Xây dựng nhiệm vụ trọng tâm lĩnh vực tài nguyên nước giai đoạn 2021-2025

Ngày 5/8, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành chủ trì cuộc họp trực tuyến nghe các đơn vị báo cáo về các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025 lĩnh vực tài nguyên nước.

Tham dự cuộc họp tại các đầu cầu có đại diện lãnh đạo các đơn vị: Cục Quản lý tài nguyên nước, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học tài nguyên nước, Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, Viện chiến lược chính sách tài nguyên và Môi trường, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Khoa học và Công nghệ.

Báo cáo tại cuộc họp về kết quả thực hiện nhiệm vụ lĩnh vực tài nguyên nước (TNN), Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, giai đoạn 2016 -2020, Cục đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng và trình ban hành 31 văn bản quy phạm pháp luật (bao gồm 04 Nghị định, 15 Thông tư và 12 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ) và 04 văn bản đang xây dựng dự kiến ban hành trong năm 2020 (gồm 01 Nghị định, 03 Thông tư).

Về công tác xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch TNN: đang tích cực triển khai nhiệm vụ lập quy hoạch Quy hoạch TNN thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản TNN; khẩn trương hoàn thành Quy hoạch TNN lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng; Sesan; Srepok (dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020); đang triển khai lập Quy hoạch TNN trên các lưu vực sông Hồng - Thái Bình, sông Cửu Long; đang thực hiện lập nhiệm vụ Quy hoạch TNN các lưu vực sông Đồng Nai, Ba, Vu Gia - Thu Bồn, sông Hương, sông Trà Khúc, Côn – Hà Thanh, sông Mã, sông Cả.

Về hoàn chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 11 quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông (Ba, Vu Gia - Thu Bồn, Sê San, Srepok, Mã, Cả, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, Hồng, Hương, Đồng Nai) để vận hành các hồ điều tiết giảm lũ, tăng hiệu quả sử dụng nước và đảm bảo nguồn nước khu vực hạ du.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, đã thực hiện 07 cuộc thanh tra, 14 cuộc kiểm tra đột xuất và theo kế hoạch; ra 39 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 39 đơn vị có hành vi vi phạm, tổng số tiền phạt là 5,7 tỷ đồng. Các địa phương đã thành lập 1.072 đoàn thực hiện thanh tra, kiểm tra 8.140 cơ sở, tổng số tiền xử phạt hơn 39 tỷ đồng.

Công tác điều tra cơ bản về TNN đã được triển khai trên một số lưu vực sông lớn, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội; một số đảo lớn quan trọng đã được tiến hành điều tra, đánh giá TNN, tình hình khai thác, sử dụng nước và xả nước thải vào nguồn nước. Đã hoàn thành lập bản đồ danh mục lưu vực sông Việt Nam. Điều tra đánh giá TNN nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 đạt khoảng gần 8% diện tích toàn quốc; tỷ lệ 1: 50.000 khoảng 20%; tỷ lệ 1:25.000 đạt khoảng 5%. Đánh giá nguồn nước mặt trên các LVS, ước đạt 10%. Lập bản đồ TNN dưới đất tỷ lệ 1:200.000 về cơ bản phủ trùm 100% diện tích. Xác định dòng chảy tối thiểu trong sông thực hiện được 4/13 dòng chính lưu vực sông lớn (sông Ba, Vu Gia - Thu Bồn, sông Cả, sông Mã). Hệ thống quan trắc, giám sát TNN cơ bản được hoàn thành; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát nguồn nước xuyên biên giới.

Bảo đảm tiếp nhận, thẩm định và trình Bộ cấp phép hoạt động trong lĩnh vực TNN theo quy định. Riêng việc thực hiện cấp quyền khai thác TNN, đến hết năm 2019, Bộ TN&MT đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN cho 549 công trình khai thác, với tổng số tiền là 9.176 tỷ đồng. Các địa phương cũng đã phê duyệt tiền cấp quyền khai thác TNN cho 3.241 công trình khai thác, với tổng số tiền khoảng 640 tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ cũng đã và đang thực hiện, hoàn thành các đề án “Bảo vệ TNN dưới đất ở các đô thị lớn”; “Chương trình điều tra, tìm kiếm nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”; “Điều tra, đánh giá chi tiết TNN phục vụ xây dựng công trình cấp nước cho các đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam”; “Điều tra, đánh giá việc khai thác, sử dụng nước dưới đất, tác động đến sụt lún bề mặt đất khu vực thành phố HN, TP HCM, đồng bằng SCL, định hướng, quản lý, khai thác, sử dụng bền vững TNN dưới đất”…

Cùng với những kết quả đạt được, Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, đồng thời rút ra một số bài học kinh nghiệm để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ về TNN trong giai đoạn tới.
 

12 8 2020 6
Toàn cảnh cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu Cục Quản lý tài nguyên nước

Báo cáo các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2021-2025, Phó Cục trưởng Châu Trần Vĩnh cũng cho biết, trong 5 năm tới, mục tiêu cụ thể của lĩnh vực TNN là tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật TNN; tăng cường quản lý khai thác TNN tiết kiệm, hiệu quả; bảo vệ TNN, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; tăng cường công tác điều phối, phối hợp, giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng, bảo vệ TNN và phòng, chống các tác hại do nước gây ra trên các lưu vực sông.

Theo đó, 11 nhiệm vụ được đề xuất gồm: (1) Xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TNN; (2) Xây dựng và hoàn thiện chiến lược, quy hoạch TNN; (3) Tăng cường điều tra cơ bản TNN; (4) Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về TNN; (5) Tăng cường thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực TNN; (6) Bảo vệ TNN, khắc phục, hạn chế ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt nguồn nước; (7) Khai thác, sử dụng TNN tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm sử dụng tổng hợp, đa mục tiêu; (8) Tăng cường chủ động thích nghi, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và việc sử dụng nước ở thượng nguồn các lưu vực sông liên quốc gia; (9) Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực TNN; (10) Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TNN; (11) Hoàn thiện bộ máy, tăng cường năng lực quản lý TNN, thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực TNN.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành ghi nhận và đánh giá cao các kết quả đạt được trong lĩnh vực TNN giai đoạn 2016-2020, đặc biệt một số nhiệm vụ đã về đích trước kế hoạch như công tác xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật về TNN; xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa; lập quy hoạch TNN, quy hoạch tổng hợp lưu vực sông liên tỉnh, nguồn nước liên tỉnh.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng cũng đề nghị các đơn vị tập trung thảo luận và cho ý kiến về các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, trên cơ sở xem xét, cân đối nguồn lực tài chính, các đơn vị cần xác định nhiệm vụ nào cần ưu tiên, tập trung làm trước; nhiệm vụ nào sẽ triển khai làm sau để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ về TNN.

Thảo luận về vấn đề này, đa số ý kiến của các đơn vị đều thống nhất với đề xuất các nhiệm vụ trọng tâm về lĩnh vực TNN giai đoạn 2021-2025 do Cục Quản lý TNN tổng hợp, báo cáo.

Ông Tống Ngọc Thanh, Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia đề xuất, trước mắt cần tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch TNN quốc gia và quy hoạch TNN các lưu vực sông; công tác điều tra cơ bản, tổng kiểm kê TNN. “Hiện tại, công tác quan trắc, giám sát TNN dưới đất cơ bản đã hoàn thành. Do đó, cần ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ về quan trắc, giám sát TNN mặt trên cơ sở triển khai các dự án, tích hợp nền tảng mạng lưới thủy văn, môi trường, chia sẻ dữ liệu dùng chung giữa các đơn vị để đảm bảo hệ thống tác nghiệp sớm đi vào hoạt động hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, ra quyết định trong lĩnh vực TNN” - Ông Tống Ngọc Thanh nêu ý kiến.

Ông Dương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước cũng cho rằng, trong giai đoạn 2021-2025, lĩnh vực TNN cần tập trung các nguồn lực, giải pháp để thực hiện một số nhiệm vụ như xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về TNN; chiến lược, quy hoạch TNN; công tác điều tra cơ bản TNN; kiểm kê TNN; chuyển đổi số lĩnh vực TNN phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên toàn quốc; xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về TNN;…

Ông Lê Đức Trung, Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam cũng cho biết, triển khai thực hiện Quyết định số 619/QĐ-TTg ngày 8/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua, Văn phòng Thường trực Ủy ban đã tích cực triển khai các nhiệm vụ của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam phục vụ lĩnh vực TNN giai đoạn 2021-2025. Trong đó, đã tham gia hỗ trợ xây dựng và có ý kiến đối với các Quy hoạch TNN; theo dõi vận hành, điều hòa, phân phối nguồn nước đối với các công trình sử dụng nước lớn trên Lưu vực sông Cửu Long và các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công; Nghiên cứu đánh giá tác động đến Việt Nam của các phát triển sử dụng TNN trên lưu vực sông Mê Công;…

Ông Mai Thanh Dung, Phó Viện Chiến lược chính sách tài nguyên và môi trường cho rằng, để quản lý hiệu quả TNN, bên cạnh các nhiệm vụ đề xuất nêu trên, cần sớm đưa ra những cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực xã hội hóa, có cơ chế, chính sách để huy động các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ và quản lý TNN. “Cần sớm triển khai sửa đổi Luật TNN làm cơ sở để triển khai các nhiệm vụ về TNN” - Ông Mai Thanh Dung đề xuất.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh, năm 2021 là năm bản lề của Kế hoạch 5 năm (2021 - 2025). Vì vậy, Cục Quản lý TNN cần chủ trì, phối hợp với các đơn vị tập trung đánh giá, tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia về TNN đến năm 2020, đồng thời, tích cực triển khai xây dựng Chiến lược quốc gia về TNN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; cần phải có kế hoạch, lộ trình để triển khai tổng kết, đánh giá Luật TNN 2012 và đề xuất hướng sửa đổi, bổ sung; cần phải sớm hoàn thiện các quy hoạch TNN trên các lưu vực sông chính. “Cùng với đó cần tiến hành công tác điều tra cơ bản về TNN, kiểm kê về TNN trên phạm vi toàn quốc hoàn thành trước năm 2023, bởi đây là đầu vào quan trọng cho kỳ quy hoạch tiếp theo” - Thứ trưởng Lê Công Thành chỉ đạo.

Thứ trưởng cho rằng, trong 5 năm tới, trước các diễn biến khó lường của thời tiết và biến đổi khí hậu, tình trạng thiếu nước, hạn hán có thể tiếp tục xảy ra. Vì vậy, các đơn vị cần tăng cường năng lực dự báo, quan trắc, cảnh báo sớm về TNN để giảm thiểu thiệt hại do hạn hán, thiếu nước gây ra. Bên cạnh đó, cần phải tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý TNN ở Trung ương và địa phương, khắc phục các tồn tại, yếu kém và giải quyết các vấn đề cấp bách trong công tác quản lý nhà nước.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành cũng đề nghị các đơn vị trong lĩnh vực TNN cần chủ động trao đổi, phối hợp về công tác quản lý TNN; học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của lĩnh vực TNN, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội lâu dài, bền vững của đất nước.

BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)

 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
hc.jpg kt.jpg 2.jpg 3.jpg
 
thong diep phong covid 2023

Bien Dong
bao chi

tham van DTM

HOC TAP LAM THEO

THONG TIN TUYEN TRUYEN

tthc tnmt

phan anh kien nghi

THIEN TAI

LICH TIEP CONG DAN

BANG GIA DAT

CONG THONG TIN

TCVN ISO 9001 2015
 
TIEP CAN THONG TIN
 
thu thap du lieu 2023
 
congpd
Liên kết site

 

Online
  • Đang truy cập62
  • Hôm nay9,025
  • Tháng hiện tại195,090
  • Tổng lượt truy cập27,219,254
Văn bản pháp luật mới cập nhật
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây