Hội thảo xoay quanh Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (PIPA) của Việt Nam và tập trung vào vai trò của các địa phương trong quá trình thực hiện các mục tiêu, cũng như bối cảnh đầu tư và tài chính khí hậu mà chính quyền địa phương cần cân nhắc. Theo Phó Cục trưởng Phạm Văn Tấn, hội thảo là cơ hội trao đổi thông tin và kinh nghiệm thực tiễn, chiến lược hành động nhằm giải quyết vấn đề đầu tư tài chính khí hậu ở cấp địa phương, với cơ chế và điều kiện hiện có.
Sự kiện được tổ chức nhân Ngày Đô thị Thế giới (31/10), với mục đích khuyến khích các địa phương và các bên liên quan tham gia trong lĩnh vực đô thị hành động và tạo ra những thay đổi lớn trong hành động ứng phó biến đổi khí hậu. Theo ông Nguyễn Quang, GIám đốc UN-Habitat, hiện nay, hơn 50% dân số thế giới đang sinh sống ở khu vực đô thị. Đô thị hóa là quá trình khách quan nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức nếu thiếu sự quản lý. Để xây dựng và thực hiện các giải pháp, tài chính là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), ông Michael Krakowski cho rằng, để tăng cường tác động của các chiến lược bền vững, cần phải tăng cường liên kết giữa xây dựng ngân sách và chiến lược. Cụ thể là áp dụng các tiêu chí báo cáo và xây dựng ưu tiên cho các hoạt động xanh. Các tiêu chí cần được xây dựng chi tiết và dựa trên các nguyên tắc pháp lý phù hợp. Nếu không, việc áp dụng sẽ bị coi là mang tính tự phát và ít được quan tâm. Theo ông Michael, Việt Nam cần có các chương trình đào tạo, hoạt động trao đổi giữa các cấp chính quyền, để có thể áp dụng các tiêu chí một cách chính xác. Những kinh nghiệm rút ra sẽ được đưa vào quá trình xây dựng định nghĩa/nguyên tắc trên.
Chia sẻ về nhu cầu tài chính của địa phương, ông Nguyễn Khắc Nhu, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Long cho biết. Trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh Vĩnh Long được Trung ương hỗ trợ thực hiện 2 dự án thuộc Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh với tổng kinh phí 140,369 tỷ đồng. Hiện nay, các Sở, ban ngành tỉnh và các chủ đầu tư đang triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng theo chỉ tiêu kế hoạch được giao. Tỉnh cũng đề xuất phân bổ kinh phí tập trung cho các nhiệm vụ trọng tâm của chương trình, ưu tiên thực hiện một số nhiệm vụ tại Quyết định số 2053/QĐ-TTg ngày 28/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu; một số hoạt động cập nhật và hoàn thiện các kịch bản, kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu; xây dựng tài liệu, phổ biến kiến thức nhằm nâng cao trách nhiệm của cộng đồng.
Xác định việc huy động nguồn lực để ứng phó với BĐKH từ các kênh khác nhau là hết sức cần thiết, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đã chủ động làm việc với Đại sứ quán Hungary tại Việt Nam về những nội dung của dự án Thu gom và xử lý nước thải thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long, nhằm thực hiện nhiệm vụ đầu tư, nâng cấp đô thị ứng phó BĐKH. Đề xuất dự án hiện đã được chấp thuận khoản tín dụng 440 triệu Euro từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Chính phủ Hungary.
Cũng tại hội thảo, các diễn giả đã trình bày về Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris của Việt Nam; Hiện trạng đầu tư về ứng phó BĐKH và tăng trưởng xan ở Việt Nam; Thúc đẩy hành động ứng phó BĐKH thông qua lồng ghép vào quy trình lập kế hoạch và ngân sách ở cấp địa phương; Đánh giá dự án và phân luồng tài chính cho Chương trình hỗ trợ ứng phó với BĐKH (SP-RCC), Hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ cho các thành phố; Tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân trong hành động ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh; Hợp tác thành phố cho các sáng kiến song phương; chia sẻ thông tin về quỹ thích ứng của UN-Habitat cho thành phố và khu dân cư…
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn