PV:Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, phát sinh chất thải rắn đô thị ngày càng lớn đang gây áp lực lớn lên môi trường sống khi phương pháp xử lý truyền thống đang bộc lộ nhiều bất cập. Ông đánh giá như thế nào về những mặt được và chưa được trong việc xử lý rác thải đô thị hiện nay?
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh:
Tôi cho rằng, mặt được trong quản lý chất thải rắn đô thị ở Việt Nam hiện nay là không để rác ứ đọng trong đô thị. Lượng rác phát sinh được thu gom ngay, đưa về nơi xử lý, giúp sạch ngõ, sạch đường.
Thế nhưng, công tác quản lý chất thải rắn còn tồn tại nhiều bất cập. Thứ nhất là ở khâu xử lý. Rác vẫn được chôn lấp là chủ yếu, ảnh hưởng đến quỹ đất có hạn, đồng thời gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là môi trường nước và môi trường không khí. Đây chính là nguyên nhân tạo nên những bức xúc trong xã hội, mà đơn cử như ở bãi rác Nam Sơn – Hà Nội, nhiều lần người dân đã lên tiếng phản đối. Tình trạng này cũng đã diễn ra ở một số địa phương khác trong thời gian gần đây.
Thứ hai, về câu chuyện rác thải này này, cũng cần nhắc đến là ý thức của người dân vẫn chưa tốt, nhất là việc xả rác bừa bãi.
Thứ ba, chúng ta vẫn chưa làm được việc thu gom, phân loại rác. Rác vẫn được để chung lẫn lộn, rất lãng phí. Có một câu chuyện mà không ít người đã biết là ngay bãi rác đô thị ở Nam Sơn, sáng tinh mơ đã có người đi nhặt những đồ có thể bán và tái chế, tái sử dụng được. Thực tiễn này đặt ra câu hỏi: Tại sao chúng ta không thực hiện việc phân loại ngay từ nguồn, nghĩa là giải quyết ngay từ gốc của vấn đề?
PV: Việc phân loại rác tại nguồn đã được Hà Nội, TP.HCM thực hiện trước đây, thế nhưng, các dự án này đều không thành công. Nguyên nhân do đâu, thưa ông?
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh:
Đúng vậy! Tôi lấy ví dụ: Hà Nội đã từng triển khai dự án 3R của Nhật (Giảm thiểu - Reduce, Tái chế - Recycle, Tái sử dụng - Reuse), sau 3 năm thì dự ánthất bại. Tôi cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến kết cục này.
Khi triển khai dự án này, bối cảnh đặt ra là văn hóa của người Nhật và người Việt ở hai bậc khác nhau, hai cung khác nhau. Thêm vào đó, hạ tầng của chúng ta chuẩn bị chưa đồng bộ. Rác đã phân loại sẽ đưa về đâu? Nơi tiếp nhận không có. Rác lại để chung. Tài nguyên rác bị lãng phí!
Bài học này đưa ra một vấn đề cần giải quyết: Việc xử lý rác phải đồng bộ, từ khâu phân loại, đến thu gom và xử lý. Và xử lý rác, cần có sự tham gia của doanh nghiệp. Muốn “hút” tư nhân vào xử lý rác thì cần cho họ thấy, họ có lợi gì? Doanh nghiệp có lợi về mặt kinh tế thì sẽ tự nguyện tham gia xử lý rác.
PV:Có nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào xử lý rác, tuy nhiên, họ vẫn than khó vì đơn giá xử lý rác còn chưa phù hợp. Theo ông, làm thế nào để doanh nghiệp tích cực hơn khi tham gia vào quá trình xử lý rác ở Việt Nam hiện nay?
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh:
Để việc xử lý rác thực sự hiệu quả thì chúng ta phải thay đổi cách thu phí rác thải. Hiện nay, rác thải thu theo đầu người với mức phí bằng nhau, gây nên sự mất cân bằng. Đã đến lúc, phải thay đổi việc quản lý rác thải đô thị theo cơ chế thị trường. Thu phí rác thải phải thu theo khối lượng. Ai xả rác nhiều, trả phí nhiều. Chi phí đó phải đủ cho việc xử lý.
Thêm nữa, cần thay đổi cách nhìn nhận về giá trị của rác. Rác thải không phải là thứ để chôn lấp lãng phí mà nó là nguồn tài nguyên, là đầu vào cho ngành sản xuất khác. Xử lý rác, trước đây có mô hình 3R (Giảm thiểu - Reduce, tái chế - Recycle, tái sử dụng – Reuse); nhưng nay đã là 5R (Từ chối – Refuse; Giảm thiểu – Reduce, Tái sử dụng – Reuse; Tái chế - Recycle, Phân hủy – Rot), nhằm hạn chế rác thải và tận dụng tài nguyên rác hữu hiệu.
Quản lý rác thải đô thị, với thể chế của kinh tế là động lực, pháp luật giúp điều tiết định hướng và có công nghệ phù hợp, cùng với sự tiến bộ trong nhận thức, ý thức của người dân, sẽ tạo nên sự thay đổi thực sự. Tôi cho rằng, đây là thời điểm mà Việt Nam hoàn toàn có thể tạo nên bước chuyển biến tốt hơn trong quản lý rác thải, góp phần tạo dựng nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam.
PV:Trân trọng cảm ơn ông!
Theo báo cáo gần đây nhất của Tổng cục Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 38.000 tấn/ngày. Khối lượng chất thải rắn phát sinh tại các đô thị trên toàn quốc tăng trung bình 10 - 16% mỗi năm, chiếm khoảng 60 - 70% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Tại một số đô thị, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phát sinh chiếm đến 90% tổng lượng chất thải rắn đô thị. Lượng chất thải rắn sinh hoạt đô thị tăng mạnh ở các đô thị lớn có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa tăng nhanh như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, chiếm tới 45,24% lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ tất cả các đô thị. |
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn