Thông qua mô hình kinh tế tuần hoàn “từ hạt cà phê đến viên gạch không nung” đã giúp Nestlé Việt Nam giảm phát thải 13 nghìn tấn carbon mỗi năm, đồng thời tiết kiệm 40% nước và 30% năng lượng dùng cho sản xuất.
Đem lại thu nhập khá ổn định cho người dân Tây Nguyên, nhưng canh tác cà phê cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều hệ lụy về môi trường. Thực tế, canh tác cà phê không chỉ tiêu tốn nước ngầm để tưới cây, mà còn gây xói mòn và bạc màu đất. Hơn nữa, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quy trình chăm sóc cà phê cũng gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đó là câu chuyện của trước đây. Hiện nay, nhiều hộ dân tại Tây Nguyên đã biết cách sử dụng chế phẩm sinh học làm từ chính phụ phẩm cà phê để chăm sóc cây, biết cách cân đối lượng nước tưới tiêu thích hợp. Đó là nhờ chương trình Nescafé Plan, một sáng kiến do Nestlé phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn triển khai. Sáng kiến này được thực hiện từ năm 2011 nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của cà phê Việt Nam thông qua canh tác bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần giảm phát thải khí nhà kính. Ông Ma Khoa - xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đăk Lăk chia sẻ: Chương trình Nescafe Plan đã giúp nông dân thay đổi thói quen trong sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, cải tạo đất,… từ đó tiết kiệm được từ 20 - 25% chi phí đầu tư so với trước. Đặc biệt, thông qua chương trình, người dân thực hiện xen canh cây màu trong vùng canh tác cà phê. Điều này không chỉ góp phần tăng thu nhập cho người nông dân mà còn giúp cải tạo đất hiệu quả. Ông Khuất Quang Hưng - Giám đốc đối ngoại Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, Nescafé Plan đã giúp tái canh 53 nghìn héc ta cây cà phê già cỗi, tương ứng với 53 triệu cây non được Nestlé tài trợ. Việc xen canh cây cà phê, tưới tiêu và bón phân hợp lý giúp vườn cà phê nâng cao năng suất, qua đó nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Thành công lớn nhất từ chương trình này là các nguyên liệu thải ra trong quá trình sản xuất cà phê bao gồm bã cà phê và cát thải lò hơi thay vì thải ra môi trường thì được tận dụng làm nguyên liệu tái chế hữu ích. Các nguyên liệu này được sản xuất theo chu trình tuần hoàn, cụ thể: Bã cà phê được tách ra sau khi chế biến được sử dụng làm chất đốt nhiên liệu sinh khối (biomas) cho lò hơi, làm giảm đồng thời tiêu thụ khí nén tự nhiên (CNG) và giảm thải khí CO2 gây ô nhiễm môi trường. Cát thải lấy từ lò hơi sẽ được cung cấp cho nhà sản xuất gạch tại địa phương, làm nguyên liệu sản xuất gạch không nung phục vụ cho các công trình xây dựng. Cũng theo ông Hưng, việc thu gom cát thải lò hơi hình thành sau quá trình sản xuất cà phê triển khai từ năm 2014. Đến nay, đã có gần 5 triệu viên gạch không nung được sản xuất từ bã cà phê đạt tiêu chuẩn quốc gia trong ngành xây dựng và được ứng dụng rộng rãi ở các công trình dân dụng lẫn công nghiệp. Cùng với đó, hướng tới mục tiêu không chất thải ra môi trường trong sản xuất, Nestlé Việt Nam triển khai gom rác sinh hoạt, chất thải rắn không nguy hại giao cho nhà thầu xử lý đốt thu hồi nhiệt thay vì xử lý chôn lấp; bùn thải không nguy hại sau khi được xử lý nội bộ được dùng để sản xuất phân bón; vỏ hộp sữa được xử lý làm tấm lợp sinh thái. Thực hiện mục tiêu đến năm 2025 tái chế và tái sử dụng 100% bao bì sản phẩm trên toàn cầu của Tập đoàn Nestlé, Nestlé Việt Nam đã hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành, các tổ chức xã hội, cũng như hợp tác với các cơ quan chính phủ, đặc biệt với Bộ TN&MT triển khai nhiều sáng kiến và nhiều hoạt động chống rác thải nhựa, bảo vệ môi trường. Tham gia Liên minh Chống rác thải nhựa, với các cam kết 100% rác thải từ nhà máy được thu gom, phân loại tại nguồn; 100% các nhà máy không chôn lấp rác thải rắn ra môi trường.