Đại biểu Quốc hội kiến nghị, đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu

Từ ngày 26 - 29/10, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường để đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 và về dự toán ngân sách Nhà nước và đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn… Tại Nghị trường, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu được nhiều đại biểu quan tâm đề xuất nhiều giải pháp đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 29/10
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 29/10

Đại biểu NGUYỄN TUẤN ANH - (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An): “Cần tăng vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu”

Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, năm 2017, cử tri cả nước, đặc biệt là cử tri khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) rất vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi khảo sát khu vực sông Hậu, vùng sạt lở ven biển Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang và chủ trì Hội nghị Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với biến đổi khí hậu. Như một số đại biểu Quốc hội đã phát biểu và trong báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trình bày trước Quốc hội hôm khai mạc kỳ họp đã xác định tình hình sạt lở bờ sông, ven biển vẫn đang diễn biến nghiêm trọng, phức tạp, nhất là ở ĐBSCL.

Để đẩy nhanh việc triển khai Nghị quyết này, đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ, ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện và tập trung triển khai Chương trình hành động tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, đối với huy động nguồn hỗ trợ ODA từ quốc tế cho ứng phó với biển đổi khí hậu, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và dần hình thành mục chi riêng cho hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mục lục ngân sách sự nghiệp…

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm rõ nét hơn nữa trong đầu tư phát triển cho phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu, nhất là cần có những hệ thống nghiên cứu, dự báo, cảnh báo kịp thời những vùng thường xuyên bị tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu hết sức khó lường. Để bảo đảm an ninh, an toàn cho người dân, cần dựa vào kế hoạch, lộ trình đầu tư trung hạn cho các công trình đê kè, sông biển, sạt lở núi, nhất là an toàn của hệ thống hồ đập, nhiều công trình đã xây dựng, khai thác sử dụng hằng mấy chục năm không có nguồn để duy tu, sửa chữa thường xuyên nay đã xuống cấp. Địa phương và nhân dân không cân đối nổi nguồn lực. Chính phủ cần quan tâm đầy đủ hơn trong kỳ đầu tư trung hạn sắp tới.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị bảo đảm bố trí đủ vốn cho các dự án thực hiện Chương trình Mục tiêu hỗ trợ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc khu vực công ích giai đoạn 2016 - 2020; đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 theo Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,...

Đại biểu NGUYỄN VĂN SƠN - (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh): “Tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình xử lý nguồn thải”

Hiện nay, các khu công nghiệp, làng nghề, đô thị và nông thôn đều được chú trọng để xử lý môi trường nhưng vẫn còn rất nhiều bất cập, còn tiềm ẩn nhiều vấn đề ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của nhân dân. Đại biểu đề nghị Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, nhân rộng mô hình công nghệ, thiết bị để xử lý nguồn thải, bảo đảm cho môi trường nông thôn an lành và phát triển.

Cũng từ bài học đắt giá do sự cố của Formosa đối với môi trường biển, cử tri Hà Tĩnh gửi gắm qua nghị trường Quốc hội, đề nghị Chính phủ các Bộ ngành liên quan có quyết định sớm về việc dừng khai thác và tiện quặng mỏ sắt Thạch Khê. Thực tế hiện nay, dự án đang dang dở và không hiệu quả, gây ảnh hưởng lớn đến mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, môi trường, đời sống và sinh hoạt của nhân dân trong vùng dự án.

Đại biểu NGUYỄN QUỐC HẬN - (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau): “Sử dụng đúng mục đích nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu”.

Công tác phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu được quan tâm; nhưng tình hình nước biển dâng, sạt lở ở bờ sông, suối, xói lở bờ biển ở vùng ĐBSCL và vùng núi phía Bắc đang diễn ra hết sức phức tạp.

Với tác động ngày càng gay gắt và ảnh hưởng ngày càng nghiêm trọng hơn đối với đời sống của nhân dân, đại biểu đề nghị Chính phủ ưu tiên cao nhất trong phân bổ nguồn dự phòng chung, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn năm 2016 - 2020, sử dụng 10.000 tỷ đồng không bố trí cho dự án chống ngập cho TP.HCM để đầu tư cho các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xử lý sạt lở bờ sông, suối, bờ biển, phòng tránh khắc phục thiên tai trong phạm vi cả nước.

Đại biểu cũng đề nghị dành toàn bộ nguồn vốn ODA cho biến đổi khí hậu, sử dụng đúng mục đích, đúng nguồn, qua đó, cho phép tỉnh Cà Mau và một số tỉnh có liên quan được áp dụng cơ chế Trung ương cấp phát toàn bộ số vốn ODA để đầu tư cho xây dựng đê biển, xây dựng kè, tạo bãi, khôi phục rừng phòng hộ, chống sạt lở ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì đây là các dự án dân sinh công cộng không có khả năng sinh lời, ưu tiên bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA trong năm 2019.

Đại biểu NGUYỄN LÂM THÀNH - (Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn):“Tiếp tục rà soát, đánh giá về quy mô, đổi mới phương thức sản xuất và mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp của các công ty nông lâm nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, nhất là cơ chế tài chính; bố trí đủ nguồn lực cho công tác đo đạc, bố trí lại dân cư và tiến hành kiểm toán đối với các công ty nông lâm nghiệp”.

Hiện nay, trên cả nước tổng diện tích đất được giao sử dụng là hơn 9 triệu ha, trong đó 745 tổ chức quản lý hơn 8 triệu ha, bao gồm, 116 Ban Quản lý rừng đặc dụng, 228 Ban Quản lý rừng, 401 Công ty nông lâm nghiệp, quản lý 2,2 triệu ha và hơn 1 triệu ha do các hộ gia đình, cá nhân của UBND xã. Triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW, Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết 112/2015/QH13 của Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc, sắp xếp đổi mới hoạt động của các doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc, nổi lên mấy điểm là công tác quản lý chưa giải quyết được đồng bộ và triệt để diện tích đất đai; hiện mới thực hiện rà soát, đo đạc cắm mốc thiết lập hồ sơ quản lý phần đất giữ lại của 252 Công ty nông lâm nghiệp với diện tích 2.018 nghìn ha đạt 22% tổng diện tích; mới có 11/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 13/45 tỉnh cơ bản hoàn thành việc phê duyệt phương án sử dụng đất; có tới 65,9% công ty chưa lập được phương án sử dụng đất hoặc chưa được UBND tỉnh phê duyệt phương án sử dụng đất phần giữ lại.

Việc chuyển đổi và xây dựng phương án sản xuất và quản lý, sử dụng quỹ đất giữ lại của các công ty nông, lâm nghiệp chưa thực sự hiệu quả, một số công ty nông lâm nghiệp giữ lại diện tích quá lớn, hàng chục nghìn ha mà nguồn nhân lực lại mỏng. Các công ty nông lâm nghiệp sau rà soát, sắp xếp nhưng chưa thực sự đổi mới về mô hình tổ chức sản xuất và quản lý doanh nghiệp mà vẫn áp dụng hình thức cho thuê đất, giao khoán, cho mượn, liên doanh, liên kết hợp tác đầu tư hoặc sử dụng không đúng mục đích và không sử dụng đối với quỹ đất giữ lại. Thực chất vẫn là bình mới rượu cũ.

Việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng đất bàn giao về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý, hiện, mới có 524.000 ha được xây dựng phương án sử dụng đất đạt 51,3%. Tỷ lệ đất giao cho đồng bào dân tộc thiểu số và người dân địa phương thiếu đất đạt thấp, khoảng 15%. Phần lớn trong số này là việc hợp thức hóa các diện tích đã được người dân sử dụng từ trước đây hoặc phần tranh chấp. Phần đất cấp mới thường ở xa, xấu không thuận lợi cho việc sản xuất.

Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai, quản lý tài chính đối với đất đai nông lâm trường còn nhiều bất cập, triển khai chậm, chưa làm hết quy định của chính sách. Có đơn vị sử dụng gần 40.000 hécta đất rất tốt nhưng mỗi năm chỉ nộp 900 triệu tiền thuê đất. Chính sách tài chính là điểm mấu chốt làm cho các công ty nông lâm nghiệp buông lỏng quản lý đất đai, cố tình giữ lại đất đai mặc dù nguồn lực lao động hiện tại hạn chế.

Từ tình hình trên đại biểu kiến nghị: Đối với các địa phương tiếp tục lập, thẩm định, phê duyệt phương án sử dụng đất, các công ty nông lâm nghiệp bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch sử dụng đất của địa phương trên nguyên tắc bảo đảm hiệu quả chung về kinh tế - xã hội. Tiếp tục giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc rà soát, sắp xếp quy hoạch lại đất đai đồng bộ. Một số điểm có thể hình thành các điểm dân cư mới cho đồng bào định cư gắn với việc sắp xếp bố trí lại dân cư, đối tượng thiếu đất.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục rà soát, đánh giá về quy mô, đổi mới phương thức sản xuất và mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp của các công ty nông lâm nghiệp; nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai, nhất là cơ chế tài chính, nâng định mức giá thuê đất, áp dụng triệt để phù hợp để tăng nguồn thu từ đất; bố trí đủ nguồn lực cho công tác đo đạc, bố trí lại dân cư và tiến hành kiểm toán đối với các công ty nông lâm nghiệp.

 

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập21
  • Hôm nay19,468
  • Tháng hiện tại54,516
  • Tổng lượt truy cập27,078,680
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây