Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai
Bộ TN&MT vừa cho biết, trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, theo đó, thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai.
* Cắt giảm quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục Cử tri tỉnh Quảng Nam đề nghị đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, nhất là cắt giảm các quy trình, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân; có giải pháp kịp thời nhằm bình ổn tình trạng “nóng, sốt” ảo của thị trường đất đai hiện nay, giảm thiểu tối đa việc sử dụng đất trái mục đích, tình trạng phân lô, bán nền không đảm bảo quy định, tăng cường quản lý việc sử dụng đất của doanh nghiệp. Trả lời ý kiến cử tri, Bộ TN&MT cho biết, về cải cách thủ tục hành chính, trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã rà soát, trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản, theo đó, thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, về nội dung giải quyết thủ tục hành chính trong giao dịch về đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân: Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, đến nay đã có 59/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai và đi vào hoạt động. Qua thời gian vận hành hệ thống Văn phòng đăng ký đất đai đã thể hiện rõ hiệu quả của hệ thống này, cụ thể như: Đối với những địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai, một số thủ tục hành chính đã được lồng ghép hoặc liên thông nên giảm thủ tục so với những nơi chưa thành lập (thủ tục hành chính về đất đai giảm từ 62 thủ tục xuống còn 41 thủ tục); thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp Giấy chứng nhận cơ bản được bảo đảm đúng quy định và giảm so với trước đây; thời gian giải quyết hồ sơ giao dịch về đất đai đảm bảo đạt 90 - 95% so với quy định, tình trạng tồn đọng hồ sơ quá hạn đã cơ bản chấm dứt; tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất ở một số địa phương đã tăng đáng kể. Các Văn phòng đăng ký đất đai đã chăm lo nhiều hơn cho việc xây dựng, cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính của địa phương, nhất là việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính; giảm thiểu hồ sơ lưu trữ theo phân cấp như trước đây (trước đây 03 bộ hồ sơ thì hiện nay là 01 bộ hồ sơ). Bên cạnh đó, để tránh áp lực lên bộ máy hành chính nhà nước, đồng thời tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, phù hợp với xu thế quản lý đất đai hiện đại của các nước trên thế giới, Bộ cũng đã tham mưu cho Chính phủ quy định thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận khi người sử dụng đất thực hiện quyền do các Văn phòng đăng ký đất đai, trong đó có các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở cấp huyện thực hiện trong trường hợp được Sở Tài nguyên và Môi trường ủy quyền theo quy định. Để đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các giao dịch về đất đai, thời gian vừa qua Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP ngày 18/12/2020, trong đó có quy định về việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận theo nhu cầu của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Theo đó, người sử dụng đất có quyền được lựa chọn địa điểm nộp hồ sơ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính về đất đai theo quy định của UBND cấp tỉnh.
* Kịp thời chỉ đạo tăng cường công tác quản lý Nhà nước về giá đất Về giá đất, Bộ đã thực hiện theo dõi, biến động giá đất thị trường, kịp thời chỉ đạo các địa phương tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về giá đất đối với việc sốt đất trong thời gian vừa qua (Công văn số 1454/BTNMT-TCQLĐĐ 30/03/2021), tổng hợp báo cáo của các địa phương để đề xuất sửa đổi Nghị định số 44/2014/NĐ-CP ngày 15/05/2014 của Chính phủ quy định về giá đất; ban hành Thông tư hướng dẫn nội dung chi tiết phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (Thông tư số 03/2021/TT-BTNMT ngày 12/05/2021 của Bộ Tài nguyên và Môi trường). Về công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1675/QĐ-TTg ngày 29/8/2016 phê duyệt đề án “Tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến năm 2020”, theo đó mỗi năm Bộ và UBND các địa phương phải tổ chức thanh tra theo từng chuyên đề và giao rõ số lượng các đối tượng phải thực hiện thanh tra cho từng đơn vị; ngày 09/6/2020, Bộ đã ban hành Công văn số 3064/BTNMT-TCQLĐĐ gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố về việc thực hiện Đề án tăng cường xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai giai đoạn đến 2020; trong đó có đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện thanh tra việc chấp hành pháp luật đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất trồng lúa. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2018 về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai; trong đó yêu cầu Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố thực hiện từng nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để khắc phục tồn tại, hạn chế, sai phạm và chấn chỉnh lại việc thi hành Luật đất đai ở địa phương. Ngoài ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn ban hành nhiều văn bản yêu cầu thanh tra, kiểm tra đột xuất theo chuyên đề hoặc theo vụ việc như: kiểm tra việc quản lý và sử dụng đất các dự án có sử dụng nhiều quỹ đất...; kiểm tra các dự án du lịch, nghỉ dưỡng có loại hình condotel, oficetel...; các dự án có vi phạm được dư luận, báo chí phản ánh...