Theo Tổng cục Quản lý đất đai, Dự thảo Nghị định hiện tập trung vào 10 nội dung cơ bản: Thứ nhất về phạm vi điều chỉnh quy định việc giao dịch điện tử giữa cơ quan Nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai tại Việt Nam, trừ thủ tục về thu hồi đất, giao đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.
Thứ hai, về đối tượng áp dụng: Đối với cơ quan nhà nước, người sử dụng đất, tổ chức, cá nhân có liên quan sử dụng hoặc cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
Thứ ba, về nguyên tắc thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai: Quy định 4 nguyên tắc là: Đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của các tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng, trung thực, an toàn, hiệu quả và thuận tiện cho sử dụng; cơ quan, tổ chức, cá nhân được quyền lựa chọn phương thức giao dịch với cơ quan Nhà nước nếu cơ quan Nhà nước đó, đồng thời, chấp nhận giao dịch theo phương thức truyền thống và phương thức giao dịch điện tử, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác; tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
Thứ tư, về chữ ký điện tử: Chữ ký điện tử, việc chứng thực chữ ký điện tử trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Định danh điện tử và xác thực điện tử trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về định danh và xác thực điện tử.
Thứ năm, về an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật trong giao dịch điện tử về đất đai: Việc bảo đảm an ninh, an toàn, bảo vệ, bảo mật đối với giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và pháp luật về an toàn thông tin mạng. Các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai có trách nhiệm bảo mật và lưu trữ thông tin của tổ chức, cá nhân, trừ trường hợp phải cung cấp các thông tin này cho các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
goài ra, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm bảo mật thông tin của mình và chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh theo quy định của pháp luật do lỗi của mình gây ra.
Thứ sáu, về điều kiện, trách nhiệm thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai: Quy định về điều kiện đối với cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai và cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, thủ tục hành chính thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai chỉ áp dụng khi đã được công bố công khai.
Thứ bảy, về phương thức thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai: Thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai tương ứng với dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, mức độ 3 và mức độ 4 đối với Trung ương và địa phương.
Thứ tám, về thời gian thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai: Quy định thời gian thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai không được vượt quá thời gian thực hiện thủ tục hành chính theo phương thức truyền thống cũng như việc quy định thời điểm để tính thời gian thực hiện thủ tục hành chính của cơ quan Nhà nước khi cơ quan, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.
Thứ chín, về ứng phó sự cố trong giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai: Nội dung này quy định về các sự cố có thể xảy ra và xử lý khi có sự cố của cơ quan thực hiện cung cấp dịch vụ.
Thứ mười, về hồ sơ giao dịch điện tử trong lĩnh vực đất đai: Quy định về các nội dung thông tin cơ bản của đối tượng thực hiện thủ tục hành chính và thông tin của hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về giao dịch điện tử.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn