Đề xuất cấm nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để tháo dỡ
Nhìn nhận lại các quy định pháp luật liện quan đến ngành nghề nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, Bộ TN&MT cho hay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định cấm nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ (điểm b Khoản 2 Điều 42). Tuy nhiên, đến năm 2013, nhằm giải quyết phát sinh từ thực tiễn trong hoạt động này, Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã bổ sung quy định về nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ nhưng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và các điều kiện về môi trường do Chính phủ quy định.
Trên thực tế, các loại tàu biển đã qua sử dụng khi được nhập khẩu về Việt Nam đều không còn giá trị sử dụng mà chỉ phục vụ hoạt động phá dỡ để thu hồi máy móc, phế liệu có giá trị. Và đến nay, vẫn chưa có cơ sở phá dỡ tàu biển nào được cấp phép nhập khẩu tàu biển vào Việt Nam. Ngoài ra, quá trình phá dỡ tàu biển có thể phát sinh nhiều loại chất thải nguy hại như dầu thải, PCBs, amiăng, chì, chất phóng xạ, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
“Hoạt động nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng nếu không được kiểm soát chặt chẽ sẽ dẫn đến nguy cơ Việt Nam trở thành “bãi rác công nghiệp, thiết bị lạc hậu” của các nước phát triển”, Bộ TN&MT lo ngại.
Trước tình trạng đó, trong dự thảo Luật BVMT sửa đổi, Bộ TN&MT đã quy định cấm nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để tháo dỡ. Nội dung này đã được lấy ý kiến thành viên Chính phủ và được Chính phủ thống nhất.
Bỏ quy định về kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải
Bộ TN&MT cũng cho hay, dự thảo Luật BVMT sửa đổi đã bãi bỏ quy định về “Kinh doanh chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải”, do thực tế triển khai việc cấp Giấy Chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam thời gian qua chủ yếu mang tính chất khảo nghiệm, đánh giá hiệu quả trong xử lý chất thải mà không phải là kiểm soát nguy cơ tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường.
Bởi vậy, theo Bộ TN&MT, việc đánh giá hiệu quả trong xử lý chất thải của sản phẩm, hàng hóa này nên được điều tiết bởi cơ chế thị trường; bỏ quy định “cấp phép riêng cho đối tượng chỉ thực hiện dịch vụ vận chuyển chất thải nguy hại”; đồng thời bổ sung điều kiện đối với “tổ chức tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường”, nhằm nâng cao chất lượng báo cáo ĐTM và tăng cường trách nhiệm của chủ dự án đối với sản phẩm báo cáo ĐTM của mình.
Ưu đãi về thế, phí khi tham gia sản xuất sạch
Dự thảo Luật BVMT cũng quy định khuyến khích nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt thân thiện với môi trường, áp dụng các mô hình phát triển bền vững nhằm điều chỉnh hành vi theo hướng có lợi cho môi trường.
Theo đó, trong dự thảo Luật, Nhà nước sẽ ưu đãi về thuế, phí, vay vốn đối với các hoạt động như: Sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất, nhập khẩu, sử dụng máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông sử dụng năng lượng tái tạo; Sản xuất, cung ứng, tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường được cấp nhãn sinh thái; Áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế ít phát thải các-bon; áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có; thực hiện đối tác công tư trong bảo vệ môi trường; đầu tư nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, ứng dụng chuyển giao công nghệ về bảo vệ môi trường; đầu tư phát triển vốn tự nhiên;
Việc ưu đãi về thuế, phí, vay vốn cũng được áp dụng với hoạt động xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt; nước thải công nghiệp; Xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại; Xây dựng trạm quan trắc chất lượng môi trường; Xây dựng cơ sở công nghiệp môi trường, công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng; Xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường các khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp, làng nghề, làng nghề truyền thống; Xây dựng các khu đô thị mới, khu dân cư tập trung, cơ sở du lịch, công trình xanh được chứng nhận đạt tiêu chí sinh thái…
Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ đất đai, hạ tầng, nguồn vốn từ ngân sách cho các hoạt động như: Xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung; Phân loại tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; Xây dựng hạ tầng các khu xử lý chất thải rắn tập trung, cơ sở tái chế, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; đầu tư cải tạo, phục hồi môi trường bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt; Xây dựng trạm quan trắc môi trường; Xây dựng công trình bảo vệ môi trường phục vụ lợi ích công cộng.
Việc di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp; di dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ra khỏi phân vùng bảo vệ nghiêm ngặt, phân vùng hạn chế tác động môi trường theo quy định của Chính phủ; di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ do việc thay đổi quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải dẫn đến không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với chất thải; di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, kho tàng không đáp ứng khoảng cách an toàn về môi trường theo quy định cũng sẽ nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước./.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn