Tham dự có lãnh đạo Tổng cục Môi trường và đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.
Báo cáo tại cuộc họp, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Văn Tài cho biết, Kế hoạch tổ chức tiếp nhận và triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn được xây dựng nhằm đảm bảo sự quản lý thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương về quản lý chất thải rắn; đồng thời tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt là đối với chất thải rắn sinh hoạt, góp phần thực hiện thành công Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018.
Trên cơ sở ý kiến tham gia của các Bộ, ngành tại cuộc họp ngày 28/02/2019, Tổng cục rà soát, hoàn thiện nội dung dự thảo khung Kế hoạch đảm bảo bám sát yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ.
Dự thảo Kế hoạch tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, rà soát, phát hiện các bất cập, chồng chéo, các vấn đề cần đề xuất các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chức năng quản lý nhà nước về chất thải rắn; nhằm đảm bảo sự thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn.
Thứ hai, khảo sát, đánh giá thực trạng công tác quản lý chất thải rắn hiện nay, trong đó tập trung vào chất thải rắn sinh hoạt. Việc rà soát, đánh giá các cơ sở xử lý chất thải tại đối với các địa phương có các đặc điểm khác nhau (các đô thị đặc biệt; các địa phương vùng nông thôn, miền núi, ven biển...); đặc biệt những các địa phương có các cơ sở xử lý chất thải là điểm nóng về môi trường trong thời gian qua. Các nội dung rà soát, đánh giá bao gồm các đánh giá về công tác quản lý nhà nước liên quan đến quản lý chất thải rắn như tổ chức bộ máy, phân công trách nhiệm giữa các cơ quan chuyên môn về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; công tác lập quy hoạch và triển khai thực hiện quy hoạch; việc xây dựng và ban hành các quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; đơn giá thu gom, năng lực thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt của địa phương so với lượng chất thải phát sinh... Khảo sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; sự phù hợp với quy hoạch của địa điểm cơ sở xử lý; công suất xử lý của cơ sở trên lượng chất thải tiếp nhận; công nghệ xử lý áp dụng; quy trình vận hành, đơn giá xử lý đối với từng loại công nghệ, phương pháp xử lý áp dụng,... Trong quá trình rà soát, cũng sẽ lấy mẫu phân tích để đánh giá hiệu quả xử lý và bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với các lò đốt chất thải (bao gồm cả phân tích Dioxin/Furan).
Thứ ba, tham vấn, hội thảo chuyên đề với các Bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp để lắng nghe những khó khăn của doanh nghiệp và giới thiệu các mô hình, các công nghệ mới phù hợp với hiện trạng xử lý chất thải rắn ở Việt Nam; các giải pháp, cơ chế chính sách để hoàn thiện công tác quản lý và xử lý chất thải rắn và đưa chính sách đi vào cuộc sống.
Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn. Hội nghị sẽ có sự tham gia của Chính phủ, đại diện các Bộ: Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông Vận tải, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nội vụ, Công Thương; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; đại diện UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức quốc tế; các chuyên gia, các nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường; một số công ty trong lĩnh vực công nghệ, xử lý chất thải.
Cùng với Hội nghị toàn quốc này, Bộ cũng sẽ tổ chức Triển lãm công nghệ xử lý chất thải rắn để các doanh nghiệp giới thiệu và tìm hiểu các công nghệ mới trong xử lý chất thải rắn.
Trên cơ sở các kết quả rà soát, đề xuất sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; rà soát, đánh giá thực trạng quản lý chất thải của các địa phương; kết quả của các Hội nghị chuyên đề và Hội nghị toàn quốc về chất thải rắn, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xây dựng Đề án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Sau khi nghe các ý kiến tham gia của các đại biểu và giải trình của Tổng cục Môi trường, phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu Tổng cục Môi trường coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của Tổng cục, cần tập trung nguồn lực để thực hiện kế hoạch đúng tiến độ và chất lượng.
Việc lựa chọn địa phương để khảo sát phải đảm bảo các yếu tố mang tính đại diện như: Các địa phương có các khu liên hợp xử lý chất thải (sử dụng nhiều công nghệ, phương pháp xử lý khác nhau tại cùng khu xử lý); các địa phương có các cơ sở thiêu đốt có kiểm soát khí thải và các cơ sở thiêu đốt không thiêu đốt không có biện pháp khí thải; các địa phương có các bãi chôn lấp hợp vệ sinh và chôn lấp không hợp vệ sinh; các địa phương có các cơ sở xử lý áp dụng các công nghệ, phương pháp xử lý khác như sản xuất phân vi sinh, thiêu đốt thu hồi năng lượng; ...
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới yêu cầu cần phải xây dựng, ban hành tiêu chí lựa chọn công nghệ và danh mục mô hình quản lý, công nghệ xử lý chất thải rắn ưu tiên để khuyến cáo các địa phương lựa chọn cho phù hợp. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng, người dân, doanh nghiệp trong quản lý, sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, xử lý chất thải rắn nhất là chất thải rắn sinh hoạt đúng quy trình, đúng quy định.
”Đây là nhiệm vụ mới, hết sức khó khăn, Bộ yêu cầu Tổng cục Môi trường và các đơn vị liên quan phải vào cuộc quyết liệt, bám sát kế hoạch, tạo bước chuyển đổi đột phá trong quản lý chất thải rắn, đáp ứng kỳ vọng của Chính phủ, lãnh đạo Bộ và người dân" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn