Câu chuyện tích tụ đất đai và hạn điền là hai mặt của một vấn đề, nó đã từng được Quốc hội thảo luận theo hướng bỏ đi một vế, tức hạn điền, vào năm 2003 khi sửa đổi Luật Đất đai, nhưng rồi lại được gác lại cho đến nay, câu chuyện này lại tiếp tục nóng lên. Quản lý của nhà nước đối với đất đai bao giờ cũng phức tạp, vấn đề ở chỗ các mâu thuẫn có liên quan giữa hai quan điểm thả nổi tự do theo quy luật thị trường và kiểm soát hạn chế, giữa tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội luôn luôn khó, để tìm ra một giải pháp dung hoà hay điểm chung hợp lý.
- Vậy theo ông, trong thời đại công nghiệp “lên ngôi”, hay nói cách khác CN 4.0 được coi là xu hướng, Việt Nam có còn nên bàn về tích tụ đất đai?
Có chứ! Cần phải nhìn thẳng vào sự thật rằng tích tụ đất đai, ở đây là nói về đất canh tác nông nghiệp, là một hiện tượng tự nhiên và một quá trình có tính quy luật của thị trường nên khó có thể cưỡng lại. Người ta có thể tích tụ đất bằng nhiều cách khác nhau một khi có nhu cầu như liên kết và hợp tác sản xuất giữa các hộ là chủ sử dụng đất, thuê đất hay nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Trong khi đó, chính sách hay biện pháp hạn điền được áp dụng theo Luật Đất đai lại chỉ nhằm vào hạn chế diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức và cá nhân canh tác nông nghiệp. Tôi lưu ý rằng, ở một số nước, chính sách hạn điền còn triệt để hơn, áp dụng cho mọi trường hợp, bao gồm cả việc tích tụ ruộng đất ngoài hình thức được nhà nước giao như đã nói.
Như vậy, tại sao lại sinh ra “hạn điền”? Đó chính là chính sách bảo vệ nông dân nhỏ, tức nhóm người yếu thế ở nông thôn vốn bao đời luôn luôn là số đông. Họ cần có đất và bám đất để sống. Nếu để cho quy luật “cá lớn nuốt cá bé” phát huy một cách tự nhiên, nhiều người sẽ mất ruộng do không tự sản xuất được, phải đi làm thuê và bị bóc lột, rồi bị bần cùng hoá và cuối cùng, các bất ổn về xã hội sẽ phát sinh.
Tuy nhiên, thời đại ngày nay đã đổi khác với hai đặc điểm cơ bản.
Nông nghiệp chính là lĩnh vực và phương thức để tạo nên và giữ gìn bản sắc kinh tế - văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc và vùng lãnh thổ.
Thứ nhất, quá trình công nghiệp hoá và thương mại hoá đã lan về nông thôn, tác động sâu sắc vào thị trường lao động, dẫn đến hệ quả người chán ruộng đất và bỏ nghề nông lại chính là các nông dân đang có đất.
Thứ hai, tình trạng manh mún về canh tác do cơ chế giao đất công bằng về vị trí đối với ruộng tốt và ruộng xấu đã dần dần trở nên không còn ý nghĩa do áp dụng các phương pháp canh tác công nghệ cao.
Từ đó và đồng thời đã làm nổi lên các vấn đề mới cần được xử lý ở tầm chính sách. Trước hết, nếu người nông dân tiếp tục bỏ ruộng và chán làm nông trên quy mô lớn, nền nông nghiệp dựa vào nông dân sẽ bị đình đốn làm phát sinh hay tăng nguy cơ mất an ninh lương thực. Tiếp theo, trong điều kiện mở cửa thị trường và cạnh tranh quốc tế, các kỹ thuật và phương pháp nông nghiệp đòi hỏi sự thay đổi căn bản theo hướng hiện đại hoá để tăng năng suất và chất lượng. Tuy nhiên, cả năng lực về con người lẫn cơ chế sở hữu, sử dụng đất hiện tại ở nông thôn lại không đáp ứng được yêu cầu này.
Đối diện với thực tế như vậy, tôi thấy cả Chính phủ và nhiều doanh nhân đang hướng đến các giải pháp tạm gọi là “doanh nghiệp hoá” nông thôn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đi theo nó là đề xuất bỏ hạn điền tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất. Nhưng theo quan điểm của tôi, đề xuất mới giải quyết được một trong bộ ba vấn đề có tính gắn bó hữu cơ, đó là nông nghiệp, nông thôn và nông dân, mà cụ thể là vấn đề nông nghiệp.
- Nhưng có ý kiến lo ngại rằng sẽ hình hành một lớp… “địa chủ mới”, lo các doanh nghiệp lớn cướp đất, nông dân mất đất, thưa ông?
Tôi không tán thành cách đặt vấn đề đầy định kiến như vậy. Giờ đây, có lẽ phải hiểu, phải đồng tình rằng càng có nhiều các địa chủ, tức chủ các chủ nông trại ở nông thôn thì càng tốt. Bởi họ không chỉ sản xuất ra nhiều sản phẩm, hàng hoá hơn mà còn tạo ra nhiều việc làm, qua đó giúp cho nhiều người khác ổn định cuộc sống hơn.
Tuy nhiên, mặt khác, từ góc độ lập chính sách, nếu do chủ ý hay mặc nhiên mà sự phân hoá được tạo ra ngày càng lớn ở nông thôn giữa người giàu và người nghèo, giữa tầng lớp chủ và người làm thuê thì tôi e rằng cái đích tốt đẹp cuối cùng mà bất cứ thể chế nào cũng phải hướng tới là công bằng xã hội sẽ không đạt được.
- Như ông nói, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang được xem là lực lượng quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Vậy đâu là “cán cân” để dung hòa lợi ích của nền kinh tế, của doanh nghiệp và nông dân, thưa ông?
Hầu như ở mọi quốc gia, bài toán đặt ra trong phát triển nông nghiệp không phải là để nó cạnh tranh được với công nghiệp và dịch vụ mà để nó tiếp tục tồn tại trong sự cạnh tranh với các sản phẩm nông nghiệp đến từ nước khác hay bên ngoài.
Tại sao nông nghiệp lại phải được duy trì, cho dù nó có thể chỉ chiếm một tỷ trọng thấp hay rất nhỏ trong GDP nói chung? Đó không chỉ vì an ninh lương thực và thực phẩm, vì sự hỗ trợ của nông nghiệp cho công nghiệp, vì để giải quyết việc làm… mà xét một cách lâu dài và vĩnh viễn, nông nghiệp chính là lĩnh vực và phương thức để tạo nên và giữ gìn bản sắc kinh tế - văn hoá của mỗi quốc gia, dân tộc...
Bởi ý nghĩa sâu xa này, chính phủ ở các quốc gia đều có chính sách hỗ trợ cho nông dân và bao cấp cho nông nghiệp. Nguyên lý này đã được thừa nhận trong các quy tắc chung về thương mại quốc tế.
Do vậy, nếu ở nước ta hiện nay có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến phát triển nông nghiệp thì theo tôi là một điều đáng mừng và đáng khích lệ. Tuy nhiên, nếu cho rằng cần “doanh nghiệp hoá” nông nghiệp và nông thôn theo mô hình phát triển của công nghiệp và đô thị thì sẽ không phù hợp.
Tôi chỉ xin nhấn mạnh mấy điểm có tính khái quát rằng: Nếu xu hướng của công nghiệp và đô thị là tiệm cận sự đồng nhất thì nông nghiệp và nông thôn gắn với người nông dân lại lấy sự khác biệt làm tiêu chí cũng như bản chất tự nhiên. Một người công nhân ở Mỹ, Nhật Bản hay Việt Nam cần phải giống nhau nhưng những người nông dân ở ba nước này phải và sẽ luôn luôn khác nhau.
- Nhưng không thể không thừa nhận rằng, doanh nghiệp nắm bắt được những cơ hội hiện hữu của tích tụ tự nhiên một cách nhanh chóng và hiệu quả hơn người nông dân nhiều?
Tích tụ đất đai như đã nói là một quá trình tự nhiên, trong đó việc Nhà nước bỏ chính sách hạn điền quá cứng nhắc như hiện nay là cần thiết. Tuy nhiên, tôi thấy có hai vấn đề cơ bản khác cần được quan tâm và xử lý ở tầm chính sách.
Thứ nhất, cho tới nay, dù có nói thế nào thì sự đầu tư của Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân vẫn còn quá ít.
Thứ hai, việc hợp tác hoá nhiều khâu quan trọng trong canh tác và thương mại hoá, dịch vụ hoá nông nghiệp vẫn chưa thành công.
- Trong quá khứ, chúng ta đã từng thực hiện ít nhất 2 cuộc cải cách ruộng đất. Chúng ta rút được bài học gì từ những cuộc “cải cách” này, thưa ông?
Bài học lớn nhất từ quá khứ cũng như tham khảo kinh nghiệm các nước có nền nông nghiệp tiên tiến là Nhà nước phải hỗ trợ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, tuy nhiên hỗ trợ theo đúng nghĩa. Hỗ trợ, theo tôi là Nhà nước cần làm những gì người nông dân cần chứ không phải yêu cầu hay thúc đẩy người nông dân làm cái gì mà Nhà nước nói chung hay chính quyền các cấp mong muốn. Bởi xu hướng “doanh nghiệp hoá” đang được kêu gọi, liên quan đến tích tụ ruộng đất, tôi cho rằng nó sẽ khích lệ và tạo điều kiện về vật chất cho nhiều doanh nghiệp quan tâm đến mở rộng kinh doanh sang khu vực nông nghiệp.
Tuy nhiên, từ góc độ một luật sư, tôi đã hình dung một cơ chế pháp lý mới không đơn giản cho sự hợp tác suôn sẻ giữa doanh nghiệp và người nông dân vì lợi ích của cả hai phía. Do đó, nhìn ở tầm khái quá và dài hạn hơn, tôi xin đề xuất ý tưởng xây dựng và ban hành một Đạo luật về phát triển nông nghiệp theo mô hình của rất nhiều quốc gia.
- Và mục tiêu của đạo luật đó là...?
Là hóa giải mâu thuẫn… trong tích tụ ruộng đất! Để “doanh nghiệp hóa” trở thành động lực và năng lực phát triển, gắn bó hữu cơ “bộ ba” đó là nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày một chặt chẽ hơn.
- Xin cảm ơn ông!
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn