Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, chúng ta đã chỉ ra được những nguyên nhân cần thay đổi mực nước báo động lũ từ điều kiện dân sinh, kinh tế; tác động của các hồ chứa; sự thay đổi của bản thân các trạm; thêm các điểm mới cần cảnh báo... Tuy nhiên, cần rà soát lại các tỉnh chưa có ý kiến, tỉnh nào có nhiều nguy cơ thiên tai nghiêm trọng phải đến trực tiếp làm việc; đồng thời sâu sát với các tỉnh, địa phương chưa thực sự quan tâm đến cấp báo động lũ.
Trước đó, báo cáo quá trình triển khai xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên phạm vi cả nước, bà Đặng Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Quản lý Dự báo, Tổng cục KTTV cho biết, sau 8 năm triển khai thực hiện Quyết định số 632/QĐ-TTg cho thấy cấp báo động lũ đã phần nào phục vụ tốt cho công tác phòng chống lũ, lụt; góp phần chủ động trong việc tính toán, quy hoạch, thiết kế kỹ thuật và xây dựng các công trình hạ tầng giao thông đặc biệt là những công trình được xây dựng tại những địa điểm chịu tác động lớn của mưa lũ.
Tuy nhiên, nhiều năm qua điều kiện hình thành dòng chảy, chế độ dòng chảy trên sông, đặc điểm địa hình, dân sinh - kinh tế đã có nhiều thay đổi đáng kể, nhiều vị trí có mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ không còn phù hợp với điều kiện thực tế. Trong khi đó, việc xây dựng các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đã ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy trên một số sông dẫn đến cấp báo động lũ tại Quyết định số
Cùng với đó, một số trạm thủy văn đã thay đổi vị trí, không còn hoạt động hoặc bị ảnh hưởng nhiều của hồ chứa dẫn đến mức báo động không còn phù hợp. Vị trí mới tại các khu vực trọng điểm cũng cần có các quy định cấp báo động lũ để đảm bảo trong công tác phòng, chống phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo bà Đặng Thanh Mai, qua báo cáo đánh giá của 47/63 tỉnh, một số tỉnh, thành nằm ở khu vực đồng bằng và ven biển có vị trí, vai trò quan trọng trọng sự phát triển kinh tế khu vực cũng như cả nước nhưng chưa có trong danh sách quy định mực nước tương ứng cấp báo động lũ như: TP Hải Phòng, Quảng Ninh, tỉnh Trà Vinh... Đặc biệt, khu vực Nam Bộ trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nhu cầu cảnh báo theo các cấp mực nước lũ kết hợp thủy triều ngày càng gia tăng.
“Do lũ lụt trong những năm gần đây gây nhiều thiệt hại nên việc yêu cầu bổ sung quy định cấp báo động lũ trên các sông là cấp thiết, phù hợp với định hướng nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai hiện nay và trong những năm tiếp theo”, báo cáo nêu rõ.
Về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Lan Hương - Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH cho rằng, các cấp báo động lũ hiện nay về cơ bản phù hợp với thực tế công tác phòng chống thiên tai. Tuy nhiên, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng ĐBSCL có sự thay đổi đáng kể về hệ thống đê, bờ bao và chịu tác động đáng kể của mực nước biển dâng cũng như công trình hồ chứa thượng lưu; vì thế cần có những đánh giá chi tiết hơn nhằm đưa ra những giá trị phù hợp.
Theo bà Huỳnh Thị Lan Hương, để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống thiên tai (công tác dự báo KTTV, công tác di dời dân), xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế xã hội, cần xem xét xây dựng các trạm đo tại nhiều vùng có nguy cơ ngập lụt để có cơ sở tính bổ sung mực nước báo động lũ. Và đánh giá đề xuất/điều chỉnh báo động lũ ngoài xác định dựa trên cơ sở khoa học thông qua đặc điểm lũ, đánh giá tác động của ngập lụt đến dân cư và thực tiễn thông qua kinh nghiệm chuyên gia, kinh nghiệm tại địa phương còn yêu cầu phải điều tra đánh giá thực tế những trận lũ đã xảy ra trong những năm gần đây đên dân cư, xã hội.
Nhất trí với ý kiến của Phó Viện trưởng Viện Khoa học KTTV&BĐKH, Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị rà soát lại những điểm xảy ra thiên tai nghiêm trọng trong 10 năm qua cần cấp báo động lũ. Bước đầu chỗ nào có trạm, chúng ta làm cấp báo động ở đó.
Thứ trưởng lưu ý phải cân nhắc nghiên cứu hồ chứa ảnh hưởng như thế nào đến cấp báo động lũ; những điểm có hồ chứa đưa vào cấp báo động lũ như thế nào. Đồng thời, nghiên cứu các loại hình thiên tai.
“Trước đây, chúng ta chỉ có bão, lũ; nhưng hiện nay có đến 19 loại hình thiên tai. Vậy thì, loại hình thiên tai nào cần cấp báo động và với loại hình thiên tai nào cần cấp báo động gì”, Thứ trưởng nêu vấn đề.
Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng đề nghị đổi mới tư duy, làm việc có trọng tâm trọng điểm để sớm hoàn thiện quy định mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ trên các sông thuộc phạm vi cả nước. “Dự báo khí tượng thủy văn không phải để ra bản tin mà để giúp cho người dân, doanh nghiệp, cộng đồng giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra” - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.
BBT (Nguồn: báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn