Tham dự cuộc họp có đại diện Văn phòng Chính phủ, các Bộ: Nội vụ, Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; Tổng cục Môi trường và các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, chất thải rắn hiện đang được quản lý theo các quy định về chất thải nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường và các chất thải đặc thù khác (như chất thải từ hoạt động y tế, hoạt động xây dựng, hoạt động nông nghiệp, chất thải từ hoạt động giao thông vận tải).
Trong các loại chất thải rắn nêu trên, trách nhiệm quản lý nhà nước về chất thải nguy hại đã được giao thống nhất trên phạm vi toàn quốc cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm quy định về danh mục, mã và ngưỡng chất thải nguy hại; yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý về phân định, phân loại, lưu giữ, trung chuyển, vận chuyển, sơ chế, tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý, xử lý và thu hồi năng lượng; quy định trình tự, thủ tục đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại; cấp và thu hồi Giấy phép xử lý chất thải nguy hại; kiểm soát vận chuyển xuyên biên giới chất thải nguy hại theo Công ước Basel… Việc giao chất thải nguy hại cho một đơn vị đầu mối quản lý từ khi phát sinh đến khi xử lý, thiêu hủy cuối cùng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tỷ lệ chất thải nguy hại được tái sử dụng, tái chế và xử lý đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường ngày càng tăng trong thời gian vừa qua.
Đối với chất thải rắn công nghiệp thông thường và các loại chất thải đặc thù khác như chất thải từ hoạt động y tế, chất thải từ hoạt động nông nghiệp, chất thải rắn từ hoạt động xây dựng… đang có sự tham gia quản lý nhà nước của nhiều Bộ, cơ quan liên quan nhưng về cơ bản đang được thực hiện theo hướng Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan nhà nước thống nhất quản lý, các Bộ liên quan quản lý chuyên ngành kỹ thuật theo chức năng, nhiệm vụ được pháp luật quy định nên hiện chưa phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong quản lý.
Riêng đối với chất thải rắn sinh hoạt hiện đang tồn tại nhiều bất cập. Hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý còn hạn chế, đặc biệt là chưa có một cơ quan đầu mối thống nhất về quản lý nhà nước. Mặc dù có sự tham gia của nhiều Bộ, cơ quan liên quan nhưng còn thiếu sự thống nhất, dẫn đến khó khăn trong quản lý nhà nước ở cả cấp Trung ương và địa phương, trong đó có sự chồng chéo, bỏ trống, phân đoạn về quản lý chất thải rắn.
Trước các bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn, ngày 03/02/2019, tại Nghị quyết số 09/NQ-CP Chính phủ đã thống nhất giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn.
Để thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn, bên cạnh các nội dung được thực hiện theo quy định của Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung chức năng nhiệm vụ của Bộ Xây dựng và Bộ Tài nguyên và Môi trường để Bộ Tài nguyên và Môi trường là đầu mối thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; sửa đổi Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04/4/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó chuyển chức năng của Sở Xây dựng về “quản lý chất thải rắn thông thường tại đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng về Sở Tài nguyên và Môi trường, đảm bảo tính thống nhất xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương”.
Đồng thời đề xuất sửa đổi các Luật có liên quan như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng… cho phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 09/NQ-CP của Chính phủ đối với nội dung quản lý chất thải rắn. Rà soát, đề xuất phương án về tổ chức, cán bộ của các cơ quan Trung ương và địa phương để đảm bảo thực hiện thống nhất về quản lý nhà nước đối với chất thải rắn.
Sau khi nghe báo cáo của đơn vị soạn thảo và ý kiến của các đại biểu tham dự, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đánh giá cao ý kiến tham gia của đại diện Văn phòng Chính phủ và đại diện các các Bộ, Thứ trưởng giao Tổng Cục Môi trường tiếp thu, chỉnh sửa và tiếp tục xin ý kiến của các Bộ, ngành để Bộ hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ cho phép chủ trương thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn có thể đi vào cuộc sống.
Thứ trưởng yêu cầu, việc rà soát các quy định của pháp luật trong thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn cần phải đảm bảo đánh giá được đầy đủ hiện trạng chức năng, nhiệm vụ của từng Bộ, ngành; từ đó xác định những điểm tồn tại, hạn chế, các quy định còn chồng chéo để đề xuất sửa đổi, bổ sung và quy về một đầu mối thống nhất. Đối với các nội dung hiện các Bộ, ngành đang thực hiện tốt, không có chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ thì nên giữ nguyên như hiện nay. Cần đề xuất thay đổi các quy định của pháp luật và phương án chỉ đạo điều hành để quản lý chất thải rắn thống nhất, thông suốt từ trung ương đến địa phương.
“Khẩn trương thực hiện hoạt động đánh giá hiện trạng công tác quản lý chất thải rắn tại các Bộ, ngành và địa phương; tổ chức các cuộc hội thảo, chuyên trang tham vấn, đánh giá toàn diện công tác quản lý, xử lý chất thải rắn; đề xuất xây dựng được các cơ chế, chính sách, cũng như đổi mới mạnh mẽ, tạo ra bước đột phá trong quản lý và xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải rắn sinh hoạt” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh./.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn