Dự thảo đề xuất tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với hoạt động khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo việc khai thác khoáng sản được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí tài nguyên và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ kỹ thuật tiên tiến.
Cụ thể, theo Bộ Tài chính, hiện nay, Nghị định 164/2016/NĐ-CP quy định khung mức phí đối với sỏi, cuội, sạn, cát, đất sét, đá làm vật liệu xây dựng thông thường từ 1.500 - 6.000 đồng/m3. Tuy nhiên, dù đã có mức phí như vậy nhưng tình trạng đầu tư, khai thác khoáng sản manh mún, nhỏ lẻ, kém hiệu quả vẫn còn diễn ra.
Để hạn chế khai thác manh mún, nhỏ lẻ, khuyến khích sử dụng vật liệu khác thay thế khoảng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; đảm bảo cho địa phương linh hoạt trong điều chỉnh mức thu phí, hạn chế ảnh hưởng đến giá vật liệu xây dựng làm ảnh hưởng đến các dự án đầu tư hạ tầng, Bộ Tài chính đề xuất điều chỉnh khung mức phí đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường theo hướng tăng 150% mức phí tối thiểu và mức tối đa tại Nghị định 164/2016/NĐ-CP.
Với cuội, sỏi, sạn, mức phí sẽ là từ 6.000-9.000 đồng/m3; đá làm vật liệu xây dựng thông thường mức phí sẽ từ 1.500-7.500 đồng/m3; cát vàng mức phí là 4.500-7.500 đồng/m3; các loại cát khác mức phí sẽ từ 3.000-6.000 đồng/m3; đất sét, đất làm gạch, ngói mức phí sẽ là 2.250-3.000 đồng/m3.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất sửa đổi quy định về tổ chức thu phí, kê khai, nộp phí. Cụ thể, tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản sẽ là cơ quan Thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Việc kê khai, nộp phí bảo vệ môi trường cũng sẽ được thực hiện theo quy định pháp luật về quản lý thuế.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)