Tham dự buổi làm việc về phía Ngân hàng Thế giới có: bà Kathrine Keim – Chủ nhiệm dự án VILG của WB, bà Rumyana Tonchovska – Chuyên gia cao cấp về đất đai của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) và các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới.
Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện lãnh đạo các đơn vị: Tổng cục Quản lý đất đai; Vụ Hợp tác Quốc tế; Vụ Kế hoạch - tài chính; Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng Bộ và Ban Quản lý Dự án VLIG Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai là một trong năm dự án xây dựng cơ sở dữ liệu quan trọng của Chính phủ, đóng vai trò là nền tảng để xây dựng một Chính phủ điện tử.
Theo Bộ trưởng, đến thời điểm này, việc triển khai dự án gặp nhiều thuận lợi bởi Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập, với quan điểm hình thành hạ tầng thông tin tích hợp, đồng bộ và hệ thống cũng được xác định rõ ràng.
Bộ trưởng cho biết, dự kiến đến hết năm 2019, dự án sẽ giúp Việt Nam hình thành trung tâm dữ liệu đất đai quốc gia tại TP.Hà Nội để sang năm 2020, bắt đầu vận hành mô hình hệ thống cơ sở dữ liệu theo mô hình tập trung tại Trung ương.
“Để đạt được kết quả này, quan điểm của Việt Nam là dự án vẫn kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu tại một số địa phương đã được xây dựng tương đối lớn, bài bản như ở Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương. Việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu theo mô hình tập trung nhằm đảm bảo sự thống nhất về quy chuẩn dữ liệu, phần mềm sử dụng, thông tin được kết nối tích hợp thông suốt, đồng thời đảm bảo an ninh dữ liệu quốc gia…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị Ngân hàng thế giới phối hợp với Tổng cục Quản lý đất đai và các đơn vị có liên quan tiến hành việc lựa chọn nhà thầu một cách khách quan, minh bạch, với điều kiện: nhà thầu phải có hiểu biết, đánh giá về hệ thống thông tin đất đai hiện hành; có hiểu biết thiết kế hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai tập trung phù hợp với kiến trúc của yêu cầu Chính phủ điện tử Việt Nam; có thể ban hành quy chuẩn về dữ liệu thông tin và cung cấp được hạ tầng đảm bảo an ninh thông tin.
Đồng tình với ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại diện Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới cam kết sẽ luôn đồng hành cùng Việt Nam hiện đại hóa hệ thống thông tin đất đai, hỗ trợ cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng, phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng hơn nhu cầu của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa phương thực hiện thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Thế giới còn tích cực giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường sửa đổi Luật Đất đai năm 2013. Với kinh nghiệm trong lĩnh vực định giá đất, quy hoạch sử dụng đất, kinh tế đất đai…Ngân hàng Thế giới sẽ tổng hợp và gửi bản dự thảo sớm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, hỗ trợ Bộ trong quản lý lĩnh vực vốn phức tạp này. Đại diện Ngân hàng Thế giới cũng đề nghị được tham gia giúp ViệtNamxây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia trong thời gian tới…
Trân trọng cảm ơn sự giúp đỡ của Ngân hàng Thế giới, Bộ trưởng Trần Hồng Hà hy vọng, những dự án hợp tác giữa hai đơn vị sẽ được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp công tác quản lý đất đai đi vào nền nếp, hiện đại, góp phần xây dựng thành công Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và dần hướng đến nền kinh tế số ở Việt Nam…
Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Vietnam Improved Land Governance and Database Project - Tên viết tắt: VILG), có mục tiêu phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng hơn nhu cầu cầu Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai. Theo đó, sẽ xây dựng một hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trên cơ sơ kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (dữ liệu địa chính, quy hoạch, hế hoạch sử dụng đất, giá đất…). Hỗ trợ tăng cường công tác quản lý đất đai và đảm bảo thực hiện thống nhất Luật đất đai ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất… Đặc biệt, hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các Văn phòng đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu - cuối của các Văn phòng và đào tạo cán bộ. Dự án được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới. |
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn