Trong các năm vừa qua, cùng với sự gia tăng dân số mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa đất nước và sự hình thành, phát triển vượt bậc của các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, một mặt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, mặt khác đã làm gia tăng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa, nguyên vật liệu, năng lượng, đã và đang làm gia tăng lượng chất thải rắn phát sinh, cả về số lượng, thành phần và tính chất đã và đang gây áp lực rất lớn đến môi trường.
Đến ngày hết tháng 5 năm 2019, cả nước có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị loại đặc biệt là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V, tỉ lệ đô thị hóa đạt 38,5%.
Sự gia tăng nhanh chóng của dân số đô thị (chủ yếu do di dân nông thôn - thành thị) trong các năm qua ở nước ta diễn ra nhanh chóng đã và đang gây áp lực đến môi trường trong đó chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phát sinh có xu hướng gia tăng qua các năm, trong khi hệ thống hạ tầng liên quan đến thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn không theo kịp với tốc độ đô thị hóa. Bên cạnh đó, việc Việt Nam là một trong những nước sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu đang làm sâu sắc hơn các bất cập hiện tại và tạo ra thách thức mới cho quá trình đô thị hóa trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý, xử lý CTRSH.
Các hoạt động kinh tế, nhất là công nghiệp, thương mại, dịch vụ cũng đang là nguồn phát sinh chất thải lớn trong đó có CTRSH. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 500.000 doanh nghiệp công nghiệp, khoảng 283 KCN tập trung, hơn 1.700 cụm công nghiệp và 18 khu kinh tế đang hoạt động. Dự báo tổng khối lượng chất thải rắn phát sinh ở các khu công nghiệp tập trung và các cụm công nghiệp tại các vùng lãnh thổ đến năm 2015 khoảng 26.000 tấn/ngày, năm 2020 khoảng 57.000 tấn/ngày, trong đó có CTRSH.
Lĩnh vực dịch vụ, trong đó có giao thông, y tế và du lịch cũng có những đóng góp lớn vào tổng lượng thải, với tỷ lệ CTRSH cao. Chỉ tính riêng lĩnh vực y tế, hiện có khoảng 13.500 cơ sở đang hoạt động, trong đó có 1.263 bệnh viện các tuyến, trên 1.000 cơ sở Viện, Trung tâm y tế dự phòng và các cơ sở tư nhân khác.
Trước sức ép môi trường đang gia tăng, lượng CTRSH phát sinh ngày càng lớn, tính chất ngày càng phức tạp đòi hỏi phải tăng năng lực cho hoạt động quản lý, xử lý CRT nói chung và CTRSH nói riêng mới đủ sức giải quyết các vấn đề môi trường do CTRSH hiện nay đang đặt ra. Trước các áp lực về môi trường do CTRSH gây ra, Đảng, nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung và CTRSH nói riêng như: Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 15 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết 41/NQ của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2012 về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; - Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường; - Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019. Nghị quyết số 09/NQ-CP ngày 03 tháng 2 năm 2019 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 01 năm 2019.
Việc triển khai thực hiện các chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính, các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung và quản lý CTRSH nói riêng cũng như yêu cầu thực tế của công tác bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có quản lý CTRSH, đã có những bước dịch chuyển đáng kể, đáp ứng yêu cầu cơ bản của công tác bảo vệ môi trường, đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, thực tiễn đặt ra ngày một cao, trong khi việc triển khai thực hiện việc quản lý, xử lý CTRSH hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về bảo vệ môi trường, đặc biệt là năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương, năng lực của các cơ sở thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH, nhận thức của cộng đồng trong việc quản lý CTRSH còn hạn chế.
Để sớm khắc phục các vấn đề còn hạn chế nêu trên liên quan đến công tác quản lý và xử lý chất thải rắn, từng bước đưa hoạt động quản lý và xử lý chất thải rắn ngày càng nề nếp, tạo sự chuyển biến căn bản trong lĩnh vực quản lý, xử lý chất thải góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, gắn với bảo vệ môi trường hướng tới xây dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án tổng thể về mô hình công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt và nông thôn”.
Trong quá trình xây dựng dự thảo Đề án, ngày 03 tháng 2 năm 2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-CP về phiên họp thường kỳ của Chính phủ tháng 01 năm 2019, trong đó có nội dung giao Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan quản lý thống nhất nhà nước về chất thải rắn. Triển khai nhiệm vụ được Chính phủ giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện phương án thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn và đã có Công văn số 1701/BTNMT-TCMT ngày 12 tháng 4 năm 2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng “Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam”.
Xuất phát từ xu thế chung của các nước trên thế giới về nền kinh tế tuần hoàn với thực tiễn quản lý chất thải rắn nêu trên của Việt Nam và các lý do nêu trên, việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Đề án tăng cường năng lực quản lý chất thải rắnsinh hoạt tại Việt Nam” là vấn đề cấp thiết hiện nay góp phần tăng cường hơn nữa công tác quản lý CTRSH, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn