vực này, giải tỏa áp lực cho các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, tài nguyên nước. Một số ý kiến cho rằng việc cho lùi thời gian có thể làm hụt một số khoản thu lớn, trong khi ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, chính sách thu tiền cấp quyền khai thác mỏ là một chính sách mới; được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, ngành khai thác khoáng sản bị ảnh hưởng, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, bị phá sản.
Bộ trưởng cũng cho biết, theo quy định của Luật Khoáng sản, các thông số tính tiền là trữ lượng và chất lượng của từng mỏ, từng loại khoáng sản. Trong khi đó, nội dung của gần 4.000 giấy phép của các địa phương cấp trên phần lớn chỉ ghi công suất khai thác, không có trữ lượng, chất lượng khoáng sản và cách ghi cũng không thống nhất, phức tạp. Do đó, khi hoàn thiện phương pháp tính, mức thu gặp khó khăn do phải mất nhiều thời gian (thường từ 2 - 3 năm) và nguồn lực để khảo sát, thăm dò đánh giá lại trữ lượng cho các giấy phép không có trữ lượng nhằm bao quát được tính phức tạp, đa dạng của nhiều loại giấy phép.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, thời điểm Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hội nghị, hội thảo đánh giá về chính sách để ban hành Nghị định thì có nảy sinh vấn đề “thuế chồng thuế”, vì bản chất thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên cũng là một loại thuế.
“Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đang rất cao. Một trong những mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ là giảm các chi phí, đặc biệt các vấn đề liên quan đến sản phẩm thiết yếu như tài nguyên nước. Chính phủ hết sức quan tâm đến vấn đề giảm CPI và đánh giá tác động. Chính phủ đã ba lần phải xem xét chính sách và tìm thời điểm thích hợp để ban hành...” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng cũng khẳng định việc lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là hợp lý, bởi vì trong thực tế Luật Khoáng sản không quy định về hồi tố mà chỉ quy định từ khi luật này ban hành thì sau khi có đánh giá trữ lượng (thường mất khoảng 3 đến 5 năm).
“Bây giờ có lùi thời hạn thu thì dựa trên tổng trữ lượng và được phân kỳ ra thu lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba. Như vậy, nó không ảnh hưởng gì đến việc chúng ta lùi một, hai năm mà vẫn thu trên tổng số lượng đó. Tức là thu trước 2 năm và thu bây giờ thì vẫn dựa trên toàn bộ trữ lượng đánh giá. Chúng tôi sẽ có báo cáo Quốc hội từng dự án một để đánh giá xem có tổn thất, thất thoát không. Điều này tôi xin được báo cáo và đưa ra con số và đề nghị Quốc hội giám sát vấn đề này” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà giải thích.
Về việc nhà nước thiệt hại bao nhiêu khi lùi thời hạn thu tiền cấp quyền khai thác sản, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay theo Bộ Tài nguyên và Môi trường thống kê phần các mỏ còn lại phải thu tiền chiếm khoảng 8% (của 5.000 giấy phép) và hoàn toàn có thể tính toán được số tiền không thu được trong thời gian chậm ban hành Nghị định là 2 năm 6 tháng. “Có thể nói, nếu lùi thời hạn khi Nghị định có hiệu lực là chúng ta không thất thoát...” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đối với tài nguyên nước, theo quy định của Luật Tài nguyên nước, các thông số tính tiền là chất lượng của nguồn nước, loại nguồn nước, điều kiện khai thác, quy mô, thời gian khai thác, mục đích sử dụng nước của từng công trình khai thác. Trong khi đó, Luật quy định chỉ tính tiền đối với một số hoạt động khai thác tài nguyên nước có lợi thế như: thủy điện, khai thác nước để cấp cho một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ... nhưng không tính tiền đối với nước tưới cho nông nghiệp, cấp nước sinh hoạt của nhân dân. Bộ trưởng cho rằng, nếu cho lùi thời hạn hay miễn tiền cấp quyền thì người dân sẽ được hưởng.
Bởi vì, khi xây dựng phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước mất nhiều thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng, bảo đảm tính khả thi, tránh gây tác động lớn, nhất là tác động đến giá điện, giá nước sạch, trong bối cảnh lạm phát gia tăng và kinh tế vĩ mô thiếu ổn định.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn