Hai loại hạn mức với đất nông nghiệp
Luật Đất đai năm 2013 quy định 2 loại hạn mức được áp dụng đối với đất nông nghiệp bao gồm: Hạn mức giao đất nông nghiệp (quy định tại Điều 129); Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp (quy định tại Điều 130).
Trong đó, quy định rõ loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất Ịàm muối, tổng hạn mức giao đất không quá 5 héc ta. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm, hạn mức đất trồng cây lâu năm không quá 5 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất rừng sản xuất tổng hạn mức giao đất rừng sản xuất không quá 25 héc ta.
Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch đế sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 129 Luật Đất đai 2013 và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 129.
UBND cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Hạn mức giao đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, trồng cây lâu năm, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối thuộc vùng đệm của rừng đặc dụng cho mỗi hộ gia đình, cá nhân được thực hiện theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều 129 Luật Đất đai 2013.
Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ngoài xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng, nếu là đất được giao không thu tiền sử dụng đất, được tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp của mỗi hộ gia đình, cá nhân.
Cơ quan quản lý đất đai nơi đã giao đất nông nghiệp không thu tiền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân gửi thông báo cho UBND cấp xã nơi hộ gia đình, cá nhân đó đăng ký hộ khẩu thường trú để tính hạn mức giao đất nông nghiệp.
Diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân do nhận chuyển nhượng, thuê, thuê lại, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất từ người khác, nhận khoán, được Nhà nước cho thuê đất không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 Luật đất đai 2013.
Bổ sung điều chỉnh hai điểm cơ bản
Bên cạnh việc gần như giữ nguyên các hạn mức cũ của Luật Đất đai 2003 và Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai 2003, Luật Đất đai 2013 chỉ có hai điểm mới.
Hạn mức đất nông nghiệp được quy định tăng trong một trường hợp, đó là “Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao thêm đất trồng cây lâu năm thì hạn mức đất trồng cây lâu năm là không quá 5 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 25 héc ta đối với xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi” (khoản 4 Điều 129 Luật Đất đai 2013). Hạn mức đất này theo quy định của Luật Đất đai 2003 là không quá 20 ha. Trong bối cảnh có rất nhiều ý kiến đề xuất về tăng hạn mức giao đất nông nghiệp trước thực trạng cơ cấu lao động trong lĩnh vực nông nghiệp đang giảm mạnh, sự điều chỉnh trên của Luật Đất đai 2013 là không đáng kể.
Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc (Khoản 5 Điều 129 Luật Đất đai 2013), bổ sung: “UBND cấp tỉnh quy định hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Luật Đất đai 2003 chỉ quy định chung: “Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối không quá hạn mức giao đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này và không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này”. Quy định bổ sung sẽ tạo sự chủ động hơn cho chính quyền địa phương trong việc quản lý và giao đất chưa sử dụng nằm trong địa giới hành chính của cấp mình. Bởi thực tế, đất chưa sử dụng chiếm diện tích không lớn, vì vậy, nếu áp dụng hạn mức tương tự như đất nông nghiệp thông thường (Khoản 1,2,3) cũng là một sự không hợp lý. UBND cấp tỉnh có thể điều chỉnh một hạn mức giao thấp hơn để hợp với tình hình của địa phương.
BBT (Nguồn: báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn