Khẩn trương hoàn thiện đánh giá sức chịu tải, phân vùng chất lượng nước các lưu vực sông
Sáng 02/12, Thứ trưởng Lê Công Thành chủ trì cuộc hop trực tuyến với Cục Quản lý tài nguyên nước, các đơn vị liên quan để nghe báo cáo về việc triển khai nhiệm vụ về đánh giá sức chịu tải, phân vùng chất lượng nước và xác định dòng chảy tối thiểu trên các lưu vực sông.
Báo cáo tại cuộc hop, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Châu Trần Vĩnh cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thứ trưởng Lê Công Thành về việc rà soát các nhiệm vụ đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia và đề xuất các giải pháp bảo vệ môi trường nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, Cục đã chủ trì tổ chức cuộc họp với Tổng cục Môi trường, Cục Công nghệ Thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Viện Khoa học Tài nguyên nước, Vụ Kế hoạch - Tài chính để cùng thống nhất, nội dung, phương pháp thực hiện các nhiệm vụ. Theo đó, về lựa chọn số lượng sông dựa tiêu chí lựa chọn các sông thuộc Danh mục lưu vực sông liên tỉnh ban hành tại Quyết định số 1989/QĐ-TT ngày 1/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ, có xem xét bổ sung sông, nguồn nước có giá trị kinh tế - xã hội chảy qua các khu vực có xả thải lớn (qua khu đô thị, khu công nghiệp) và đảm bảo phù hợp và phục vụ việc xây dựng Quy hoạch tổng hợp LVS, và các dự thảo Quy hoạch tổng hợp LVS đã trình Chính phủ. Các sông chưa đưa vào đề án được nói rõ trong phạm vi thực hiện là để giai đoạn sau. Kết quả rà soát, tổng số lượng sông giảm từ 181 sông xuống còn 123 sông (giảm 58 sông), trong đó: Lưu vực sông Bắc Trung Bộ còn:11 sông, giảm 16 sông; Lưu vực sông Sê San: 6 sông, giảm 3 sông; Lưu vực sông Kôn - Hà Thanh: 10 sông, giảm 4 sông; Lưu vực sông Cửu Long: 36 sông, giảm 3 sông; Lưu vực sông Hồng - Thái Bình: 14 sông, tăng 2 sông; Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng: 11 sông, giảm 12 sông Lưu vực sông Ba: 12 sông, giảm 11 sông; Lưu vực sông Srêpok: 10 sông, giảm 5 sông; Lưu vực sông Trà Khúc: 13 sông, giảm 6 sông. Về phân đoạn sông, tiêu chí lựa chọn căn cứ vào Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Bằng Giang- Kỳ Cùng; 2 dự thảo Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San, Srêpôk đang trình Chính phủ và quy định của Thông tư số 76/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 quy định về đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông hồ; 1.440 điểm phân đoạn sông tại dự thảo Đề án chi tiết tổng kiểm kê tài nguyên nước Quốc gia đến năm 2025. Số đoạn sông giảm từ 535 đoạn sông còn 304 đoạn sông (giảm 231 sông), trong đó, Lưu vực sông Bắc Trung Bộ còn 11 đoạn sông, không thay đổi; Lưu vực sông Sê San còn 17 đoạn sông, giảm 45 đoạn sông; Lưu vực sông Kôn - Hà Thanh còn 13 đoạn sông, giảm 18 đoạn sông; Lưu vực sông Cửu Long còn 105 đoạn sông, giảm 118 đoạn sông; Lưu vực sông Hồng - Thái Bình còn 38 đoạn sông, tăng 20 đoạn sông; Lưu vực sông Bằng Giang - Kỳ Cùng còn 23 đoạn sông, giảm 16 đoạn sông; Lưu vực sông Ba còn 22 đoạn sông, giảm 24 đoạn sông; Lưu vực sông Srêpok còn 35 đoạn sông, giảm 13 đoạn sông; Lưu vực sông Trà Khúc còn 40 đoạn sông, giảm 17 đoạn sông. Về cơ sở dữ liệu, Cục Công nghệ Thông tin và dữ liệu tài nguyên môi trường sẽ thiết kế nội dung dự toán cho 2 nội dung: Cấu trúc, tổ chức cơ sở dữ liệu chung cho các dự án vào 1 dự án dùng chung cho tất cả 13 dự án đánh giá sức chịu tải đang thực hiện (dự án do Trung tâm Thông tin Kinh tế - Cục Quản lý tài nguyên nước thực hiện); Hướng dẫn các dự án thành phần cập nhật, lưu trữ số liệu vào cơ sở dữ liệu chuẩn đã thiết kế. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành hoan nghênh các đơn vị thực hiện quản lý tài nguyên nước đã nghiêm túc phối hợp, rà soát nhiệm vụ đánh giá sức chịu tải các sông liên tỉnh, liên quốc gia một cách bài bản, khoa học, tiết kiệm hiệu quả và khả thi. Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị quản lý tài nguyên nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ rà soát các nhiệm vụ, trên cơ sở thiết lập được các mục tiêu cụ thể nhằm đảm bảo các kết quả thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn liên quan. Cùng với đó, đảm bảo tính kế thừa của các nhiệm vụ, dự án, đề tài đã được triển tại Trung ương và địa phương nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí, phục vụ hiệu quả cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu quản lý Nhà nước về tài nguyên nước trong thời gian tới.