Ngày 11/10, tại Hà Nội, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon tại Việt Nam.
Hội thảo nhằm triển khai thực hiện Thỏa thuận khung hợp tác về biến đổi khí hậu (BĐKH) giữa hai Chính phủ, đồng thời, hướng đến kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22/12/1992-22/12/2022). Tham dự Hội thảo có ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu; ông Ahn Dong Ouk, Tham tán Kinh tế, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam; ông Cho Han-Deog, Giám đốc KOICA Việt Nam cùng đại diện các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Khoa học & Công nghệ, Giao thông vận tải, Xây dựng; các doanh nghiệp phía Hàn Quốc. Phát biểu tại Hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết: Việt Nam luôn coi ứng phó với BĐKH là vấn đề có ý nghĩa sống còn và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Việt Nam đã cam kết sẽ phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việc thực hiện cam kết được thể hiện trong Chiến lược quốc gia về BĐKH giai đoạn đến năm 2050, Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) cập nhật của Việt Nam gửi Ban Thư ký của Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH.
Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển các công cụ định giá các-bon, đặc biệt là phát triển thị trường các-bon trong nước. Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã chế định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon, bao gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế. Lộ trình phát triển thị trường các-bon trong nước được cụ thể hóa tại Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 07/01/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-dôn. Trong thời gian qua Việt Nam cũng đã có kinh nghiệm triển khai thực hiện một số cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon như: Cơ chế phát triển sạch (CDM) trong khuôn khổ Nghị định thư Kyoto và một số cơ chế song phương, cơ chế tự nguyện khác. Tuy nhiên, theo ông Tăng Thế Cường, số lượng cán bộ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp có hiểu biết chuyên môn về thị trường các-bon còn rất khiêm tốn. Để có thể triển khai triển khai thị trường các-bon tại Việt Nam, cần đẩy mạnh các hoạt động tập huấn, tăng cường năng lực và truyền thông trong thời gian tới. Ông Ahn Dong Ouk, Tham tán Đại sứ quán Hàn Quốc cho biết, cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam và Hàn Quốc đều đã cam kết sẽ đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Với tư cách là một trong những quốc gia có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới, Hàn quốc dự định sẽ góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Chính phủ Hàn Quốc và Việt Nam đã đặt nền tảng cho hợp tác về BĐKH thông qua Thỏa thuận khung hợp tác về BĐKH. Bộ Môi trường Hàn Quốc và Bộ TN&MT Việt Nam cũng đã ký Ý định thư hợp tác để cùng phát triển kế hoạch hành động chung về đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 đến 2050. Dự kiến nửa cuối năm nay, hai bên sẽ tổ chức cuộc họp chung để thảo luận chi tiết thiết thực hơn liên quan đến thực hiện thỏa thuận này. Ông Cho Han-Deog, Giám đốc KOICA Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực khí hậu, môi trường tại Việt Nam, KOICA đang hỗ trợ khoảng 49,3 triệu USD cho 09 dự án hợp tác với Bộ TN&MT Việt Nam và các tổ chức liên quan khác. Hiện, có 04 dự án mới đang chuẩn bị triển khai với trị giá khoảng 28,9 triệu USD. Thực hiện chiến lược của Chính phủ về tăng cường hợp tác quốc tế nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững, KOICA cũng đang tìm kiếm và mở rộng tài trợ vốn ODA cho các dự án xanh, giảm phát thải khí nhà kính nhằm đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Tại hội thảo, đại diện các cơ quan bên phía Hàn Quốc và Việt Nam đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, triển khai chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tổ chức và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon. Các đại biểu cũng đã thảo luận về khả năng áp dụng những kinh nghiệm của Hàn Quốc tại Việt Nam. Đây sẽ là tiền đề cho các hoạt động hợp tác giưa hai bên trong thời gian tới.
Định giá các-bon được coi là một trong những công cụ quan trọng góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bao gồm thuế các-bon; thị trường các-bon; và cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Đến nay, đã có 46 quốc gia và 35 vùng lãnh thổ áp dụng định giá các-bon, với sự tham gia của hàng chục ngàn tập đoàn và doanh nghiệp lớn. Tính riêng năm 2020, định giá các-bon đem lại nguồn thu khoảng 50 tỷ USD và đặc biệt, quản lý được khoảng 13 tỷ tấn CO2, tương đương 23% tổng phát thải toàn cầu. Định giá các-bon góp phần thực hiện mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính theo NDC của các quốc gia. Hiện đã có 148 quốc gia cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ và 120 quốc gia cập nhật NDC nhằm tăng mức cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính. Hàn Quốc là quốc gia có nhiều kinh nghiệm trong tổ chức và phát triển thị trường các-bon khi là một trong số ít các quốc gia đã sớm thiết lập và vận hành hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon (K-ETS). Triển khai Hệ thống K-ETS đã giúp Hàn Quốc kiểm soát 73% tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia và góp phần thực hiện mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính.