Đồng bằng sông Cửu Long là một vùng đất đầy tiềm năng, là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, tuy nhiên đây cũng là vùng đất thấp ven biển và là khu vực sẽ bị tác hại nặng nề nhất do biến đổi khí hậu gây ra. Những xu thế biến đổi về tự nhiên, xã hội trong tương lai sẽ tác động, tạo ra những thách thức to lớn, nhưng đồng thời cũng tạo ra các cơ hội cho phát triển đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện nay, thông tin, dữ liệu về đồng bằng sông Cửu Long vô cùng phong phú, đa dạng nhưng đang được quản lý rời rạc theo các cấp như Trung ương, địa phương, các tổ chức, cá nhân. Một số thông tin, dữ liệu về quy hoạch, kinh tế - xã hội, dân cư, nguồn lực, cơ cấu kinh tế, tốc độ phát triển, đầu tư còn thiếu và đang được lưu dưới dạng giấy thủ công. Việc quản lý chưa thống nhất, thiếu đầy đủ, đồng bộ, gây khó khăn cho công tác khai thác, sử dụng.
Đề án được xây dựng với mục tiêu: Xác lập chiến lược toàn diện về thông tin, dữ liệu vùng đồng bằng sông Cửu Long trên quan điểm tiếp cận đa ngành, đa lĩnh với sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế, xã hội và các công cụ xử lý, phân tích, mang tính kết nối cao phục vụ quản lý, điều hành, hoạch định chính sách, hỗ trợ ra quyết định phát triển kinh tế - xã hội bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo lập hạ tầng thông tin, dữ liệu và hạ tầng tri thức bảo đảm triển khai Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử hướng tới Chính phủ điện tử số, nền kinh tế số vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Báo cáo tại cuộc họp, Ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên và môi trường - đơn vị chủ trì Đề án đã báo cáo các nội dung, ý kiến góp ý của các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đối với Đề án và các điểm mới của Đề án sau khi đã rà soát, chỉnh sửa theo ý kiến góp ý.
Đề án được bổ sung, hoàn thiện với các nhiệm vụ chủ yếu: Hoàn thiện cơ chế chính sách và các quy định kỹ thuật; Xây dựng khung cơ sở dữ liệu liên ngành; Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu; Thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành; Ứng dụng các giải pháp công nghệ thông minh phục vụ phân tích, xử lý, hỗ trợ ra quyết định; Công bố, cung cấp, chia sẻ, khai thác sử dụng thông tin, dữ liệu liên ngành; Hợp tác quốc tế, đào tạo, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và truyền thông.
Tham gia thảo luận tại cuộc họp, đại diện các đơn vị đã nêu nhiều ý kiến nhằm xây dựng khung cơ sở dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long có tính hệ thống, đa lĩnh vực, có tính liên kết giữa cơ sở dữ liệu được xây dựng quản lý, cập nhật; việc phối hợp xây dựng, triển khai và sử dụng dữ liệu của các cơ quan Trung ương, địa phương và các tổ chức quốc tế.
Sau khi nghe ý kiến tham gia của các đại biểu và ý kiến giải trình của Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường, Thứ trưởng Trần Quý Kiên kết luận: Đề án đã tiếp thu, hoàn thiện và đã có nhiều điểm mới, rõ ràng hơn. Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường cần tập trung nguồn lực, phối hợp với các đơn vị liên quan, đặc biệt xin thêm ý kiến góp ý của các Bộ, ngành để sớm hoàn thiện Đề án; đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo hoạt động và duy trì vận hành lâu dài Hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành vùng đồng bằng sông Cửu Long sau khi kết thúc Đề án; xem lại việc phân cấp, phối hợp xây dựng Đề án ở địa phương để đảm bảo tính tính khả thi của Đề án, tận dụng tối đa các sản phẩm, trang thiết bị, hạ tầng đã được đầu tư từ các chương trình, dự án có liên quan. Quyết tâm hoàn thiện Đề án và trình Chính phủ trong tháng 12/2018./.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn