“Tự túc” thu gom
Một tuần hai lần, tiếng kẻng thu rác lại vang lên khắp các ngõ xóm ở thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Các hộ gia đình dồn rác trong các bao tải lớn, đợi xe chở rác qua nhà lại mang ra đổ. Rác không còn để ở nhà quá lâu. Môi trường không gian gia đình được đảm bảo.
Hoạt động này diễn ra đã 15 năm. Từ năm 2004, trước tình trạng rác thải bỏ bừa bãi, người dân phải tự mang ra đổ tràn lan ở sông, mương hay những chỗ đất trống, gây ô nhiễm môi trường, trưởng các xóm đã họp bàn, lấy ý kiến đồng thuận của dân, tự tổ chức thu gom rác tại tất cả các xóm, đưa về một nơi, tránh tình trạng ô nhiễm, gây mất mĩ quan, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
Nói về việc thu gom rác, bà Trần Thị Yến cho biết: “Tôi tham gia việc thu gom rác này bởi công việc vừa giúp gia đình tôi có thêm thu nhập, vừa giúp môi trường sạch sẽ hơn. Chúng tôi phụ trách thu gom rác của 4 xóm, gồm hơn 500 hộ. Lượng rác tăng dần qua mỗi năm, do nhiều gia đình không còn chăn nuôi nên phụ phẩm thải ra nhiều hơn”.
Ông Trần Văn Tiệp - nguyên Chủ tịch xã Tân Thịnh đánh giá, chính hoạt động thu gom rác đều đặn, thường xuyên đã tạo ý thức không vất rác bừa bãi. Nhà cửa, vườn tược sạch sẽ hơn. Rác không còn nguồn gây ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh trong gia đình. Nếp sống văn minh của một vùng nông thôn mới cũng dần được hình thành từ những hoạt động như vậy.
Không chỉ tổ chức tự thu gom rác, người dân thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh còn tự tổ chức thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Với 112 ha đất trồng lúa mỗi vụ, lượng thuốc trừ sâu, phân bón được sử dụng rất lớn. Nhận biết mức độ độc hại của vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật có thể ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nguồn nước sông, hồ, Bí thư Chi bộ Nguyễn Trung Thắng cùng Trưởng xóm 1 đã đặt các bao bì cỡ lớn ở các cánh đồng để bà con bỏ vỏ thuốc trừ sâu sau khi sử dụng.
“Thời gian đầu, cứ chiều chiều, chúng tôi đi khắp các bờ ruộng, bờ mương để thu gom các vỏ thuốc trừ sâu để làm gương cho bà con. Tiếp đó, chúng tôi tuyên truyền cho bà con trong mỗi lần họp tổ, đội. Sau này, khi xây dựng nông thôn mới, thôn có thêm nguồn lực để xây dựng các bể đựng vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật bằng bê - tông, đặt tại đầu mỗi dây ruộng, bà con có nơi để rác thải nông nghiệp bền vững hơn. Nhờ đó, sông, ngòi, vườn ruộng của thôn đều sạch - đẹp”, ông Thắng vui vẻ nói.
Khó khăn tìm nơi xử lý rác
Rác trong nhà, rác ngoài đồng ruộng được thu gom nhưng, suốt những năm qua, lãnh đạo xã và cán bộ thôn đều trăn trở tìm nơi đổ rác. Ban đầu, khi mới thu gom, rác được đổ ở bãi rác tự phát đã lưu cữu trước đó hàng chục năm. Bãi rác này vốn là một bãi đất trống, lại gần sông, xa khu dân cư, bà con thấy tiện nên vất rác ra đó. Thế nhưng, chẳng bao lâu, bãi rác này đầy. “Rác đổ lên chất cao, bốc mùi hôi thối. Sau mỗi trận mưa, rác lại tràn ra đường, khiến người dân đi qua rất khó chịu, còn chúng tôi dọn dẹp rất vất vả”, bà Trần Thị Yến nói.
Vậy là một cuộc trưng cầu ý kiến của dân để tìm nơi đổ rác lại được tổ chức. Lựa chọn của thôn là một bãi đất trống, đã bỏ hoang, xa dân. Người dân cùng nhau đào hố, rộng khoảng 3.000m2. Từ đó, đến nay, rác được thu gom và đổ trực tiếp vào đó.
“Rác đã có nơi để đổ, nhưng phương thức còn thô sơ, không có quy trình kỹ thuật để xử lý. Rồi đây, điểm đổ rác này lại đầy, thì thôn lại “đau đầu” tìm nơi đổ mới. Quỹ đất của thôn cũng có giới hạn. Trong khi đó, để đảm bảo là nông thôn mới thì môi trường phải luôn đảm bảo”, ông Nguyễn Trung Thắng băn khoăn.
Được biết, để giải quyết bài toán rác thải cho địa phương, xã Tân Thịnh có chủ trương xây dựng lò đốt rác thải. Thế nhưng, việc chọn địa điểm để xây dựng lò đốt rất khó khăn. Họp qua, bàn lại, lò đốt dự kiến đặt ở gần ruộng của nhà nào, nhà ấy phản đối. Cho đến nay, việc xây dựng một lò đốt rác vẫn chỉ nằm trong kế hoạch, còn điểm đến của rác, vẫn là bãi rác lộ thiên do dân tự dựng lên.
Thôn Vũ Lao, xã Tân Thịnh chỉ là một trong số rất nhiều thôn, xã khác trong cả nước đang loay hoay với bài toán xử lý rác thải. Việc xử lý rác thải tại thôn, xã không chỉ là sự tự ý thức, trách nhiệm của người dân địa phương mà còn là trách nhiệm của huyện, tỉnh, các cơ quan quản lý có đủ năng lực và KHCN. Các cơ quan chức năng cần có quy hoạch thu gom, tái chế, xử lý chất thải; lựa chọn công nghệ phù hợp để bảo vệ môi trường của vùng đất lúa.
Theo thống kê của Bộ TN&MT, mỗi năm, khu vực nông thôn phát sinh trên 13 triệu tấn rác thải sinh hoạt và khoảng 7.500 tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ có 25,5% địa phương đạt mục tiêu quốc gia về tỷ lệ thu gom chất thải rắn ở khu vực nông thôn. Phương pháp xử lý rác thải chủ yếu vẫn là chôn lấp. |
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn