Trải qua 04 nhiệm kỳ Chính phủ, chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được điều chỉnh, bổ sung, thể hiện rõ vị trí, chức năng của một Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Tuy nhiên, do bản chất của vấn đề tài nguyên và môi trường có tính chất liên vùng, liên ngành; nhiều vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn; nhiệm vụ quản lý tài nguyên và môi trường được quy định ở nhiều đạo luật, văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành khác nhau dẫn tới việc vẫn còn các nội dung có sự giao thoa về trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước như: đất đai, đầu tư, tài sản công, xây dựng; môi trường, đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, quản lý hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật; tài nguyên nước, thủy lợi, bảo vệ và phát triển rừng v.v.
Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các bộ, ngành liên quan và các địa phương trong quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường chưa thực sự chặt chẽ và hiệu quả; việc thiếu cơ chế điều tiết liên vùng dẫn đến sự chồng chéo trong quy hoạch, không khai thác được các tiềm năng thế mạnh của mỗi địa phương cho sự phát triển chung của vùng.
Ở địa phương, một số nhiệm vụ về tài nguyên và môi trường chưa được triển khai thực hiện toàn diện hoặc tổ chức thực hiện còn hạn chế như: quản lý tổng hợp về biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, viễn thám v.v, do chưa đủ năng lực tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, chức năng, nhiệm vụ còn có sự giao thoa, chồng chéo với các ngành, lĩnh vực khác, như: quản lý đất đai - tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất; quản lý tài nguyên nước - xả nước thải vào công trình thủy lợi; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học.
Các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có sự phân cấp đến chính quyền địa phương các cấp. Tuy nhiên, việc phân cấp về nhiệm vụ chưa đồng bộ, tương xứng với phân cấp về nguồn lực dẫn đến kết quả thực hiện còn hạn chế. Phân cấp phải đi đôi với việc tăng cường kiểm tra, thanh tra nhưng công tác này vẫn chưa đáp ứng do thiếu nguồn lực, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác thanh tra còn rất mỏng, dẫn đến quá trình thực hiện còn nhiều vi phạm.
Hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường đều có tính chất phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, tổ chức..., do vậy, phát sinh nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra xuất phát từ các nguyên nhân như: (1) chưa có quy chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra của Bộ và của các Sở Tài nguyên và Môi trường; chưa có hệ thống cơ sở dữ liệu về thanh tra, kiểm tra và giải quyết đơn thư trong toàn Ngành; (2) nguồn lực về con người, kinh phí, trang thiết bị cho công tác thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường chưa đáp ứng được với khối lượng nhiệm vụ thực tế phát sinh; (3) Một số đơn vị phụ trách quản lý một số lĩnh vực đang dễ phát sinh các hành vi vi phạm pháp luật (biển và hải đảo, khí tượng thủy văn, tài nguyên nước, đo đạc và bản đồ) nhưng chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành. Các Chi cục trực thuộc các Sở chưa được giao chức năng thanh tra chuyên ngành như một số Ngành khác; (4). Công tác thanh tra vẫn còn chồng chéo giữa Trung ương và địa phương; (5) Khối lượng đơn thư đến ngành rất lớn, nhất là lĩnh vực đất đai; trong đó, nhiều vụ việc kéo dài, rất phức tạp; (5) Khả năng bám sát địa bàn và giám sát các tổ chức trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh chưa chặt chẽ nên việc triển khai các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất phần lớn vẫn còn bị động; đa số các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất chỉ được triển khai khi các vi phạm đã được các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện và đăng tin hoặc do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo; (6) Thực tế tỷ lệ thu hồi tiền, đất và các tài sản qua thanh tra vẫn còn thấp; việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kết luận thanh tra còn hạn chế dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân sau thanh tra, kiểm tra chậm hoặc không thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra, kiểm tra. Do đó, làm giảm tính hiệu lực của công tác thanh tra, kiểm tra.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn