Trong những năm qua, nhu cầu nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất có xu hướng gia tăng mạnh. Tổng khối lượng phế liệu nhập khẩu trong năm 2017 tăng gấp 2 lần so với năm 2016. Trong đó, khối lượng các loại phế liệu sắt, thép, giấy, nhựa và xỉ cát tăng gấp 2-3 lần tổng khối lượng nhập khẩu năm 2016. Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm 2018, khối lượng nhựa phế liệu nhập khẩu tăng đột biến gần gấp 2 lần so với cả năm 2017.
Nguyên nhân của sự gia tăng nhập khẩu phế liệu này một phần do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng mạnh trong sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, thu hút đầu tư… nên kéo theo nhu cầu nhập khẩu phế liệu phục vụ sản xuất. Ngoài ra, một số nước đã hạn chế, thậm chí cấm nhập khẩu một số loại phế liệu làm nguyên liệu sản xuất đã làm dịch chuyển lượng phế liệu nhập khẩu lớn tràn vào các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Quyết định phê duyệt điều chỉnh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất.
Theo đó, Bộ đã rà soát, đề xuất giảm một số mã phế liệu được phép nhập khẩu vào Việt Nam với các lý do như: có tiềm năng gây ô nhiễm môi trường lớn; phát sinh trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu, không cần thiết phải nhập khẩu; chưa xác định được thành phần nguyên tố và mức độ tác động chưa đánh giá, lượng giá để xây dựng ban hành được QCVN khi đưa vào tái chế; có khối lượng nhập rất ít không cần thiết phải nhập khẩu.
Tại cuộc họp, đại diện các Bộ ngành, Hiệp hội cơ bản thống nhất với danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất. Đồng thời, các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề về quy định rõ về khái niệm chất thải, phế liệu; điều chỉnh tên một số loại phế liệu, có mô tả rõ ràng; có điều khoản chuyển tiếp đối với những giấy phép đã được cấp;…
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân một lần nữa khẳng định sự nhất trí cao của các Bộ ngành, Hiệp hội trong việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường cần làm rõ nhu cầu sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và khả năng sử dụng các phế liệu sẵn có trong nước cho sản xuất.
“Như các đồng chí nói thì hiện nay phế liệu trong nước có nhưng không được phân loại tại nguồn. Vậy nếu ta không phân loại rác thải tại nguồn và cứ nhập khẩu phế liệu về cho rẻ, dễ sản xuất thì không đúng với tinh thần bảo vệ môi trường. Sắp tới, rác thải và phế liệu của Việt Nam sẽ là nguyên liệu sản xuất thì phải đẩy mạnh phân loại rác thải tại nguồn. Các chính sách phải đồng bộ thì mới vừa giải quyết nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước, vừa giải quyết được vấn đề xử lý rác thải.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị Tổng cục Môi trường tiếp thu ý kiến của các Bộ ngành, các hiệp hội, nhà khoa học tại cuộc họp để nhanh chóng hoàn thiện dự thảo Quyết định trình Thủ tướng Chính phủ. Về một số vấn đề cụ thể, Thứ trưởng cho rằng, không cấp phép mới nhưng phải có điều khoản chuyển tiếp để những doanh nghiệp mà mặt hàng đã cấp phép thì vẫn được nhập khẩu, không làm ảnh hưởng kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.
Một số tên phế liệu cần sửa đổi cho chuẩn xác và có mô tả rõ ràng, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế, không gây hiểu nhầm, làm khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh việc đúng tên gọi và mô tả, các phế liệu phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì mới được nhập khẩu.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cũng cho biết, Bộ sẽ tiếp tục sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó có các vấn đề liên quan đế nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đồng thời hoàn thiện các quy chuẩn kỹ thuật môi trường Việt Nam đối với từng loại phế liệu được phép nhập khẩu.
“Tôi mong các Bộ ngành, các hiệp hội tùy theo chức năng nhiệm vụ tiếp tục cùng phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường nêu cao trách nhiệm, quyết tâm để tháo gỡ lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng tại các cảng cho doanh nghiệp.” – Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân nói.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn