Kế hoạch ứng phó với BĐKH trên địa bàn tỉnh Kon Tum còn góp phần vào thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 – phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tận dụng cơ hội từ ứng phó với BĐKH để chuyển dịch mô hình tăng trưởng, nâng cao sức chống chịu và cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo đó, đến năm 2030, Kon Tum sẽ phấn đấu trồng mới được 15.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng trên địa bàn tỉnh lên 64,0%; cơ cấu cây trồng, vật nuôi được chuyển đổi theo hướng thích ứng thông minh với BĐKH; phát triển chuỗi giá trị nông, lâm, thuỷ sản bền vững; kiểm soát được tình trạng suy thoái tài nguyên nước, tài nguyên đất, đảm bảo nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt, công nghiệp, dịch vụ và các ngành kinh tế quan trọng.
Bảo đảm ít nhất 95% hộ gia đình ở khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh; đáp ứng nhu cầu về phòng chống dịch, bệnh và các bệnh mới phát sinh do BĐKH. Các công trình hạ tầng trọng yếu thích ứng với BĐKH được hoàn thành với các tiêu chuẩn an toàn trước thiên tai, đặc biệt công trình trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Bảo đảm 80% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở an toàn; hoàn thành di dời ít nhất 70% các hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; đối với khu vực chưa thể di dời được lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, cảnh báo để kịp thời sơ tán, giảm thiểu rủi ro khi xảy ra thiên tai; 100% các khu vực ngầm tràn được giám sát và cảnh báo độ sâu nước ngập.
Đến năm 2050, Kon Tum sẽ quản lý hiệu quả tài nguyên nước và đất, cải thiện chất lượng môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục phát triển nền nông nghiệp thông minh hiện đại, thích ứng hiệu quả với BĐKH và có giá trị gia tăng cao.
Duy trì độ che phủ rừng đạt 64%, tập trung nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững; các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng, các loài nguy cấp, nguồn gen quý, hiếm được phục hồi, bảo tồn hiệu quả; đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái được lượng giá đầy đủ, sử dụng bền vững và mang lại lợi ích thiết yếu cho mọi người dân, góp phần bảo đảm an ninh sinh thái.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội được phát triển đồng bộ, hiện đại thích ứng hiệu quả với nước biển dâng và tác động của BĐKH; bảo đảm 100% tỷ lệ hộ gia đình ở khu vực nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh; mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Bảo đảm 100% số hộ dân sinh sống ở nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; 100% số hộ dân thuộc khu vực thường xuyên xảy ra thiên tai có nhà ở đảm bảo an toàn; tăng cường khả năng chống chịu của các công trình phòng chống thiên tai, đảm bảo an toàn trước tác động của BĐKH.
Cũng theo kế hoạch này, năm 2030, Kon Tum sẽ bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính giảm 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường (BAU); các cơ sở trên địa bàn tỉnh có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 2.000 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Đến năm 2050, bảo đảm tổng lượng phát thải khí nhà kính quốc gia đạt mức phát thải ròng bằng “0”; các cơ sở trên địa bàn tỉnh có mức phát thải khí nhà kính hằng năm từ 200 tấn CO2tđ trở lên phải thực hiện giảm phát thải khí nhà kính.
Nguồn tin: Cổng thông tin điện tử Bộ TN&MT
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn