Theo quy định của Luật Đất đai, việc cấp Giấy chứng nhận là do nhu cầu của người sử dụng đất. Do đó, trường hợp người sử dụng đất không tự nguyện hoặc không có đủ khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận, việc đẩy mạnh kết quả cấp Giấy chứng nhận rất khó khăn.
Để thúc đẩy việc hoàn thành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ TN&MT kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo: Giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp có nhu cầu và đủ điều kiện cấp Giấy theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện các giải pháp như: Chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác đăng ký đất đai theo quy định nhằm quản lý chặt chẽ tình trạng pháp lý đến từng thửa đất; chấn chỉnh và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện việc đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng đất về công tác đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận.
Đặc biệt, các địa phương bảo đảm dành tối thiểu 10% tổng số thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất để đầu tư cho công tác đo đạc bản đồ địa chính, đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất. Đối với các địa phương đã thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, ưu tiên bố trí đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực có đủ trình độ chuyên môn để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, đối với các địa phương hiện chưa thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai, cần khẩn trương thực hiện việc kiện toàn hệ thống Văn phòng đúng theo quy định của pháp luật đất đai năm 2013 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận.
Tổng cục kiến nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu chỉnh sửa chính sách về thu tiền sử dụng đất theo hướng: Cho phép người dân được ghi nợ nghĩa vụ tài chính khi thực hiện cấp Giấy chứng nhận đối với tất cả các trường hợp không giới hạn thời gian được ghi nợ, phạt chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính quá thời gian ghi nợ (người sử dụng đất khi thực hiện quyền phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai theo chính sách và giá đất tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận); giảm hoặc miễn nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp đã thanh lý, hóa giá Nhà trước ngày 15/10/1993 nhưng giấy tờ thanh lý không thể hiện việc nộp tiền sử dụng đất, thanh lý nhà có giá trị của đất; trường hợp giao đất trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993 không thu tiền sử dụng đất (kể cả trường hợp không có giấy tờ chứng minh đã nộp tiền để được sử dụng đất).
Bên cạnh đó, rà soát sửa đổi cơ chế chính sách nhằm khuyến khích việc chuyển hoạt động của các Văn phòng Đăng ký đất đai sang cơ chế tự chủ tài chính tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư để vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp nhằm tăng cường năng lực cho Văn phòng cung cấp đa dạng các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, giao Bộ TN&MT, tiếp tục chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra, hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận; có chế tài xử lý cán bộ gây nhũng nhiễu trong việc giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận; chỉ đạo tổ chức triển khai việc thanh tra công vụ để làm rõ trách nhiệm và xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận. Đồng thời, việc chỉ đạo cấp Giấy chứng nhận cần tập trung xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đất đai để từng bước đưa công tác này theo hướng hiện đại.
Ông Hoàng Ngọc Phương, Cục trưởng Cục Đăng ký đất đai cho biết, để quản lý tốt và có thông tin cụ thể tới từng thửa đất, ngoài những giải pháp trên, việc cần thiết nhất là tăng cường công tác chỉ đạo ở địa phương thực hiện đăng ký đất đai bắt buộc.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn