Hiệu quả thiết thực
Theo thống kê, sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định; các Bộ, ngành đã ban hành 50 Thông tư, Thông tư liên tịch, trong đó, Bộ TN&MT đã chủ trì ban hành 35 Thông tư. Nhìn chung, các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được trình ban hành theo đúng trình tự, thủ tục, đảm bảo kịp thời, có hiệu lực ngay khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; khắc phục được tình trạng Luật chờ các văn bản hướng dẫn. Việc ban hành đồng thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật có hiệu lực cùng với Luật Đất đai đã đánh dấu một bước tiến quan trọng, được xã hội ghi nhận và đánh giá cao trong việc chuẩn bị, tổ chức thi hành Luật Đất đai.
Cùng với đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động rà soát các Điều, Khoản được giao trong Luật và Nghị định để quy định chi tiết thi hành. Đến nay, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành hơn 1.141 văn bản quy định cụ thể đối với 41 nội dung theo phân cấp; tập trung vào các lĩnh vực giá đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, quy định về hạn mức sử dụng đất, diện tích tối thiểu được phép tách thửa.
Nhờ đó, các công tác như: Đo đạc, lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; giá đất thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai đều đã đạt các kết quả tích cực.
Đến nay, 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng, ban hành và công bố công khai bảng giá đất theo quy định. Công tác xác định giá đất cụ thể đã được các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện theo quy định, quy trình chặt chẽ (thông qua Hội đồng thẩm định giá đất cấp tỉnh thẩm định trước khi UBND quyết định giá đất).
Số tiền thu từ đất (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp) đã tăng qua các năm cho ngân sách Nhà nước, cụ thể: Năm 2014 là 55.138 tỷ đồng, năm 2015 là 84.810 tỷ đồng, năm 2016 là 115.290 tỷ đồng, năm 2017 là 104.400 tỷ đồng và 10 tháng năm 2018 là 92.600 tỷ đồng.
Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và quy định của pháp luật; đến nay, đã có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn; quy định và phân định rõ trách nhiệm các Sở, ban, ngành, các đơn vị, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, nhờ đó, bước đầu đã khắc phục được tình trạng thu hồi đất tràn lan, lãng phí đất.
Tuy vậy, Bộ TN&MT chỉ ra một số tồn tại, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, không thống nhất, không đồng bộ giữa pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan, như Luật Đầu tư, Doanh nghiệp, Đấu thầu, Xây dựng, Nhà ở…, gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và làm giảm hiệu lực, hiệu quả của các quy định của pháp luật, dẫn tới chưa khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai theo phân cấp của các địa phương chưa đầy đủ, kịp thời, chất lượng thấp, ban hành chưa đúng thẩm quyền, ban hành còn chậm so với thời điểm Luật Đất đai có hiệu lực thi hành; có nội dung một số địa phương vẫn chưa ban hành.
Ngoài ra, tổ chức bộ máy ở cấp xã chỉ duy trì một công chức địa chính địa chính; ở cấp huyện Phòng TN&MT chỉ có khoảng 3 - 5 cán bộ, trong khi đó, xử lý cả các nhiệm vụ liên quan đến môi trường, xây dựng, quản lý đô thị, dẫn đến quá tải trong thực thi công vụ, chưa thực hiện tốt được vai trò phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực đất đai.
Đặc biệt, việc thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng tại một số địa phương còn chậm, nhất là các dự án thực hiện thu hồi đất, bồi thường trong giai đoạn thay đổi cơ chế, chính sách. Một số dự án lớn, thực hiện kéo dài đã nhiều năm nhưng chưa hoàn thành, vừa ảnh hưởng đến tiến độ của dự án đầu tư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, vừa tác động không tốt đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Ngoài ra, một số địa phương chưa xây dựng khu tái định cư trước khi quyết định thu hồi đất hoặc đã xây dựng nhưng vị trí không thuận lợi, kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, không phù hợp với phong tục, tập quán của người có đất thu hồi. Chính sách tài chính về đất đai còn có những điểm bất cập nhất là việc điều tiết nguồn lợi thu được từ đất đai để đảm bào hài hòa lợi ích của Nhà nước, của người sử dụng đất và doanh nghiệp.
Hoàn thiện chính sách - tăng cường kiểm tra
Để tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, Bộ TN&MT cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai, nâng cao chất lượng, tiến độ xây dựng, tính khả thi của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm công khai, minh bạch trong giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, xác định giá đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư, tăng cường đấu giá quyền sử dụng đất; khắc phục ngay tình trạng không thống nhất giữa các quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan. Hoàn thiện cơ chế tích tụ tập trung đất đai theo cơ chế thị trường, tạo quỹ đất nông nghiệp quy mô lớn gắn với quy hoạch các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo đời sống, việc làm cho nông dân; tăng cường quản lý, khắc phục suy thoái đất; có cơ chế kiểm soát đầu cơ đất đai. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, sớm hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai.
Tăng cường việc kiểm tra, giám sát thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở các cấp và các đối tượng sử dụng đất; rà soát điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch hàng năm mà đã quá 3 năm nhưng chưa thực hiện theo quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng sang mục đích khác theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư. Thực hiện nghiêm các quy định về xử lý các dự án triển khai chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích; có cơ chế để khai thác hiệu quả quỹ đất phụ cận.
Tập trung thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp Luật Đất đai để người dân tham gia giám sát thi hành Luật.
Bộ TN&MT tập trung đôn đốc rà soát, xử lý tình trạng lãng phí đất đai của các dự án đầu tư; đẩy nhanh tiến độ cơ bản hoàn thành việc đo đạc cắm mốc ranh giới, sắp xếp đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh gắn với giải quyết vấn đề định cư cho đồng bào dân tộc nhất là ở khu vực Tây Nguyên, triển khai các giải pháp tập trung đất đai cho nông nghiệp công nghệ cao. Chỉ đạo các địa phương tập trung hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận đối với 97,2% diện tích cần cấp (tăng 3,3% so với năm 2016, với 3,7 triệu Giấy chứng nhận lần đầu được cấp mới ) góp phần thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản; việc thực hiện giao đất theo hình thức đấu giá đất đã tăng đóng góp nguồn thu từ đất cho ngân sách nhà nước. Cả nước có 161/713 đơn vị hành chính cấp huyện trên phạm vi 45 tỉnh, thành phố đang vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai; 54 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp theo quy định; Bộ đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về tình hình hoạt động của Văn phòng Đăng ký đất đai một cấp, nhằm trao đổi, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động. |
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn