Ông Bùi Văn Hải, Cục trưởng Cục Kiểm soát quản lý và Sử dụng đất, Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ TN&MT) đã có chia sẻ với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường xung quanh vấn đề này.
PV: Ông đánh giá thế nào về việc triển khai Nghị định số 91 tại các địa phương? Nghị định này có giải quyết được các vướng mắc khi triển khai Nghị định 102/2014/NĐ-CP trước đây hay không?
Ông Bùi Văn Hải:
Ngay khi Nghị định số 91/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành, các địa phương đã rất quan tâm, nghiên cứu để tổ chức triển khai thực hiện. Tổng cục Quản lý đất đai, Cục Kiểm soát quản lý và Sử dụng đất đai đã nhận được nhiều đề nghị của nhiều địa phương đề xuất được tập huấn các nội dung của Nghị định số 91. Cục đã cử chuyên gia đến tập huấn tại một số tỉnh, thành phố. Đồng thời, trong khoảng thời gian này, Tổng cục, Cục đã nhận được một số ý kiến của các địa phương đề nghị giải thích, hướng dẫn một số tình huống cụ thể khi thực hiện trên thực tế.
Theo tôi, việc ban hành Nghị định số 91 hướng tới giải quyết những nội dung khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Nghị định số 102, vì vậy, đương nhiên là sẽ giải quyết được những tồn tại đó. Ngoài ra, Nghị định này còn bổ sung, cập nhật các hành vi vi phạm chưa được quy định trong Nghị định số 102.
Cụ thể, Nghị định số 91 đã bổ sung việc xác định rõ một số khái niệm về hành vi vi phạm như hành vi “lấn, chiếm đất”; “hủy hoại đất”; xác định nguyên tắc xác định số lợi có được do thực hiện hành vi vi phạm... làm cho hành vi vi phạm dễ xác định và áp dụng được thống nhất, khắc phục được hạn chế tại Nghị định số 102. Nghị định này đã bổ sung thêm 13 hành vi vi phạm mới để xử phạt mà tại Nghị định số 102 chưa quy định dẫn đến việc xử phạt chưa triệt để.
Cùng với đó, Nghị định số 91 khắc phục được việc xác định thời hiệu xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai theo Luật Xử lý vi phạm hành chính. Nghị định số 102 còn khó khăn do chưa có quy định cụ thể hành vi nào đang diễn ra, hành vi nào đã kết thúc và thời điểm kết thúc hành vi. Còn tại Nghị định số 91 đã quy định rõ hành nào đang diễn ra, hành vi nào đã kết thúc và thời điểm kết thúc hành vi.
Nghị định số 91 cũng bổ sung thêm một số biện pháp nhằm khắc phục tồn tại của Nghị định số 102 như: Khắc phục hậu quả quy định chưa đầy đủ, cụ thể dẫn đến việc xử lý vi phạm một số hành vi chưa triệt để, không thống nhất, nhất là việc buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm).
Tại Nghị định số 102, nhiều hành vi vi phạm có mức phạt còn thấp chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm (như chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp từ 0,5 đến trên 3 ha chỉ phạt từ 1.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng); quy định về mức phạt một số trường hợp còn chưa thống nhất, thiếu công bằng giữa các hành vi. Nay, Nghị định số 91 đã nâng mức phạt tiền đối với phần lớn các hành vi nhằm tăng sức răn đe, phòng ngừa vi phạm, nâng cao hiệu quả xử phạt (có hành vi mức phạt tiền tăng lên 50 lần so với mức phạt cũ như hành vi “lấn, chiến đất”).
PV: Một số ý kiến rằng, có tình trạng cá nhân, doanh nghiệp tự ý dùng đất nông nghiệp lập dự án "ma", phân lô bán đất nền trái phép vẫn diễn ra khá phổ biến nhưng rất ít người bị xử lý, Nghị định mới có giải quyết được vấn đề này không, thưa ông?
Ông Bùi Văn Hải:
Đúng là trong thời gian qua ở một số địa phương có tình trạng cá nhân, doanh nghiệp tự ý dùng đất nông nghiệp lập dự án phân lô bán nền (đất ở) trái phép (dự án ma) nhưng chưa được xử lý triệt để.
Quy định của pháp luật về xử lý các vi phạm này đã được quy định ngay từ ở Nghị định số 102 trước đây và nay tiếp tục được quy định tại Nghị định số 91, đồng thời, có tăng mức xử phạt và các biện pháp khắc phục hậu quả. Đối với các vi phạm trên tùy theo từng trường hợp và mức độ vi phạm mà có thể xử lý một hoặc nhiều hành vi vi phạm như: Sử dụng đất không đúng mục đích (Điều 9, Điều 10, Điều 11 Nghị định số 91); không đăng ký đất đai (Điều 17 Nghị định số 91); chuyển quyền sử dụng đất khi chưa đủ điều kiện (Điều 18 Nghị định số 91); Chuyển nhượng quyền sử sụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở (Điều 21 Nghị định số 91). Ngoài ra, nếu đủ điều kiện cấu thành tội phạm (lừa đảo…) còn có thể bị xử lý hình sự theo quy định của pháp luật hình sự.
Quy định đã rõ, tuy vậy, để kiên quyết, xử lý triệt để các vi phạm nêu trên rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, ngành, đặc biệt là chính quyền địa phương nơi xảy ra vi phạm. Chúng tôi kỳ vọng với những quy định của Nghị định số 91, các vi phạm nêu này sẽ được xử lý nghiêm.
PV: Một vấn đề mà dư luận quan tâm là khi người dân mua chung cư, mua đất dự án rồi xây nhà nhưng tới một vài năm vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận. Vậy, vấn đề xử phạt chủ đầu tư được Nghị định mới giải quyết như thế nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Hải:
Tại Điều 31 của Nghị định số 91 về hành vi: “Không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản” và được quy định chi tiết theo thời gian vi phạm (càng để lâu, mức phạt càng cao) và số lượng căn hộ, thửa đất vi phạm (số lượng số lượng căn hộ, thửa đất không cấp Giấy chứng nhận nhiều, mức phạt cao hơn); mức phạt tiền đối với hành vi này cao nhất lên tới 1 tỷ đồng.
Về thẩm quyền xử phạt, ngoài UBND các cấp và thanh tra chuyên ngành đất đai, Nghị định còn quy định thanh tra chuyên ngành xây dựng cũng có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi phạm tại điều này.
PV: Trong thời gian tới, Cục sẽ có những tham mưu với Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT và triển khai những hoạt động gì để triển khai hiệu quả Nghị định này, thưa ông?
Ông Bùi Văn Hải:
Để triển khai thực hiện áp dụng Nghị định số 91 có hiệu quả trên thực tế, Tổng cục Quản lý đất đai đã và đang thực hiện các nhiệm vụ: Xây dựng nội dung tuyên truyền Nghị định này để phổ biến tại Hội nghị thanh tra ngành TN&MT năm 2020 (dự kiến có thể phổ biến tại Hội nghị trực tuyến hoặc gửi tài liệu theo đường văn thư); trực tiếp cử chuyên gia, giảng viên tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn thực hiện cho các địa phương khi có nhu cầu nhằm giúp cho các địa phương hiểu thống nhất và nhanh chóng triển khai áp dụng khi thực hiện xử phạt; phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền, phố biến.
Cục sẽ tham mưu cho Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT văn bản chỉ đạo các địa phương tổ chức thực hiện, hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đồng thời, chúng tôi tập trung thực hiện thanh, kiểm tra để xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm hiện còn phổ biến và nổi cộm đối với cá nhân như: Lấn, chiếm đất; hủy hoại đất; chuyển mục đích sử dụng đất... Đặc biệt, tập trung xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm do tổ chức như: Không nộp hồ sơ, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua, thuê mua nhà, công trình xây dựng, nhận chuyển quyền sử dụng đất tại dự án kinh doanh bất động sản; cho thuê tài sản gắn liền với đất được Nhà nước cho thuê thu tiền thuê đất hàng năm mà không đủ điều kiện quy định tại Điều 38a của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung tại Khoản 24, Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; (Chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư mà không đủ điều kiện theo quy định tại Điều 42 và Điều 42a của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 26, Điều 2 của Nghị định số 01/2017/NĐ-CP; chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền trong dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở...
Ngoài ra, chúng tôi sẽ tổng hợp các tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định số 91 nhất là đối với đề xuất sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm nhằm hoàn thiện hơn nữa các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Từ ngày 5/1/2020, mọi hành vi lấn chiếm đất đai sẽ bị xử phạt nghiêm khắc. Theo quy định của Nghị định 91/2019, mức phạt tối đa lên đến 1 tỷ đồng. Mức phạt này tăng mạnh so với quy định hiện hành khi phạt chỉ dao động 1 - 10 triệu đồng và không phân cấp cụ thể mức độ lấn chiếm.
BBT (Nguồn: báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn