Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, thực hiện Quyết định số 45/QĐ-TTg ngày 08/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong thời gian qua, Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học (ĐDSH) thực sự đã đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu cấp bách của địa phương về bảo tồn ĐDSH. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp hiệu quả cho công tác quản lý nhà nước về bảo tồn ĐDSH, việc thực hiện quy hoạch còn bộc lộ những tồn tại, bất cập, hạn chế như: vai trò, tầm quan trọng của Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH đối với các quy hoạch liên quan chưa được nhìn nhận phù hợp, do vậy việc lồng ghép nội dung ĐDSH trong các quy hoạch liên quan chưa được thực hiện, gây ra nhiều bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất trong hoạch định và thực thi quy hoạch; một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chưa hoàn thành việc xây dựng và phê duyệt chiến lược và kế hoạch bảo tồn, quy hoạch ĐDSH; nhiều nội dung của Quy hoạch Bảo tồn ĐDSH, đặc biệt là các dự án ưu tiên, chưa được triển khai thực hiện; tồn tại song song các hệ thống quy hoạch trước khi Luật ĐDSH được ban hành, thiếu sự quản lý thống nhất dẫn đến việc trùng lặp, chồng chéo, kém hiệu quả về không gian quy hoạch và phân công quản lý…
Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới, do vậy sẽ có những tác động không nhỏ tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Do hoạt động phát triển kinh tế, lạc hậu về cơ cấu sản xuất, cơ cấu sản phẩm sử dụng nhiều tài nguyên, tỷ lệ đói nghèo, nhu cầu và tập quán tiêu thụ sản phẩm ĐDSH của người dân đã làm cho môi trường và ĐDSH bị suy thoái, xuống cấp ngày càng gia tăng về quy mô và chất lượng. Ngoài ra, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, việc này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ĐDSH nước ta.
Đứng trước tình hình mới, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ tài nguyên và Môi trường đã xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030; dự kiến nhiệm vụ được trình Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện trong năm 2021.
Dự thảo Quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia thời kỳ 2021-2030 gồm các nội dung chính: Xây dựng bộ dữ liệu nền và khung cơ sở dữ liệu phục vụ lập và triển khai, giám sát quy hoạch bảo tồn ĐDSH quốc gia; Phân tích, đánh giá về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội ảnh hưởng đến bảo tồn và sử dụng bền vững ĐDSH nhằm phục vụ xây dựng quy hoạch; Đánh giá hiện trạng ĐDSH; Dự báo xu thế diễn biến ĐDSH thời kỳ quy hoạch; Nghiên cứu đề xuất các đối tượng quy hoạch tiềm năng; Xây dựng Quan điểm, mục tiêu bảo tồn ĐDSH thời kỳ 2021 -2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng nội dung định hướng bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH nhằm tích hợp vào quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; Xây dựng hướng dẫn lập nội dung quy hoạch bảo tồn ĐDSH trong quy hoạch tỉnh; Xác định các giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch; Đề xuất tổ chức thực hiện quy hoạch; Tổ chức tham vấn, lấy ý kiến về quy hoạch; Thiết lập hệ thống giám sát và các chỉ số để đo lường hiệu quả trong việc đạt được các mục tiêu quy hoạch bảo tồn ĐDSH;...
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, Quy hoạch này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong công tác bảo tồn ĐDSH ở Việt Nam. Quy hoạch có tính chất liên ngành, có mối liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực. Do vậy cần được xem xét một cách tổng thể trong mối quan hệ đối với các quy hoạch khác, bao gồm các quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Đồng thời, các đối tượng quy hoạch của bản thân Quy hoạch bảo tồn ĐDSH cũng được xem xét trong mối tương tác qua lại giữa chúng.
Ngoài việc đưa ra hoạch định quy hoạch từ cấp quốc gia còn cần phải tích hợp, nghiên cứu các đề xuất của địa phương, đặc biệt là sử dụng các kết quả nghiên cứu quy hoạch bảo tồn ĐDSH cấp tỉnh đã được xây dựng và phê duyệt.
“Quy hoạch phải đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới trên quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, công tác bảo vệ, bảo tồn phải gắn với phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục được những chồng chéo trong thực tế hiện nay, đảm bảo sự thống nhất về quản lý nhà nước trong bảo tồn và ĐDSH. Quy hoạch phải thực sự chất lượng, khả thi và có tính thực thi cao; đảm bảo việc bảo tồn, duy trì nguồn tài nguyên ĐDSH, làm cơ sở cho các ngành kinh tế, mang lại lợi ích chung cho xã hội và cộng đồng”- Thứ trưởng nhấn mạnh
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn