Theo Bà Lê Thị Thanh Thủy, đại diện Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), ưu tiên hiện nay là công tác giám sát và xây dựng cơ sở dữ liệu ĐDSH cần được đầu tư lâu dài để cung cấp thông tin cho công tác quản lý. Việc giám sát cần được thực hiện thường xuyên với phương pháp đơn giản, hài hòa giữa yếu tố khoa học và thực tiễn năng lực triển khai của các Khu bảo tồn.
Để làm được điều này, các cơ sở bảo tồn cần được nâng cao năng lực tại chỗ thực hiện giám sát và có lộ trình. Cụ thể là tập huấn theo cách cầm tay chỉ việc, tập huấn kết hợp với thu thập dữ liệu nền và bắt đầu với quy mô nhỏ rồi mở rộng dần. Đặc biệt, ý chí chính trị và nhận thức của lãnh đạo sẽ là yếu tố quyết định để duy trì chương trình giám sát.
Bà Thủy cũng cho rằng, công tác bảo tồn biển cần được quan tâm đầu tư hơn nữa; cần có phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu thống nhất, dễ sử dụng, đáp ứng mục tiêu quản lý và liên kết với dữ liệu quốc gia và quốc tế. Có thể tận dụng các cơ hội hợp tác với tư nhân để đầu tư vào bảo tồn đa dạng sinh học.
Trình bày sáng kiến của JICA về bảo tồn đa dạng sinh học thông qua Dự án Quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên (SNRM), ông Hiroki Miyazono – Cố vấn trưởng Dự án cho biết, SNRM hướng đến mục tiêu tăng cường năng lực quốc gia về quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên, tập trung vào hệ sinh thái rừng, đa dạng sinh học và cộng đồng sống phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên.
Dự án đã hỗ trợ quản lý Hệ thống cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học quốc gia (NBDS) ở Việt Nam, nhằm cung cấp bộ dữ liệu tổng thể và thông tin cần thiết phục vụ việc xây dựng và thực hiện các chính sách quốc gia về bảo tồn đa dạng sinh học.
Bên cạnh đó, Dự án SNRM còn hỗ trợ Thỏa thuận Quản lý Hợp tác giữa 4 bên VQG Bidoup - Núi Bà, Ban quản lý rừng phòng hộ lưu vực Đa Nhim, chính quyền địa phương và cộng đồng địa phương) để thiết lập cơ chế quản lý hệ sinh thái tổng hợp và hợp tác nhằm bảo tồn một cách bền vững.
Đồng thời, một hệ thống quan trắc đa dạng sinh học cho hệ sinh thái trên cạn cũng đã được thí điểm tại khu dự trữ sinh quyển Lang Biang.
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Quản lý dự án của WWF chia sẻ về các phương pháp đánh giá đa dạng sinh học ở các KBT, VQG tại Thừa Thiên Huế và Quảng Nam như: đặt bẫy ảnh theo hệ thống; theo dõi tiếng hót ở điểm cố định; giám sát theo tuyến và phân tích sự phân mảnh của rừng. Từ kết quả theo dõi, đánh giá, ông Thắng nhận định, cảnh quan Trung Trường Sơn vẫn còn giá trị đa dạng sinh học cao với nhiều loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, và nhiều loài đặc hữu mà có thể chúng ta chưa biết.
Đặc biệt, các loài chim và thú ở các khu bảo tồn này đang bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi nạn săn bắt và buôn bán trái phép, do vậy cần phải có giải pháp cụ thể như tăng cường thực thi pháp luật để bảo vệ các loài và đa dạng sinh học tại đây.
Đáng nói là, Khu Bảo tồn Sông Thanh và Phong Điền trong nhiều năm qua chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với tiềm năng đa dạng sinh học tại đây. Ngoài ra, nhiều khu bảo tồn khác ở Việt Nam cũng chưa được quan tâm thích đáng.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh: “Lần đầu tiên tại Việt Nam, các dữ liệu về đa dạng sinh học ở một số khu bảo tồn và vườn quốc gia được thu thập một cách khoa học với độ tin cậy cao. Đây là những thông tin đầu vào rất quan trọng để lập kế hoạch bảo tồn và giám sát sự thay đổi của các quần thể loài và đa dạng sinh học, giám sát tác động của các chương trình dự án trong tương lai.”
Kết thúc diễn đàn, ông Phạm Anh Cường – Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học (Bộ TN&MT) khẳng định, tới đây, Cục Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học sẽ tiếp tục đánh giá kết quả thực hiện Luật Đa dạng sinh học; đánh giá những chính sách có thể được xây dựng trong Luật mới. Đồng thời, các bên liên quan sẽ chia sẻ hoạt động của các tổ chức về kết quả thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học.
Hiện nay, vẫn còn nhiều hạn chế về nguồn lực trong bảo tồn đa dạng sinh học do vậy bên cạnh xã hội hóa cần phải triển khai những cơ chế tài chính mới cho hoạt động bảo tồn. Cục trưởng Phạm Anh Cường cũng hi vọng các Bộ, ngành, các tổ chức có liên quan sẽ cùng nhau tiếp tục tham gia Diễn đàn và trao đổi thông tin trong lĩnh vực đa dạng sinh học.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn