Thủ tướng đối thoại với nông dân: Nhiều vấn đề về đất đai, môi trường nông thôn được quan tâm phản ánh
Ngày 29/5, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Sơn La, đã diễn ra Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các ban Đảng, các ủy ban của Quốc hội; Hội đồng dân tộc của Quốc hội, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La và các tỉnh, thành phố tại 62 điểm cầu trên cả nước; lãnh đạo Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và lãnh đạo Hội Nông dân 63 tỉnh, thành phố của cả nước. Cùng với đó, 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hộ hội viên nông dân cả nước; trong đó, có 30 nông dân tiêu biểu sẽ trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng. Và hơn 3.000 đại biểu tại 62 điểm cầu ở các tỉnh thành phố.
Hơn 1.600 câu hỏi gửi tới Thủ tướng Chính phủ Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết: Tính đến trước thời điểm diễn ra Hội nghị, BTC đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ. Với 9 nhóm vấn đề chính, nổi cộm gồm: Nhóm giải pháp nhằm khôi phục sản xuất nông nghiệp sau đại dịch; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông – doanh nghiệp; chuyển đổi số trong nông nghiệp; giải pháp, chính sách nào tăng tỷ lệ chế biến và xuất khẩu nông sản chính ngạch; Người nông dân nhiều nơi mong muốn định giá quyền sử dụng đất sát với giá thị trường, đảm bảo sinh kế, việc làm khi đất bị thu hồi…
Phát biểu định hướng Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đưa ra 8 nhóm thông điệp gửi tới các đại biểu và bà con nông dân cả nước. Trong điều kiện hiện nay, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phải tiếp tục đổi mới công nghệ; đa dạng hóa chuỗi cung ứng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định; kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; kết nối các chuỗi giá trị, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, thích ứng biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí metal trong nông nghiệp… Bước vào phiên đối thoại, Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến của nông dân trên cả nước. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Chính sách để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân; chính sách hỗ trợ các DN nhỏ và vừa phát triển các dự án nông nghiệp công nghệ cao; các giải pháp về chính sách vay vốn ưu đãi; ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen ở nông thôn; công tác đào tạo nghề cho nông dân…. Gỡ vướng chính sách về đất đai Trực tiếp tham gia đối thoại, nông dân Hoàng Đình Quê, xã Quỳnh Sơn, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang trăn trở với câu hỏi về việc vừa qua, giá đất tại nhiều nơi tăng trưởng nóng; các giải pháp nhằm kiểm soát giá đất, giám sát việc buôn bán, chuyển nhượng đất đai theo đúng quy định. Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho biết: Thời gian gần đây, các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh giá đất ở một số địa phương, một số khu vực tăng lên một cách đột biến gây nên hiện tượng sốt ảo. Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng đã kịp thời có văn bản chỉ đạo các địa phương chấn chỉnh công tác quản lý về giá đất và thị trường bất động sản. Với 6 nhóm giải pháp chính, gồm: Tăng cường quản lý chặt chẽ các dự án bất động sản, bảo đảm việc đưa bất động sản vào kinh doanh, chuyển nhượng dự án đủ các điều kiện theo quy định.
Công bố công khai thông tin về quy hoạch, kế hoạch nói chung, đặc biệt kế hoạch sử dụng đất các cấp để người dân tiếp cận các thông tin chính thống, không bị nhiễu thông tin. Thực hiện nghiêm các quy định về đăng ký chuyển quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thu nghĩa vụ thuế, kiểm soát các giao dịch ảo, thổi giá đất, giá bất động sản. Quản lý chặt chẽ, đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật đất đai về việc tách thửa. Xử lý nghiêm hành vi không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất chậm so với tiến độ ghi trong dự án. Có kế hoạch chủ động điều tiết quỹ đất ra thị trường thông qua việc tạo quỹ đất sạch để đấu giá quyền sử dụng đất. Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai. Tổng kết, đánh giá sửa đổi, bổ sung Luật Đấu giá tài sản, trong đó chú trọng quy định cụ thể về đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất. Cùng với đó, cần sự vào quyết liệt của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức, quản lý hoạt động đấu giá đất. Nâng cao năng lực của các tổ chức phát triển quỹ đất ở các địa phương. Thông tin thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng khẳng định: Thời gian qua, vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai diễn biến phức tạp trên cả nước, phổ biến là các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng đất, quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch, cấp phép, nổi lên ở trình trạng phân lô, bán nền trái phép với đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm, đất lâm nghiệp, tập trung ở các tỉnh có tốc độ đô thị hóa nhanh. Các thủ đoạn chính gồm: Chủ đầu tư tự ý xây dựng, ký hợp đồng chuyển nhượng, thu tiền khách hàng khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý; sử dụng công ty con thu gom đất nông nghiệp, lâm nghiệp ở địa bàn có biểu hiện sốt đất, tự ý xây dựng hạ tầng, sau đó phân lô bán nền trái phép… Đơn cử mấy năm trước, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an địa phương phá vụ án liên quan tới Công ty cổ phần địa ốc Alibaba. Công ty này đã tự vẽ 42 dự án với 620ha không có thật, chiếm đoạt 2.500 tỷ đồng. Nguyên nhân của thực trạng này là do sự thiếu hiểu biết của người dân, các đối tượng đã đánh vào tâm lý hám lợi của người mua để thực hiện các hành vi lừa đảo. Về các giải pháp, Bộ Công an đã tham mưu cho Chính phủ trực tiếp chỉ đạo các cấp ngành thường xuyên cập nhật các thủ đoạn của các loại thủ phạm đặc biệt là xã hội đen, các nhóm giang hồ cát cứ liên kết với nhau vẽ ra các dự án không có thật để lừa đảo người dân. Chỉ đạo công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp giái quyết ngay từ đầu, từ sớm, từ xa, hạn chế các vụ khiếu kiện, tập trung đông người về đất đai.
Kết luận nội dung này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết: Với vấn đề đất đai, Quốc hội đang rất tích cực chỉ đạo sửa đổi Luật Đất đai, Chính phủ đang chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi Luật Đất đai và sắp tổ chức hội nghị về phát triển thị trường đất đai an toàn, lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất, mang lại lợi ích chung cho người dân, doanh nghiệp, nhà nước. Xử lý nghiêm khắc những trường hợp sai phạm về đất đai, tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực đất đai… Giải pháp về đất đai, vừa phải có giải pháp trước mắt để giải quyết các vấn đề tình thế; vừa phải giải quyết vấn đề về lâu dài. Chính phủ sẽ có một cuộc họp bàn về phát triển thị trường BĐS an toàn, lành mạnh, minh bạch, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Đảm bảo sinh kế của người dân đồng bằng sông Cửu Long trước BĐKH Nông dân Lý Văn Bon, đến từ TP Cần Thơ đặt ra câu hỏi về các giải pháp để hỗ trợ, đảm bảo sinh kế của người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long trước những tác động của BĐKH? Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay đã đến mức báo động, đâu là giải pháp cho thực trạng này? Trả lời ý kiến của người dân, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Duy Đông, Chính phủ đã có riêng Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với BĐKH. Thủ tướng cũng rất quan tâm đến vấn đề này và vừa phê duyệt Quyết định số 287/QĐ-TTg về Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Với quan điểm phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long là phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng với BĐKH và lấy con người là trọng tâm, Quy hoạch cũng đề ra 3 giải pháp để tạo sinh kế cho người nông dân: Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với 3 kiểu vùng; phát triển kinh tế biển; quy hoạch mạng lưới thủy lợi với hệ thống cống, đê bao quanh với trạm bơm tưới tiêu cung cấp nguồn nước. Về nguồn kinh phí, Chính phủ xác định nguồn lực xã hội hoá kết hợp ngân sách Nhà nước. Riêng với nguồn ngân sách, giai đoạn 2021-2025, trong kế hoạch đầu tư trung hạn, Chính phủ bổ sung tăng đầu tư hạ tầng thuỷ lợi, hạ tầng thích ứng BĐKH, hạ tầng chống sạt lở… Đồng thời, ngay trong Chương trình phục hồi kinh tế, Chính phủ đã đề nghị bổ sung 2.600 tỷ đồng đầu tư cho chống sạt lở, xử lý vấn đề xâm nhập mặn. Ngoài ra, trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT cũng dành khoảng 2.000 tỷ đồng để phát triển nông nghiệp nông thôn, hỗ trợ sinh kế cho bà con nông dân. Đây cũng là vùng đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính quyết định thành lập Hội đồng điều phối vùng giai đoạn 2021-2025. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021-2025 gồm 28 thành viên và 4 Phó Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Bộ trưởng Bộ GTVT. Một thông tin đáng lưu ý, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, ngày hôm qua, theo con số quan trắc, mực nước lũ ĐBSCL đã cao từ 20-60 cm so với trung bình 2-3 năm trước đây. Dự báo thời gian tới mực nước này sẽ tiếp tục dâng cao. Lượng cát phù sa và đặc biệt là nguồn lợi lượng thuỷ hải sản trong năm nay trong điều kiện rất thuận lợi. Trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ứng phó BĐKH và tăng trưởng xanh, Đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai 48 dự án, trong đó có 16 dự án thuộc chương trình. Thời gian tới, theo kiến nghị của các tổ chức quốc tế, Bộ TN&MT đang vận động và sẽ có nhiều dự án phi công trình, đặc biệt là vấn đề ngăn cát bồi lắng, phát triển vùng nuôi trồng tại các khu vực phù hợp, từ đó tạo thành vành đai vùng ngập mặn ven biển, tạo sinh quyển bền vững cho các loài, bảo đảm đời sống cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Về vấn đề giải quyết ô nhiễm môi trường nông thôn, theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, Điều 58 Luật Bảo vệ môi trường 2020 cũng như Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới (NTM) quy định rõ nội dung về bảo vệ môi trường nông thôn. Theo đó, tỷ lệ sản xuất, làng nghề, bảo vệ môi trường, cảnh quan không gian xanh, không để tồn đọng nước thải, rác thải; tỷ lệ chất thải được thu gom, xử lý; tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh được thu gom, tái chế, tái sử dụng đều được đề cập rõ ràng. Đây là những chỉ tiêu được đặc biệt quan tâm, sẽ được kiểm tra, giám sát, để xác nhận các xã đạt chuẩn môi trường, làm cơ sở xếp loại đạt chuẩn tiêu chí NTM, NTM nâng cao. Trong quá trình thực hiện, Bộ TN&MT luôn xác định, môi trường nông thôn là một trong những nội dung quan trọng, Bộ TN&MT sẽ quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai đầy đủ các nội dung trong Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia để có bước chuyển thực sự về môi trường nông thôn. Trong khuôn khổ Hội nghị đối thoại, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và lãnh đạo 10 bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại, trả lời 14 câu hỏi, nhóm câu hỏi của nông dân tại Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hà Nam, Sơn La, Bắc Giang, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Cần Thơ, Lào Cai và của đại diện các HTX nông nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học. Kết luận nội dung này, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 13 về Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 năm 2017 về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng BĐKH; vừa ban hành quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long; đang xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị; đã và sẽ tiếp tục đề xuất các cơ chế, chính sách để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng. Trong đó, trong nhiệm kỳ này ưu tiên cao để phát triển hạ tầng vùng đồng bằng sông Cửu Long. 9 nhóm giải pháp trong thời gian tới Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra 9 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, tiếp tục nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của người nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh và có thể làm giàu từ nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ứng dụng công nghệ cao, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, xây dựng thương hiệu, gắn với chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết, chuỗi giá trị trong nước và quốc tế. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; có giải pháp giảm nhanh tỷ lệ nghèo ở khu vực nông thôn; tạo cơ hội bình đẳng tiếp cận các nguồn lực phát triển, các dịch vụ cơ bản, nhất là văn hóa, giáo dục, y tế cho nông thôn; tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân; chú trọng nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất, tạo thuận lợi cho tích tụ ruộng đất, tăng đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn, tín dụng ưu đãi. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên, môi trường, giảm phát thải khí nhà kính gắn với bảo tồn đa dạng sinh học; khả năng thích ứng với BĐKH, phòng chống thiên tai; chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh…