Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại biểu Trần Tất Thế (Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam) chất vấn Bộ trưởng: Hiện nay, tình trạng ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy vẫn chưa được khắc phục một cách hiệu quả. Bộ trưởng cho biết, quan điểm xử lý ô nhiễm sông Nhuệ - Đáy như thế nào?
Cám ơn Đại biểu đã đặt câu hỏi, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ, mong muốn của đại biểu, nhân dân và bản thân ông cũng như ngành Tài nguyên và Môi trường là làm sao giải quyết môi trường của các dòng sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch sớm được cải thiện tốt nhất.
“Để trả lại màu xanh cho các dòng sông, theo tôi cần có các điều kiện cần thiết. Trước hết, để xử lý các dòng sông liên tỉnh, quan điểm của Bộ Tài nguyên và Môi trường là phải xử lý tại nguồn, "người gây ô nhiễm" phải chịu trách nhiệm xử lý. Và trên thực tế, trên các dòng sông này đã có những thống kê liên quan đến các địa phương, đặc biệt là các địa phương như Hà Nội thi nguồn nước chưa xử lý, như nước sinh hoạt; rồi từ Hòa Bình chyar về Hà Nam, cho thấy trách nhiệm cũng thuộc về địa phương có dòng nước chảy qua” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Bộ trưởng cũng cho biết, đã có Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường các lưu sông, trong đó có sông Nhuệ - sông Đáy, tuy nhiên đến nay cơ chế phối hợp chưa hiệu quả; đặc biệt chưa bố trí đủ nguồn lực; vấn đề công nghệ xử lý đối với nước thải sinh hoạt trong điều kiện hiện nay khi chúng ta chưa thu gom và xử lý tập trung.
Từ góc độ này, Bộ trưởng đã có khuyến nghị chính quyền địa phương cần phải đánh giá các nguồn thải và lựa chọn mô hình xử lý phù hợp. "Trong đó, vấn đề công nghệ hiện nay không phải là khó, thực tế thành phố Hà Nội đã có hai, ba mô hình xử lý trên từng đoạn sông và các làng nghề, tập trung vào nước thải sinh hoạt. Với mô hình này, nếu chúng ta tính toán chi phí từ nhà nước và có sự tham gia các đối tượng, đặc biệt là người dân từ các làng nghề sản xuất, thì chúng ta hoàn toàn có thể tính toán được việc xã hội hóa để cso thể xử lý".
Bộ trưởng cũng cho biết thêm, hiện có một số vướng mắc liên quan đến vấn đề này, thứ nhất, về quy trình thủ tục cũng làm chậm đi việc thu hút nguồn lực xã hội hóa; thứ hai, phải làm rõ trách nhiệm của nhà nước trong đầu tư hạ tầng; vấn đề thứ ba, phải xác định được các doanh nghiệp có công nghệ và năng lực để xử lý; thứ tư, chúng ta cần xem xét lại cơ chế để tính phí xử lý, trong đó có nhà nước, người dân và bảo đảm được lợi nhuận cho doanh nghiệp.
"Trong thời gian tới, bên cạnh các mô hình đã có, Ban chỉ đạo bảo vệ môi trường các lưu vực cần phải gắn với trách nhiệm cụ thể của các địa phương và tiến hành xã hội hóa, trên cơ sở chúng ta mới có thể giải quyết được" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh thêm.
Ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bổ sung quan điểm về trách nhiệm giải quyết môi trường sông Nhuệ - sông Đáy thì Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ chịu trách nhiệm giải quyết từ các nguồn lực trung ương, với các giải pháp thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ; nhưng các địa phương trên các dòng sông cũng phải có trách nhiệm; cơ chế phối hợp giữa nguồn lực của Trung ương, địa phương và xã hội hóa.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục làm đầu mối phối hợp với các địa phương trong lưu vực làm rõ trách nhiệm và phối hợp tốt hơn nữa để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ - Đáy.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn