Dự thảo Nghị định quy định về tập trung, tích tụ đất đai cho sản xuất nông nghiệp do Bộ TN&MT xây dựng đang được lấy ý kiến quy định về 5 nguyên tắc tập trung, tích tụ đất nông nghiệp: Đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người sử dụng đất và của các tổ chức, cá nhân có liên quan; bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng; tuân thủ các nguyên tắc dân sự, nguyên tắc thị trường, quy định của pháp luật về đất đai và các pháp luật khác có liên quan; dựa trên đặc điểm về đất đai, địa hình, khí hậu, văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, từng khu vực, từng địa phương và trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, nâng cao đời sống người sử dụng đất.
Về tiêu chí sách định nhà đầu tư, Dự thảo quy định tổ chức kinh tế (doanh nghiệp, hợp tác xã), hộ gia đình, cá nhân thực hiện tập trung, tích tụ đất đai để tổ chức sản xuất nông nghiệp (nhà đầu tư) được áp dụng chính sách hỗ trợ, khuyến khích theo quy định nếu đáp ứng các tiêu chí theo quy định sau: Đối với hộ gia đình, cá nhân, sản xuất nông nghiệp với quy mô từ 2ha đến không quá hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân theo quy định; có phương án sản xuất, kinh doanh từ 3 năm trở lên. Đối với tổ chức kinh tế, có dự án sản xuất nông nghiệp quy mô diện tích gấp từ 20 lần hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định trở lên; có dự án đầu tư dài hạn từ 5 năm trở lên và có phương án phục hồi đất nông nghiệp sau khi kết thúc dự án.
Dự thảo nêu rõ, nhà đầu tư thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp có trách nhiệm thực hiện đúng các giao kết trong hợp đồng đã ký kết với người sử dụng đất khi thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp và các nghĩa vụ tài chính theo đúng quy định với Nhà nước (nếu có).
Đồng thời, bảo đảm tỷ lệ góp vốn của người sử dụng đất, không đưa đất đai vào xử lý các quyền và nghĩa vụ có liên quan khi dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh bị chấm dứt hoặc nhà đầu tư bị giải thể, phá sản theo quy định đối với trường hợp người sử dụng đất góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp với nhà đầu tư. Trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết trong hợp đồng hoặc phá sản, đất đai sẽ được trả lại cho người sử dụng đất theo phương án điều chỉnh, sắp xếp đất đai được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Sẽ có bảo hiểm rủi ro
Nghị định đề xuất nhiều điểm mới là UBND cấp huyện, cấp xã làm đầu mối thực hiện việc thuê quyền sử dụng đất hoặc nhận ủy quyền của người sử dụng đất để tạo lập quỹ đất nông nghiệp, sau đó cho nhà đầu tư có nhu cầu thuê đất hoặc thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Nhà đầu tư ứng tiền trước tiền thuê đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã trả cho người nông dân (trường hợp nhà đầu tư chưa bố trí đủ kinh phí thì UBND cấp tỉnh bố trí kinh phí tối thiểu 15% từ Quỹ Phát triển đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã trả cho người nông dân).
Giá đất để UBND cấp huyện, UBND cấp xã tính tiền thuê trả cho người sử dụng đất là giá đất do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự. Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện có nhiệm vụ thực hiện tập trung, tích tụ đất nông nghiệp thông qua việc thuê quyền sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhận ký gửi đất nông nghiệp của người sử dụng đất sau đó cho nhà đầu tư thuê lại đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp.
Trung tâm Phát triển quỹ đất được đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi để cho nhà đầu tư thuê, thuê lại đất nông nghiệp gắn với cơ sở hạ tầng. Trường hợp nhà đầu tư trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, trong quá trình lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh, nhà đầu tư có trách nhiệm xây dựng phương án điều chỉnh đất đai và thống nhất với người sử dụng đất, trình UBND cấp huyện nơi có đất phê duyệt.
Nghị định đưa ra quy định: Nhà đầu tư phải trích, lập Quỹ dự phòng tài chính (dự kiến 1% doanh thu) dùng để bù đắp phần còn lại của những tổn thất, thiệt hại về tài sản xảy ra trong quá trình kinh doanh. Nhà đầu tư phải trích nộp bảo hiểm đầu tư, kinh doanh phát triển đất nông nghiệp bắt buộc (dự kiến 0,15% giá thuê đất).
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn