Hiện việc kết nối, chia sẻ dữ liệu đất đai do địa phương quản lý lên Hệ thống kết nối, chia sẻ thông tin đất đai quốc gia đã hoàn thành giai đoạn thử nghiệm. Các địa phương đã thử nghiệm là Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Đổng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Bình Thuận, Quảng Nam, Tây Ninh.
Các nội dung dữ liệu đã kết nối, chia sẻ gồm dữ liệu hiện trạng sử dụng đất của quốc gia và 7 vùng kinh tế; dữ liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia và 7 vùng kinh tế; dữ liệu khung giá đất, bảng giá đất các tỉnh; dữ liệu điều tra cơ bản về đất đai của quốc gia và 7 vùng kinh tế; dữ liệu về 12 trường thông tin cơ bản của thửa đất; Bản đồ quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đối với thành phố Hồ Chí Minh. Đặc biệt, với sự nỗ lực của các cơ quan trung ương và các địa phương, khoảng 105 dịch vụ dữ liệu về đất đai cấp trung ương, địa phương được kết nối với hệ thống, điển hình: Nhóm dữ liệu điều tra, đánh giá đất; nhóm dữ liệu hiện trạng sử dụng đất; nhóm dữ liệu quy hoạch sử dụng đất; nhóm dữ liệu danh mục dùng chung; nhóm dữ liệu giá đất; nhóm dịch vụ dữ liệu của thành phố Hồ Chí Minh; nhóm dịch vụ dữ liệu của tỉnh Bình Thuận; nhóm dịch vụ dữ liệu của tỉnh Quảng Nam; nhóm dữ liệu dịch vụ của tỉnh Tây Ninh.
Mô hình hệ thống thông tin dữ liệu đất đai được sự phối hợp của các cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin. Đây là sự phát triển tất yếu của ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, không chỉ giúp cho quản lý chính xác hơn, mà còn tạo nhiều hiệu quả mới trong quản lý do có sự trợ giúp của hệ thống thông tin đất đai. Khi hình thành giải pháp kỹ thuật này, hệ thống còn có ý nghĩa lớn hơn vì đất đai được coi như một địa bàn hoạt động chủ yếu của con người, có thể sử dụng mặt đất như một nền tảng quy chiếu mọi yếu tố khác gắn liền với trái đất và con người. Từ đó, mô hình hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu (MPLIS), tức là LIS không chỉ phục vụ quản lý đất đai mà còn để chứa đựng hầu hết thông tin khác để phục vụ các ngành kinh tế - xã hội và người dân, doanh nghiệp. Trên thực tế, hiện nay đang được áp dụng để quản lý các dịch vụ công vì hầu hết các dịch vụ này đều gắn với từng thửa đất ở. Ngoài ra, các dữ liệu này trong tương lai sẽ được tích hợp để quản lý xã hội như hộ khẩu, dân cư, lao động, v.v. để từ đó, những quyết định về hoạch định chính sách phát triển được hình thành với độ tin cậy cao. Bên cạnh đó, Hệ thống thông tin đất đai và cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất sẽ hướng đên cung cấp một nền tảng mà dữ liệu được chia sẻ rộng rãi với các bộ, ban, ngành khác, thúc đẩy tính minh bạch và sự tiếp cận của cộng đồng để cập nhật và khai thác thông tin đất đai đáng tin cậy. Việc khai thác, chia sẻ các thông tin đất đai giữa các cơ quan và các bên liên quan như cơ quan thuế, công chứng, ngân hàng, cơ quan thanh tra, điều tra, tư pháp..., để thực hiện các nhiệm vụ chuyên ngành, đặc biệt là những thông tin liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, giá đất và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đảm bảo tính bền vững và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai.