Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng chủ trì Hội nghị.
Tham dự có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Hồng Diên; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Bộ Công thương, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ...
Bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập là vấn đề cấp thiết
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng nêu rõ: An ninh nguồn nước là vấn đề của toàn thế giới, được nhiều quốc gia quan tâm, nỗ lực giải quyết. Ở Việt Nam, để bảo đảm an ninh nguồn nước, Quốc hội đã ban hành hành lang pháp lý với các đạo luật như: Luật Tài nguyên nước, Luật Thủy lợi, Luật Phòng, chống thiên tai…
Đối với an toàn hồ, đập, do đã được xây dựng từ nhiều năm nên trong số gần 7.000 đập, hồ chứa thủy lợi, thủy điện có tới trên 1.000 hồ đập hư hỏng, xuống cấp; 200 hồ hư hỏng, xuống cấp nặng. Trong điều kiện thiên tai diễn biến bất thường như hiện nay thì nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Đây cũng đang là một thách thức lớn của các cơ quan quản lý nhà nước, cả hệ thống chính trị trong quá trình phát triển, vừa phải bảo đảm cho khai thác, vận hành của đập, hồ chứa để bảo đảm mục đích phát triển kinh tế - xã hội; vừa phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho hạ du và ổn định cuộc sống của người dân.
Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Hội nghị nhằm làm rõ thực trạng an ninh nguồn nước ở Việt Nam hiện nay và trong 20 - 30 năm tới; giải pháp quản lý, ứng phó và kiểm soát vấn đề này. Đối với quản lý an toàn hồ, đập, làm rõ hiện trạng quản lý an toàn các công trình hồ, đập hiện nay; khó khăn, bất cập; giải pháp khắc phục để bảo đảm tuyệt đối an toàn công trình và hiệu quả đầu tư trong khai thác, sử dụng tài nguyên nước…
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Nguyễn Vinh Hà cho biết, qua khảo sát tại các địa phương, Đoàn công tác của Quốc hội về bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập đã chỉ ra một số thách thức với an ninh nguồn nước. Trong đó có vấn đề thiếu nước do lượng phân bố không đều theo không gian và thời gian; mùa mưa lũ thì nước nhiều gây lũ, lụt; mùa khô thì hạn hán, xâm nhập mặn. Bên cạnh đó còn có mâu thuẫn trong sử dụng nước trên cùng lưu vực sông cũng như cho các mục đích sử dụng; bảo vệ nguồn sinh thủy... Đáng chú ý, hiệu quả sử dụng nước thấp, năng lực khai thác công trình thủy lợi chưa chưa đáp ứng yêu cầu. Lượng nước dồi dào nhưng hạ tầng kỹ thuật chưa bảo đảm để tích nước, hiệu quả sử dụng nước thấp, thất thoát nước lớn, trong thủy lợi khoảng 30%, trong cấp nước sinh hoạt 25,5%...
Tại Hội nghị, đa số đại biểu đánh giá vai trò quan trọng của nước đối với cuộc sống trong sản xuất, sinh hoạt cũng như sự cần thiết phải bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập trong tình hình mới. Nhiều ý kiến đại biểu đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT nêu quan điểm, giải pháp để giải quyết tình hình tác động của biến đổi khí hậu đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như hạn hán, xâm ngập mặn…; giải pháp để giải quyết tình trạng hạn hán tại khu vực Tây Nguyên…
Bộ TN&MT đề xuất đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, trong vòng 25 năm tới, trong bối cảnh dân số ngày càng gia tăng, trong đó 2/3 dân số của Việt Nam sinh sống tại ba lưu vực sông lớn: Hồng-Thái Bình, Cửu Long và Đồng Nai. Dự kiến nhu cầu khai thác sử dụng nước của người dân ở các khu đô thị sẽ tăng gấp đôi, tổng nhu cầu về nước vào mùa khô của Việt Nam sẽ gia tăng 32% vào năm 2030, căng thẳng nước sẽ xảy ra nghiêm trọng tại các lưu vực kinh tế trọng điểm (Bắc Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Đồng Nai).
Do vậy, để quản lý, sử dụng hiệu quả bảo đảm an ninh nguồn nước, thực hiện Luật Tài nguyên nước, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang triển khai thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là tập trung lập quy hoạch tài nguyên nước, hiện nay Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ và triển khai lập quy hoạch tài nguyên nước quốc gia; triển khai lập quy hoạch 05 lưu vực sông: Hồng-Thái Bình, Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk và Cửu Long (trong đó 03 quy hoạch lưu vực sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Sê San, Srê Pốk dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/2020 và 02 lưu vực sông Hồng-Thái Bình và Cửu Long dự kiến trình phê duyệt tháng 12/2021); 08 lưu vực sông còn lại đang xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31/8/2016 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, tiếp tục công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước, đối với nước mặt, việc đánh giá diễn biến dòng chảy, tài nguyên nước mặt trong sông đã được thực hiện ở hầu hết các trạm thủy văn, trạm tài nguyên nước hiện có trên các hệ thống sông Bằng Giang-Kỳ Cùng, Hồng-Thái Bình, Mã, Cả, Ba, Sê San, Srê Pốk, Đồng Nai, Cửu Long và một số sông ven biển Miền Trung.
Đánh giá an ninh nguồn nước là loại an ninh đặc biệt, tác động đến sự phát triển bền vững của đất nước, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị đưa việc đảm bảo an ninh nguồn nước là một lĩnh vực an ninh phi truyền thống vào trong Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của Đảng và kế hoạch toàn khóa XIII cũng như trong các văn kiện Đại hội của các địa phương. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội ban hành một Nghị quyết riêng về đảm bảo an ninh nguồn nước, đặc biệt là đối với nguồn nước có vai trò quan trọng trong việc cấp nước sinh hoạt, sản xuất.
Liên quan đến nội dung quản lý an toàn hồ, đập, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa cho 11 lưu vực sông lớn gồm: sông Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Trà Khúc, Kôn-Hà Thanh, Ba, Sê San, Srê Pốk và Đồng Nai với135 hồ chứa thủy điện, thủy lợi tham gia điều tiết, vận hành. Đây là cơ sở pháp lý để quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả hơn nguồn nước phục vụ đa mục tiêu.
Hiệu quả đã được kiểm chứng qua mùa cạn các năm 2015-2016, 2019-2020 mặc dù lưu lượng đến các hồ chứa là rất nhỏ, nhưng các hồ chứa vẫn duy trì được mực nước tối thiểu hoặc nâng dần lên để có thể đủ nguồn nước cân đối cho mùa cạn. Đối với các hồ chứa đang có thiếu hụt nguồn nước lớn trên lưu vực sông Mã, sông Hương, Vu Gia-Thu Bồn, Ba, Sê San, Đồng Nai,… Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo, điều tiết nước để các chủ hồ điều chỉnh lưu lượng xả xuống hạ du cho phù hợp. Tuy nhiên, việc thực hiện các quy trình vận hành liên hồ chứa còn một số khó khăn, tồn tại như:Công tác dự báo dòng chảy đến hồ của các chủ hồ còn thiếu chính xác; năng lực chỉ đạo điều hành vận hành quy trình một số địa phương còn hạn chế, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan và các chủ hồ,… . Những bất cập này đã làm giảm hiệu quả công tác vận hành điều tiết nước cắt giảm lũ cho hạ du.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương rà soát, đánh giá lại các quy định của Quy trình vận hành liên hồ chứa để rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với điều kiện thực tế nguồn nước, khai thác, sử dụng cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu đang ngày càng rõ rệt lên tài nguyên nước.
"Cần rà soát, tổng thể công tác xây dựng, ban hành các quy trình vận hành đơn hồ của các chứa thủy lợi, thủy điện, đặc biệt là đối với các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn cao trong điều kiện biến đổi khí hậu, suy giảm rừng đầu nguồn,... bảo đảm an toàn trong vận hành, phù hợp với hiện trạng nguồn nước, hiện trạng khai thác, sử dụng nước trên lưu vực, yêu cầu cắt, giảm lũ, cấp nước cho hạ du và bảo đảm dòng chảy tối thiểu trên sông" - Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị.
Đối với các đơn vị quản lý vận hành hồ chứa,còn thực hiện chưa nghiêm túc các yêu cầu theo quy định của Luật Tài nguyên nước, vì vậy các đơn vị này tổ chức tốt công tác tính toán và dự báo lượng nước đến hồ để phục vụ vận hành hồ chứa cũng như việc quan trắc, giám sát lưu lượng khai thác, sử dụng của các công trình. có phương án về bố trí thiết bị để vận hành hồ chứa, quan trắc, giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước; lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát khai thác, sử dụng tài nguyên nước tự động theo quy định tại Thông tư số 47/2017/TT-BTNMT ngày 07/11/2017 của BTNMT đối với các hồ chứa thuộc đối tượng phải thực hiện quan trắc, giám sát theo quy định; lập hành lang bảo vệ nguồn nước các hồ chứa theo quy định của Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 đối với các hồ chứa thuộc đối tượng phải lập hành lang bảo vệ nguồn nước.
Trả lời câu hỏi của đại biểu về ô nhiễm môi trường tại các khu vực lưu vực sông, đặc biệt là sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết: Mức độ ô nhiễm chung trên các lưu vực sông ở phía thượng nguồn cơ bản đã được kiểm soát. Ô nhiễm chủ yếu tập trung ở khu vực hạ nguồn, tại các làng nghề và nước thải sinh hoạt, các khu công nghiệp chưa được xử lý. Thời gian qua, đã thành lập được Ủy ban lưu vực sông, xây dựng và triển khai các Đề án bảo vệ lưu vực sông.
"Bộ đã đánh giá được lượng nguồn nước thải ra các dòng sông. Chính phủ đã giao cho các địa phương khi xác định được nguồn nước thải để xử lý. Tuy nhiên, việc xử lý còn chậm do nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng. Dự án đầu tư xử lý nước thải ở các con sông Cầu, sông Nhuệ, sông Đáy đến năm 2023 mới hoàn thành. Ngoài ra, phải có sự điều chỉnh nguồn nước vào mùa khô để giảm nồng độ ô nhiễm. Vì hiện nay mực nước tại sông Hồng còn thấp, nếu không đầu tư hệ thống bơm đủ mạnh để bổ sung nước thì khó thực hiện được việc giảm tải ô nhiễm tại các dòng sông. Để giải quyết ô nhiễm tại các dòng sông, Bộ TN&MT cũng đã đầu tư hệ thống quan trắc để giúp cho việc điều tiết nguồn nước. Còn về lầu dài, cần có sự điều tiết nguồn nước ở các lưu vực sông, phát triển nền kinh tế xã hội, sắp xếp lại khu dân cư, tính toán di dời các nhà máy, cụm công nghiệp không đáp ứng tiêu chuẩn môi trường... để kiểm soát được nguồn nước thải. Mặc khác là cần quy hoạch lại hành lang bảo vệ hành lang bảo vệ các con sông. Ngoài ra, các khu vực đã bị ô nhiễm phải có chế tài cấm, xử lý việc xả nước thải ra các con sông..." - Bộ trưởng cho biết.
Đến 2045, phải bảo đảm nguồn nước cho sinh hoạt và 100% tưới tiêu
Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh: Chúng ta phải đặt ra mục tiêu đến năm 2045, khi nước ta trở thành nước công nghiệp có trình độ phát triển trung bình thì phải chủ động được nguồn nước ngọt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, bảo đảm chủ động tưới tiêu khoa học hiện đại cho 100% diện tích đất canh tác (hiện có trên 11 triệu ha đất canh tác, trong khi chúng ta mới tưới tiêu được 4,2 triệu ha đất canh tác). Phải đáp ứng được nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn cho 115-120 triệu dân lúc bấy giờ, bảo đảm nước cho cả thành thị và nông thôn.
Với các mục tiêu nêu trên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có quan điểm, phương châm chỉ đạo là đổi mới tư duy trong hoạch định, tổ chức, lãnh đạo và kiểm soát đối với an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, chống biến đổi khí hậu, coi đây là mục tiêu, nhiệm vụ tổng hợp, cấp bách, lâu dài, liên tục, thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền đến doanh nghiệp và người dân trên cơ sở đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Phải coi nước là hàng hóa đặc biệt, phải thực hiện nguyên tắc thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ nước sản xuất và sinh hoạt. Đồng thời, thực hiện phương châm 4 tại chỗ: sinh thủy tại chỗ; giữ nước tại chỗ; bảo vệ tại chỗ; điều hành, vận hành, phân phối tại chỗ.
Gợi mở các giải pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, trên cơ sở các đường lối, Nghị quyết của Đảng, phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật một cách đồng bộ, toàn diện bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ cho quản lý tài nguyên nước, thủy lợi, thủy điện, đê điều, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai. Tập trung rà soát, bổ sung xây dựng và phê duyệt quy hoạch tài nguyên nước quốc gia, quy hoạch hệ thống thủy lợi quốc gia, hệ thống đê điều quốc gia, nhất là ở lưu vực sông Hồng, sông Cửu Long và khu vực miền Trung. Nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, tránh chồng chéo; rà soát lại việc phân cấp quản lý giữa Trung ương và địa phương về quản lý nguồn nước và an toàn hồ đập. Thực hiện một kế hoạch đầu tư dài hạn của ngân sách nhà nước đối với công tác bảo vệ nguồn nước, hệ thống đê điều, hệ thống thủy lợi, hệ thống cung cấp nước sạch. Đồng thời, thực hiện cơ chế thị trường đối với giá dịch vụ nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất theo nguyên tắc nhà nước và nhân dân cùng làm, từng bước tính đủ theo quy định của Luật Thủy lợi…
Việt Nam có 3.450 sông, suối có chiều dài từ 10 km trở lên nằm trong 108 lưu vực với tổng diện tích lưu vực khoảng 1.168 nghìn km2, trong đó 837 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 71,7%) nằm ở nước ngoài, chỉ có 331 nghìn km2 diện tích lưu vực (chiếm 28,3%) là nằm trong lãnh thổ nước ta. Tổng lượng dòng chảy trung bình nhiều năm của các sông vào khoảng 830-840 tỷ m3. Cả nước có khoảng trên 7.160 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích ước tỉnh khoảng 70 tỷ m3. Về nguồn nước dưới đất có trữ lượng khoảng 189,3 triệu m3/ngày đêm (tiềm năng có thể khai thác trung bình khoảng 61,2 triệu m3/ngày đêm, tập trung ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ, Nam Bộ và khu vực Tây Nguyên. Lượng mưa trung bình năm của Việt Nam vào khoảng 1.940-1.960mm (tương đương với khoảng 640 tỷ m3/năm), nằm trong số quốc gia có lượng nước mưa lớn trên thế giới. Với trữ lượng nêu trên, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có tài nguyên nước mặt, nước ngầm khá phong phú; nhưng nguồn nước mặt bị phụ thuộc nhiều vào nguồn nước ngoại sinh. Hàng năm, các sông, suối xuyên biên giới chuyển vào nước ta lượng nước khoảng 520 tỷ m3 (chiếm khoảng 63%). Tổng lượng nước bình quân trên đầu người của Việt Nam vào khoảng 9.434 m3/người/năm, cao so với tiêu chuẩn của khu vực và trên toàn cầu. Tuy nhiên, do tài nguyên nước của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nguồn nước nội sinh của Việt Nam chỉ đạt 4.200 m3/ người/năm, thấp so với trung bình của Đông Nam Á là 4.900m3/ người/năm. Tổng lượng nước đang được khai thác, sử dụng hàng năm vào khoảng 80,6 tỷ m3, chiếm gần 10% tổng lượng dòng cả nước. Trong đó, trên 80% được sử dụng cho nông nghiệp (khoảng 65 tỷ m3/năm); cơ cấu sử dụng nước đang có xu hướng tăng dần cho công nghiệp, thuỷ sản và sinh hoạt. Lượng nước sử dụng tập trung chủ yếu vào 7-9 tháng mùa khô, khi dòng chảy trên các hệ thống sông đã bị suy giảm và với tổng lượng nước cả mùa chỉ bằng khoảng 20%-30% (khoảng 160-250 tỷ m3) so với lượng nước của cả năm. |
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn