Năm 2016, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội đã đề xuất và được Bộ TN&MT phê duyệt thực hiện dự án “Xây dựng mô hình và triển khai thực hành lối sống xanh tại các trường đại học trên địa bàn Hà Nội, áp dụng thí điểm tại Trường Đại học TN&MT Hà Nội” theo Quyết định số 1722/QĐ - BTNMT ngày 29/7/2016 Bộ trưởng Bộ TN&MT.
Nhìn từ dự án xanh
Để thực hiện dự án, Trường Đại học TN&MT Hà Nội đã nhận được sự giúp đỡ của các cơ quan quản lý, chuyên môn, các chuyên gia thuộc các Vụ trực thuộc Bộ TN&MT; Tổng cục Môi trường, các trường đại học gồm: Đại học Giáo Dục - Đại học Quốc Gia Hà Nội; Đại học Bách khoa Hà Nội; Đại học Giao thông Vận tải; Đại học Kinh tế Quốc dân; Đại học Lâm nghiệp; Học viện Báo chí và Tuyên truyền; Học viện Bưu chính Viễn thông; Học viện Tài chính Kế toán; Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội.
PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Phó Trưởng khoa Môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: “Sau 3 năm thực hiện (từ năm 2016 - 2018), dự án đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra ban đầu với các nội dung và kế hoạch thực hiện rõ ràng. Từ các hoạt động được triển khai theo đúng kế hoạch và tiến độ đặt ra, dự án đã mang lại những hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường nhất định. Lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường thể hiện từ kết quả và hiệu quả thực hiện triển khai và nhân rộng mô hình lối sống xanh. Công tác tuyên truyền, nâng cao kỹ năng sống xanh, thói quen sống tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm nước, tiêu dùng bền vững... góp phần nâng cao đời sống xã hội, bảo vệ môi trường và tính hiệu quả trong công tác xã hội”.
Chia sẻ về kết quả thu được từ dự án, TS. Lê Ngọc Thuấn - Bí thư Đoàn Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: “Mức độ lan tỏa của mô hình lối sống xanh rất tích cực, hầu như tất cả các trường tham gia dự án đều có sự hưởng ứng của sinh viên, câu lạc bộ và đoàn thanh niên, sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô, những yếu tố này giúp dự án đạt hiệu quả cao. Sau chương trình, các trường đều tổ chức những cuộc thi lấy ý tưởng từ dự án và lồng ghép vào các cuộc thi sáng tạo, văn nghệ văn hóa của nhà trường, do đó mang lại kết quả tích cực nằm ngoài phạm vi dự án”.
Nhân rộng mô hình lối sống xanh
Theo TS. Lê Ngọc Thuấn, sinh viên là đối tượng dễ tiếp thu kiến thức mới, các em có thể thực hành áp dụng những kiến thức đã được tuyên truyền thông qua chương trình và tổ chức những câu lạc bộ sinh hoạt tập thể để tuyên truyền, áp dụng những kiến thức liên quan đến lối sống xanh. Đó chính là lý do Nhà trường chọn sinh viên là đối tượng tuyên truyền trong dự án này với mong muốn lan tỏa ý thức và hành động bảo vệ môi trường.
“Khi được học lý thuyết về lối sống xanh, các em sinh viên đều áp dụng vào hoạt động tập thể như hoạt động của nhóm sinh viên liên quan đến dự án cộng đồng, nghiên cứu khoa học, giải pháp sáng kiến sinh viên, ý tưởng trong các đề án tốt nghiệp… Để chương trình có tính lan tỏa lâu dài, Nhà trường đã yêu cầu các em xây dựng ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến lối sống xanh, thu được lợi ích cả về mặt kinh tế và môi trường. Ngoài ra, các bạn cũng có thể ứng dụng giải pháp về mặt công nghệ để tăng tính phổ biến của lối sống xanh trong học sinh, sinh viên” - TS. Lê Ngọc Thuấn cho biết.
Từng tham gia dự án với vai trò là sinh viên của Trường Đại học TN&MT Hà Nội, Lưu Ngọc Anh - cựu sinh viên Khoa Môi trường chia sẻ: Khi giảng viên và sinh viên của các trường tham gia thực hiện dự án cũng chính là lúc họ có thể lan tỏa ý thức và hành động BVMT đến bạn bè, gia đình và người thân của họ. Ngoài khu vực trong giảng đường, sinh viên có thể lan tỏa đến các bạn cùng kí túc xá, xóm trọ hoặc ban quản lý tòa nhà nơi các bạn sống. Rõ ràng để dự án có tính lan tỏa, sinh viên phải là đối tượng “nòng cốt”.
Cũng là thành viên của dự án, em Trần Tố Uyên - sinh viên Khoa Môi trường, Trường Đại học TN&MT Hà Nội cho biết: Cách đây 2 năm, em có tham gia Cuộc thi Sinh viên bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi ni lông, hạn chế sử dụng nhựa. Em đã cùng với các hộ dân sử dụng vỏ chai nhựa để trồng cây, làm xanh môi trường sống của mình. Ngoài ra, trong cuộc sống hàng ngày, em và khu phố cùng nhau BVMT bằng cách sử dụng túi vải thay cho túi ni lông, sử dụng ống hút hay chai giữ nhiệt bằng kim loại thay cho ống hút và chai nhựa. Những việc làm thiết thực này giúp sinh viên có thể truyền tải trực tiếp ý tưởng liên quan đến môi trường không chỉ trong giảng đường mà trong cả khu vực cộng đồng dân cư nơi sinh viên sinh sống.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn