Sau khi Thỏa thuận Paris được thông qua, Việt Nam đã nỗ lực để thực hiện bản cam kết quốc tế này. Bên lề hội nghị COP 24, ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, Phó Trưởng ban Công tác đàm phán của Việt Nam đã trao đổi một số thông tin liên quan.
* Thưa ông, nồng độ khí CO2 trên toàn cầu tiếp tục tăng cảnh báo tăng lên. Điều này gây ra những nguy cơ, rủi ro nào cho môi trường của chúng ta, nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam?
Ông Phạm Văn Tấn: CO2 là khí quan trọng nhất gây hiệu ứng nhà kính, làm trái đất nóng lên. Theo công bố của Tổ chức khí tượng thế giới cuối tháng 11/2018, thì hiện nồng độ CO2 và các khí gây hiệu ứng nhà kính khác trong khí quyển đã ở mức 405 phần triệu. Tức là cứ 1 triệu phân tử trong khí quyển, có tới 405 phân tử gây hiệu ứng nhà kính. Đây là mức cao nhất trong lịch sử kể từ khi con người đo đạc được cuối thế kỷ 19 đến nay. Riêng từ 1990 đến nay, các khí gây hiệu ứng nhà kính đã tăng 41%, trong đó khí CO2 đóng góp đến 82% tổng mức tăng nồng độ khí nhà kính trong khí quyển.
Nồng độ gây hiệu ứng nhà kính tăng cao, có nghĩa là trái đất sẽ tiếp tục nóng lên, nghĩa là BĐKH diễn ra mạnh mẽ hơn. Với xu hướng này thì chắc chắn biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ hơn nữa đến nước ta trong thời gian tới.
* Các Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu vấp phải không ít khó khăn trong việc thống nhất các mục tiêu và cam kết chung, nhất là khi những nước thải CO2 nhiều nhất như Mỹ lại không tham gia Thỏa thuận Paris. Vậy khó khăn lớn nhất của COP24 lần này là gì thưa ông?.
Ông Phạm Văn Tấn: - Thế giới đã mất trên 20 năm, từ năm 1992 đến trước 2015, để đàm phán nhưng vẫn không thống nhất được trách nhiệm cụ thể của mỗi bên trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính.
Chỉ tới COP21 năm 2015, với cách tiếp cận dưới lên, các bên đã tự đưa ra mục tiêu cắt giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH của quốc gia mình thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Tuy nhiện đây mới là cam kết của mỗi quốc gia. Nhưng việc xây dựng so sánh nỗ lực của các quốc gia với nhau, để khẳng định đóng góp đó là công bằng, là phù hợp với trách nhiệm phát thải khí nhà kính và trình độ phát triển của quốc gia trong quá khứ, hiện tại và dự báo đến 2030 là cả vấn đề lớn và phức tạp.
3 năm qua, các quốc gia đã cùng thảo luận để xây dựng thước đo chung này. Cho đến thời điểm hiện tại, khác biệt còn khá lớn giữa các quốc gia. Thu hẹp khác biệt này để đi đến thoả thuận là khó khăn lớn nhất tại COP24 và cũng là trọng tâm của Hội nghị năm nay, đó là thông qua Chương trình nghị sự thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH.
* Vậy thưa ông, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam chúng ta tại COP 24 lần này là gì?.
Ông Phạm Văn Tấn: - Là quốc gia đang phát triển, chịu nhiều tác động của BĐKH, nhưng Việt Nam hết sức chủ động ứng phó và thực hiện các cam kết quốc tế về BĐKH. Việt Nam đến COP24 này với vị thế của một quốc gia đã làm được nhiều việc, và cả hệ thống chính trị vào cuộc trong ứng phó BĐKH.
Mục tiêu lớn nhất của VN tại COP24 là cùng các nước xây dựng và thông qua Chương trình Nghị sự thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH. Trong đó, phải làm thế nào để các nội dung của Chương trình nghị sự để cập đến những nội dung là ưu tiên của Việt Nam. Đó là thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; huy động nguồn lực tài chính, công nghệ và tăng cường năng lực cho các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH.
Những vấn đề này sẽ được trưởng đoàn Việt Nam sẽ phát biểu tại phiên họp cấp cao của Hội nghị. Sẽ được các cán bộ kỹ thuật thể hiện và trao đổi tại các phiên đàm phán về từng nội dung chi tiết của Chương trình nghị sự thực hiện Thoả thuận Paris về BĐKH.
Đồng thời, tại COP24, thông qua các cuộc gặp đa phương, song phương, hội nghị bên lề, Việt Nam cũng sẽ chia sẻ với thế giới về những nỗ lực ứng phó với BĐKH của Việt Nam. Tổng thư ký Liên Hợp quốc tại phiên khai mạc mấy phút trước đây đã nhấn mạnh, chúng ta đang có vấn đề lớn, vấn đề hành động không đủ để ứng phó với BĐKH toàn cầu.
Tuy nhiên, đối với Việt Nam, nhìn nhận một cách khách quan, chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng chính sách đến thực thi các hành động cụ thể. Dù vậy, không thể phủ nhận, chúng ta còn khá nhiều việc phải làm. Như Kế hoach thực hiện Thoả thuận Paris với 68 nhóm nhiệm vụ để các Bộ, ngành địa phương thực hiện đến 2030, Việc lồng ghép ứng phó BĐKH vào các chuopwng trinhf, dự án, kế hoạch ứng phó với BĐKH của các Bộ, ngành, địa phương. Các tổ chức quốc tế đã có 550 chương trình, dự án hỗ trợ trực tiếp cho các nhóm nhiệm vụ thực hiện thoả thuận Paris, nghị quyết cuả CP về phát triển bền vứng ĐBSCL thích ứng với BĐKH… Đây là những số liệu biệt nói, khẳng định cam kết của Việt Nam trong ứng phó BĐKH
VN sẽ kêu gọi các quốc gia cùng hành động, trong đó có hỗ trợ VN và các nước đang phát triển ứng phó với BĐKH. Thể hiện bằng hành động rằng chúng ta thực sự quan tâm đến vấn đề BĐKH, như lời phát biểu khai mạc của Chủ tịch COP24 năm nay.
* Dù rất nỗ lực nhưng để giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam còn nhiều khó khăn. Rất nhiều khó khăn được đặt ra cho mục tiêu giảm phát thải nhà kính của Việt Nam. Vậy tại COP 24 lần này, vai trò và đề xuất của chúng ta là gì?.
Ông Phạm Văn Tấn: - Tại COP21, Việt Nam đã cam kết, bằng nguồn lực của mình, Việt Nam sẽ giảm 8% lượng phát thải khí nhà kính so với kịch bản phát triển thông thường vào năm 2030. Đây là cam kết giảm vô điều kiện. Đồng thời Việt Nam cũng đưa ra cam kết giảm có điều kiện, đó là nếu nhận được hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng quốc tế, VN sẽ nâng mức giảm này đến 25%.
Để thực hiện cam kết vô điều kiện, Việt Nam đã thực hiện rà soát, cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam suốt từ tháng 6/2017 đến nay và dự kiến đến tháng 5 năm 2019 sẽ xong. Trong đó mỗi đóng góp cần có địa chỉ thực hiện rõ ràng, với nguồn lực cụ thể, thời gian cụ thể. Và với nguồn lực hạn chế của mình, việc dành nguồn lực đáng kể cho ứng phó với BĐKH đã là một nỗ lực rất lớn của Việt Nam. Ngoài ra, khi Việt Nam hiện đã trở thành nước có thu nhập trung bình, nguồn hỗ trợ quốc tế nói chung cho Việt Nam sẽ ngày càng giảm. Tại Hội nghị, chũng ta cũng nêu bật nỗ lực của Việt Nam là đáng kể, là đúng hướng; và đề nghị các cam kết hỗ trợ nguồn lực cho ứng phó với BĐKH cần được thực hiện khẩn cấp, với lộ trình rõ ràng từ nay đến 2020 và 2030 để các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam ứng phó với BĐKH. Đồng thời tại Hội nghị, chúng ta cũng đòi hỏi các quốc gia trên thế giới cần thực hiện mạnh mẽ hơn các cam kết của mình về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phù hợp với trách nhiệm và điều kiện phát triển của các quốc gia nay.
* Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy trong bối cảnh lượng phát thải CO2 đang ngày càng tăng lên, chúng ta cần chủ động biện pháp như thế nào để tránh thiệt hại cho người dân cũng như sản xuất?.
Ông Phạm Văn Tấn: - Rõ ràng rằng, để đi đến thống nhất nỗ lực toàn cầu về ứng phó với BĐKH và triển khai các cam kết của mỗi quốc gia, mỗi thực thể thành hành động cụ thể sẽ còn mất nhiều thời gian. Trong bối cảnh nồng độ khí CO2 không ngừng gia tăng, BĐKH sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đây là xu hướng khó có thể đảo ngược trong hàng chục năm tới.
Để tránh thiệt hại, chúng ta cần tự cứu mình, trong đó cần tiếp tục thực hiện thích ứng với BĐKH để tồn tại, phát triển; đồng thời tham gia cắt giảm phát thải khí nhà kính một cách phù hợp. Những nỗ lực của Đảng, của Chính phủ, của các địa phương trong thời gian qua trong ứng phó BĐKH cần tiếp tục được triển khai mạnh mẽ hơn nữa; trong đó có việc xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để huy động khối doanh nghiệp tham gia ứng phó BĐKH. Đây là hướng đi đúng đắn, bền vững của Việt Nam trước các tác động ngày cáng mạnh mẽ hơn do BĐKH.
* Xin cảm ơn ông!
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn