Đồng chủ trì Hội nghị với Bộ trưởng có Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai. Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục.
Người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng từ chính sách đất đai
Nói về vai trò của công tác này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh: Quản lý đất đai là một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của ngành tài nguyên và môi trường. Trong những năm qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác này. Vì vậy, theo Bộ trưởng, các cơ chế chính sách, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các hoạt động của lĩnh vực quản lý đất đai có tác động trực tiếp đến đất nước, đến toàn thể người dân và doanh nghiệp.
Nhìn lại chặng đường lịch sử của ngành quản lý đất đai, kể từ khi Luật Đất đai 1987 - cơ sở pháp lý đầu tiên trong lĩnh vực này ra đời đến nay, Luật này đã được sửa đổi bổ sung nhiều lần, liên tục vào các năm: 1993, 1998, 2003, 2013. Điều này cho thấy lĩnh vực quản lý đất đai luôn luôn đòi hỏi phải đáp ứng được tiến trình phát triển của đất nước. Mỗi mốc phát triển, mỗi lần sửa Luật Đất đai đều liên quan đến một thời điểm quan trọng của đất nước. Bộ trưởng phân tích, một thay đổi nhỏ của chính sách pháp luật liên quan đến quản lý đất đai đều khẳng định được Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tháo gỡ các nút thắt về đất đai. Khi đó, đất nước được thụ hưởng, doanh nghiệp và người dân đều được thụ hưởng từ chính sách về quản lý đất đai.
Nhìn lại kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, với lần đầu tiên trong 10 năm đất nước hoàn thành cả 12/12 chỉ tiêu và lần đầu tiên trong 10 năm tốc độ tăng trưởng đạt 7,2%... Bộ trưởng cho rằng, ngành quản lý đất đai có những đóng góp thường xuyên, liên tục trong đó con số 12% tổng thu ngân sách là từ đất đai đã nói lên được nhiều điều. Quan trọng hơn đó là ngành quản lý đất đai đã giảm hơn một nửa thời gian, giảm hơn 50% thành phần hồ sơ khi làm thủ tục liên quan đến đất đai đã khiến nhiều người dân và doanh nghiệp phấn khởi. Điều này có tác động lớn đến nền kinh tế, đến từng người dân và doanh nghiệp.
Đất đai là tài nguyên giới hạn, không sinh ra mà chỉ mất đi
Đánh giá cao những phân tích, đóng góp ý kiến của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Tổng cục cũng như lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp vào kế hoạch năm 2019 của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2019 và các năm tiếp theo, ngành quản lý đất đai phải rút ra những bài học từ thành công và đặc biệt là đánh giá được những tồn tại, thách thức trong thời gian qua đối với công tác này để tìm ra phương án giải quyết. Bộ trưởng nhấn mạnh 3 vấn đề cần lưu ý trong quản lý đất đai:
Trước hết, đó là phải làm sao tất cả các chủ trương chính sách lớn liên quan đến đất đai, trước khi ban hành phải được nghiên cứu thấu đáo, có tính lý luận và thực tiễn, có tầm nhìn cao. Theo Bộ trưởng, nếu làm được như vậy, thì sẽ ít xáo trộn trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách pháp luật liên quan đến đất đai.
Thứ hai, theo Bộ trưởng, cần có tư duy mới: “Đất đai là tài nguyên giới hạn. Đất đai không sinh ra mà chỉ mất đi do biến đổi khí hậu, do xâm thực, do sạt lở…”. Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường cả nước nhấn mạnh: “Tài nguyên đó chỉ phát huy kết quả tốt nếu những người làm công tác quản lý đất đai quản lý tốt”.
Bộ trưởng đề nghị ngành quản lý đất đai cần làm tốt công tác quy hoạch với tầm nhìn xa hơn, chứ không chỉ là 5 năm hay 10 năm. “Phải làm sao để thế hệ tương lai luôn luôn có một không gian đất đai, cho tăng trưởng…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Khi có quy hoạch, đất đai sẽ được đưa sử dụng hiệu quả đồng thời bảo tồn và phát triển cho cả hiện tại và tương lai một cách bền vững.
Vấn đề thứ ba, đất đai không phải là vấn đề có thể thay đổi theo kiểu “hôm nay là đất, ngày mai là nước”, vì vậy Bộ trưởng yêu cầu ngành quản lý đất đai “cần phải quản lý tài nguyên này như quản lý ngôi nhà, quản lý các đồ vật quý hiếm của mỗi cá nhân, gia đình chúng ta”.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng cả 3 vấn đề đó đều xuất phát từ thực tế, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành quản lý đất đai phải tư duy, nghiên cứu kỹ lưỡng, có cơ sở khoa học, có thực tiễn… để hành động hiệu quả.
Tổng cục Quản lý đất đai phải “sáng tạo, hiệu quả và bứt phá”
Nhắc lại 12 chữ vàng của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đề ra trong năm 2019 là “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả, bứt phá”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt vấn đề: Vậy thì chúng ta cần phải làm gì để thực hiện được những hành động đó? - Bộ trưởng cho rằng Tổng cục Quản lý đất đai nói riêng và ngành Quản lý đất đai cả nước nói chung, bên cạnh “hành động” thì cần phải “sáng tạo, hiệu quả và bứt phá”.
Để làm được điều đó, Bộ trưởng mong muốn mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành quản lý đất đai cần phải đổi mới tư duy, đánh giá lại chính mình để từ đó có tư duy hành động để lựa chọn nhân sự, lựa chọn chiến lược và lựa chọn mục tiêu để hành động trong thời gian tới. Cần phải có nghiên cứu, phải có tính toán và rất cần phải tham khảo kinh nghiệm của một số nước để có thể quản lý đất đai một cách hiệu quả.
Bộ trưởng cũng yêu cầu giữa các lực lượng: Thống kê, Kiểm kê, Điều tra, Đánh giá, Quan trắc, Quản lý, Thông tin dữ liệu, Quy hoạch… cần phải được phân công cụ thể, phối hợp với nhau ăn ý để tạo ra những sản phẩm đem lại hiệu quả cao trong quản lý đất đai.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng yêu cầu ngành quản lý đất đai sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí những nguồn lực đến từ các dự án xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai. Bộ trưởng yêu cầu xây dựng và sử dụng kho dữ liệu đất đai một cách hiệu quả. Làm sao để các hoạt động bình thường của lĩnh vực quản lý đất đai “mỗi sáng, mỗi tối” đều được đưa vào kho dữ liệu đất đai để sử dụng hiệu quả sau này.
Đề cập đến các vướng mắc đất đai là nói đến vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng, các dự án BT đất đai, các loại hình sản phẩm bất động sản mới, các dự án Condotel... về các ý kiến cho rằng chính sách đất đai còn chồng chéo, còn chưa khớp với các luật về đấu thầu, các luật về tín dụng... những việc đó cần được nghiên cứu, giải quyết sớm. Theo Bộ trưởng, các bài toán này đòi hỏi ngành quản lý đất đai phải có những nghiên cứu sâu về lý luận như: vấn đề giá cả đất đai, công tác định giá đất đai và từ đó tạo ra được các thiết chế, các điều kiện để xác định giá trị đất đai, giá trị chuyển nhượng...
Bộ trưởng cũng đề cập đến việc vì sao hiện nay dù đã rất cố gắng nhưng mới cấp được 97% giấy quyền sử dụng đất cho người dân. Vậy còn 3% còn lại vì sao chưa cấp được? Vậy đâu là vướng mắc, đâu là chồng chéo lên nhau, giữa lĩnh vực này với lĩnh vực khác, giữa Bộ này với Bộ khác… Nhận định 3% đất đai chưa cấp được “sổ đỏ” là rất lớn, Bộ trưởng yêu cầu ngành quản lý đất đai phải đặt ra mục tiêu rõ ràng về chính sách, mục tiêu rõ ràng để phục vụ người dân, mục tiêu rõ ràng để chúng ta thay đổi cơ chế điều hành và giải quyết sớm tồn tại này.
Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập đến một số vấn đề như: đưa đất đai trở thành nguồn lực phục vụ cơ chế thị trường; quy hoạch đất đai theo không gian 3 chiều; sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối toàn phần để quản lý đất đai… đặc biệt là Tổng cục Quản lý đất đai cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với các địa phương để hướng đến mục tiêu quản lý tốt nguồn lực đất đai vì mục đích lâu dài cho sự phát triển bền vững của đất đai, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Công tác quản lý đất đai có nhiều chuyển biến tích cực
Báo cáo tại Hội nghị, ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai cho biết: Trong năm 2018, quán triệt, thực hiện nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục đã tập trung triển khai các nhiệm vụ có trọng tâm, trọng điểm, đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai.
Nổi bật nhất là Tổng cục đã phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương hoàn thiện Báo cáo sơ kết quả 05 năm thực hiện Nghị quyết số 19 và trình Bộ Chính trị Ban hành Kết luận số 36-KL/TW ngày 06/9/2018 về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Xây dựng hoàn thành dự thảo dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 36-KL/TW của Bộ Chính trị và gửi xin ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, hiện đã hoàn thành việc tổng hợp và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xem xét, quyết định. Bên cạnh đó, trong năm 2108, Tổng cục đã hoàn thành và trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cho 63/63 tỉnh, thành phố, Chính phủ đã có Nghị quyết phê duyệt cho 58 tỉnh, thành phố. Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện việc lập điều chỉnh quy hoạch và lập kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện để làm cơ sở cho việc quản lý, sử dụng đất đai. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng, Tổng cục cũng đã phối hợp Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) tổ chức hội nghị Tổng kết mô hình thí điểm liên thông giữa Văn phòng đăng ký đất đai và Cục Thuế.
Đến 31/12/2018, cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt trên 77% tổng diện tích tự nhiên; tỷ lệ cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt trên 97,2% tổng diện tích các loại đất cần cấp. Đối với các công ty nông, lâm nghiệp đã rà soát ranh giới, cắm mốc được 85,7% khối lượng; đo đạc, lập bản đồ địa chính được 95,1% khối lượng; có 46,3% diện tích các công ty nông nghiệp, 78% diện tích các công ty lâm nghiệp và 70% diện tích ban quản lý rừng, vườn Quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên đã được cấp Giấy chứng nhận; thực hiện cấp đổi Giấy chứng nhận theo kết quả đo đạc địa chính chính quy được 16,9% khối lượng nhu cầu. |
Đặc biệt, về công tác thanh tra và kiểm tra đất đai, trong năm 2018, Tổng cục đã triển khai thực hiện xong các nội dung thanh tra tại 04 địa phương (Thái Nguyên, Đồng Nai, Đắk Lắk và TP.Cần Thơ), đạt 100% kế hoạch đề ra; Tổ chức kiểm tra thi hành Luật Đất đai tại 05 tỉnh, thành phố; kiểm tra việc xử lý các dự án đầu tư chậm đưa đất vào sử dụng tại 05 thành phố; kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại 05 tỉnh Tây Nguyên; kiểm tra việc thực hiện Đề án “tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020” tại 15 tỉnh, thành phố; kiểm tra việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại 10 tỉnh, thành phố... Qua công tác thanh tra, kiểm tra đã kịp thời phát hiện và xử lý những vi phạm của cơ quan quản lý và người sử dụng đất. Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về đất đai để bảo đảm chính sách phù hợp với thực tiễn.
Ngoài ra, Tổng cục còn tổ chức kiểm tra, làm rõ một số vụ việc nổi cộm báo chí phản ánh và theo chỉ đạo đột xuất của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, như: vụ việc chuyển mục đích rừng ở tỉnh Lâm Đồng, vụ việc chuyển mục đích sử dụng đất tại tỉnh Khánh Hòa... kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đối với các dự án Khu đô thị, Khu du lịch nghỉ dưỡng có quy mô lớn tại 07 tỉnh, thành phố; hoàn thiện kết quả kiểm tra và báo cáo Bộ ban hành văn bản chỉ đạo, xem xét giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Trong năm 2018, Tổng cục đã tiếp tục duy trì tốt công tác tiếp nhận xử lý thông tin phản ánh của người dân và doanh nghiệp về những hành vi vi phạm trong quản lý và sử dụng đất thông qua đường dây nóng của Tổng cục. Tổng cục đã tiếp nhận 692 trường hợp phản ánh, đã ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương kiểm tra, giải quyết 234 trường hợp phản ánh. Các thông tin phản ánh chủ yếu tập trung tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa...nội dung phán ánh tập trung nhiều về các lĩnh vực như: đăng ký, cấp giấy chứng nhận, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và các dự án chậm triển khai. |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ đã đánh giá cao các kết quả đạt được của Tổng cục Quản lý đất đai năm 2018, đồng thời đề nghị Tổng cục trong năm 2019 tiếp tục đổi mới công tác quản lý về đất đai, tập trung tháo gỡ các vướng mắc về chính sách đất đai tại các địa phương; xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về đất đai; sắp xếp tổ chức kiện toàn bộ máy của Văn phòng đăng ký đất đai và Trung tâm phát triển quỹ đất tại các địa phương; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ viễn thám trong quản lý và kiểm kê đất đai…
Thay mặt Lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục trưởng Lê Thanh Khuyến đã trân trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng như những góp ý của các đại biểu dự Hội nghị và sẽ đưa vào kế hoạch triển khai ngay trong năm 2019. Trong đó sẽ tập trung vào tháo gỡ khó khăn cho địa phương trong tổ chức thi hành Luật Đất đai năm 2013. Trong quý II/2019 sẽ hoàn thành trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về khuyến khích tích tụ và tập trung đất đai; Nghị định thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14/11/2014 của Chính phủ quy định về Khung giá đất; …
Việc xây dựng Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đất đai rất quan trọng. Đây là một trong 6 cơ sở dữ liệu đất đai nên được Chính phủ, Lãnh đạo Bộ đặc biệt quan tâm. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan cố gắng hoàn thành, vận hành Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin đất đai hiện đại, hướng tới công nghệ 4.0.
Bên cạnh đó, Tổng cục sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là trong công tác tổ chức thi hành Luật Đất đai 2013; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Bộ… để công tác quản lý đất đai ngày càng tốt hơn trong thời gian tới.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn