Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 đề ra 06 quan điểm; các mục tiêu tổng quát và cụ thể đến 2020; 4 nhóm định hướng các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường và 6 nhóm giải pháp tổng thể.
Đánh giá về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược, Thứ trưởng cho rằng, từ khi Chiến lược ra đời đến nay, bối cảnh thế giới và trong nước đã có những thay đổi. Trên thế giới, xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế tiếp tục là chủ đạo; biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo; ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên tiếp tục xảy ra ở nhiều nơi…
Đặc biệt, ở trong nước, song song với tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống nhân dân; công tác bảo vệ môi trường đã có một số chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách, pháp luật và hệ thống cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường đã từng bước được kiện toàn; nhận thức về bảo vệ môi trường của các cấp, các ngành, cộng đồng đã có chuyển biến mạnh mẽ. Chính phủ đề ra quan điểm không hy sinh môi trường lấy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
Bên cạnh các kết quả đạt được, thì tình hình ô nhiễm và suy thoái môi trường tiếp tục tiếp tục gia tăng, điển hình là ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong thời gian gần đây, gây tác động nặng nề tới môi trường và cuộc sống của nhân dân. Chính vì vậy, cần phải nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường, nhằm đưa ra được những định hướng chiến lược cho giai đoạn 2021-2030,
“Trước tình hình phát triển mới trên thế giới và của đất nước, chuẩn bị bước vào thập niên thứ 3 của thế kỷ 21, việc nhìn nhận, đánh giá lại tình hình thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia là rất quan trọng và cần thiết, nhằm đề ra những mục tiêu, định hướng cụ thể cho công tác bảo vệ môi trường ở nước ta trong thời kỳ mới, giai đoạn 2021-2030.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến cho các nhận định, đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020 đối với việc thực hiện các mục tiêu; các nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường,…. Đồng thời, cho ý kiến đối với các nội dung được đề xuất trong Đề cương Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030; các vấn đề mới cần đưa vào Chiến lược; cấu trúc của Chiến lược; quan điểm; tầm nhìn, mục tiêu; các giải pháp đột phá; các vấn đề quản lý tài nguyên, ứng phó với biến đổi khí hậu nên được đề cập như thế nào trong Chiến lược…
Trình bày về dự thảo Đề cương Chiến lược giai đoạn 2021-2030, TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, mục tiêu tổng quát của Chiến lược trong giai đoạn tới sẽ nhằm ngăn chặn được xu hướng ô nhiễm, suy thoái môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; ngăn chặn sự suy giảm của đa dạng sinh học; nâng cao năng lực, từng bước chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, thúc đẩy nền kinh tế cac-bon thấp, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước.
Bên cạnh đó, Chiến lược cũng đề ra tầm nhìn 2045, đó là môi trường Việt Nam có chất lượng tốt, tương đương với các nước phát triển trong khu vực; bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành của nhân dân; đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên được gìn giữ, phục hồi; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế cac-bon thấp trở thành xu hướng chủ đạo.
Để đạt được các mục tiêu và tầm nhìn đó, Chiến lược sẽ tập trung thực hiện 04 nhiệm vụ: (i) Tăng cường phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, ngăn chặn các nguồn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường; (ii) Nâng cao chất lượng môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc; (iii) Ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; khai thác bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (iv) Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính trong các hoạt động bảo vệ môi trường.
Hội thảo đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu đến từ các Bộ/ngành, các địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, các chuyên gia, các nhà khoa học. Qua đó, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường đến năm 2020 và xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường cho giai đoạn 2021-2030.
Đặc biệt, đại diện các tổ chức quốc tế tham dự Hội thảo, ông Axel Neubert, Trưởng đại diện của Quỹ Hanns Seidel Foundation (HSF) tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian qua, Việt Nam thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đã đạt được những kết quả tích cực. Đối với việc hỗ trợ Việt Nam xây dựng Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, Quỹ Hanns Seidel Foundation, Cộng hòa Liên bang Đức mong muốn được chia sẻ, hỗ trợ Việt Nam tìm ra những cách tiếp cận và giải pháp phù hợp, hiệu quả cho những vấn đề môi trường hiện nay.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn