Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi QCVN 62-MT:2016/BTNMT do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, trong thời gian qua đã góp phần tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm nước thải ngành chăn nuôi, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, việc áp dụng Quy chuẩn này vào điều kiện thực tiễn chăn nuôi ở nước ta còn có một số bất cập. Việc xử lý nước thải chăn nuôi nhằm đạt Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT đòi hỏi chi phí xử lý môi trường rất lớn cho các chủ trang trại, doanh nghiệp và khó khăn trong việc tận dụng nước thải chăn nuôi đã qua xử lý làm phân bón hữu cơ, giúp tăng thu nhập cho người dân thông qua giảm sử dụng phân bón vô cơ.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường cũng như hội nhập quốc tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi. So với Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT, dự thảo Quy chuẩn mới đã có nhiều chỉnh sửa, làm rõ các khái niệm để phù hợp với phạm vi, đối tượng và khái niệm được quy định tại Luật Chăn nuôi 2018; để tránh những cách hiểu khác nhau trong thực tế.
Đặc biệt, dự thảo Quy chuẩn mới đã bổ sung, cập nhật các tiêu chuẩn đối với các phương pháp thử tương ứng với các thông số đã quy định trong dự thảo Quy chuẩn, bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong dự thảo Quy chuẩn mới dự kiến điều chỉnh giá trị BOD5 và giá trị COD tương đương với tiêu chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo với hiện trạng công nghệ xử lý nước thải chăn nuôi hiện có; nếu các cơ sở chăn nuôi vận hành đúng quy trình, quy mô, công suất thì nước thải đầu ra hoàn toàn có thể đạt yêu cầu theo quy định trước khi thải ra nguồn tiếp nhận.
Phát biểu tại cuộc họp, các đại biểu đánh giá cao Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp thu các ý kiến của Đại biểu Quốc hội, của cộng đồng và các nhà khoa học để xây dựng dự thảo Quy chuẩn lần này tiệm cận với thực tế của đất nước; đối với nhà sản xuất, công nghệ xử lý nước thải và xu hướng chung của thế giới và trong nước, đảm bảo cho sự phát triển của nhà sản xuất và đảm bảo sự an toàn về môi trường của người tiêu dùng và cộng đồng.
Quy chuẩn đã đề cập đến các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ cũng phải có trách nhiệm trong xử lý nước thải trong chăn nuôi. Các thông số BOD5 và COD đã được điều chỉnh hợp lý, tương thích với các tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước. Các đại biểu cũng đã đóng góp nhiều ý kiến, làm rõ thêm các thuật ngữ để đảm bảo dễ dàng hơn trong triển khai thực tế.
Sau khi nghe báo cáo của đơn vị soạn thảo và ý kiến của các đại biểu tham dự Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cảm ơn các đại biểu từ các Bộ, ngành và các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng, tâm huyết và ủng hộ dự thảo Quy chuẩn, để đơn vị soạn thảo chỉnh sửa, ban hành phù hợp với pháp luật, phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và có thể đi vào cuộc sống.
Để tránh hiểu nhầm đối với các Quy chuẩn nước thải chăn nuôi phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, nuôi thủy sản của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quy chuẩn được thống nhất sửa đổi tên thành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với nước thải chăn nuôi”.
Thứ trưởng yêu cầu Ban soạn thảo, khi thay đổi chỉnh sửa các nội dung của Quy chuẩn phải có cơ sở khoa học, thực tiễn; cần giải trình rõ ràng, bám sát quan điểm của Việt Nam hiện nay “phát triển kinh tế nhưng không hy sinh môi trường, phải đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân”.
Thứ trưởng giao Tổng cục Môi trường, Vụ Khoa học Công nghệ và Vụ Pháp chế tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để đăng tải, lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng và trình ban hành theo quy định.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn