Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (tên giao dịch quốc tế là International Union for Conservation of Nature, viết tắt là IUCN) được thành lập vào năm 1948 dưới sự bảo trợ của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO). IUCN là tổ chức quốc tế và mạng lưới môi trường toàn cầu lâu đời và lớn nhất thế giới với hơn 1.200 thành viên là các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Với hơn 1.000 nhân viên, IUCN hiện có mặt tại hơn 160 quốc gia với khoảng 11.000 chuyên gia, tình nguyện viên. Các lĩnh vực tập trung chủ yếu của IUCN là bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu, hiệu quả năng lượng, sinh kế cộng đồng và hỗ trợ phát triển kinh tế xanh,…
Việt Nam tham gia IUCN với tư cách thành viên quốc gia từ năm 1993. Trong giai đoạn 1993-2002, Chính phủ giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan đầu mối quốc gia (Công văn số 03/TCQT-NG ngày 05/01/1993 của Bộ Ngoại giao gửi IUCN thông báo Việt Nam gia nhập IUCN). Từ năm 2003, sau khi được thành lập, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tiếp quản trách nhiệm cơ quan đầu mối quốc gia.
Chương trình hoạt động hiện tại của IUCN tại Việt Nam tập trung chủ yếu vào một số lĩnh vực sau: nước/đất ngập nước, biển/vùng bờ, khu bảo tồn và di sản thiên nhiên quốc tế, hợp tác với doanh nghiệp trong bảo tồn đa dạng sinh học. Các hoạt động bao gồm việc thành lập các nhóm công tác hoặc ban cố vấn với nhiều thành phần tham gia giám sát các hoạt động dự án; hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ thông qua cơ chế tài trợ quỹ dự án nhỏ; thí điểm các dự án và mô hình mới cải tiến; cải thiện chất lượng truyền thông môi trường; hợp tác với doanh nghiệp thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường và nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động này; phối hợp với các cơ quan chính phủ thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên nhằm giải quyết các vấn đề về môi trường cũng như lợi ích của cách tiếp cận này.
IUCN đã có mặt tại Việt Nam từ giữa những năm 1980. Đên năm 1993, được phép của Thủ tướng Chính phủ, IUCN đã thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Từ đó đến nay, IUCN đã có những đóng góp quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường, chủ yếu thông qua hỗ trợ kỹ thuật xây dựng luật và chính sách như Kế hoạch Hành động đa dạng sinh học quốc gia (1995), Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (2004), Luật Bảo vệ môi trường (2005) và Luật Đa dạng sinh học (2008),… Bên cạnh đó, IUCN cũng hợp tác với các bên liên quan để hỗ trợ và nâng cao năng lực thực hiện chính sách, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan chính phủ. Đối tác của IUCN tại Việt Nam gồm Văn phòng Quốc hội, Học viện Chính trị hành chính quốc gia, các bộ ngành, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ trong nước.
Năm 2004, Việt Nam và IUCN đã ký kết Thoả thuận nhằm xác lập các nguyên tắc hoạt động cho Văn phòng Đại diện IUCN tại Việt Nam để tăng cường hợp tác và thực hiện các chương trình hỗ trợ của IUCN tại Việt Nam. Kể từ khi thành lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội, IUCN đã và đang thực hiện hàng trăm dự án lớn, nhỏ và dự án thực đia hỗ trợ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế cộng đồng tại các tỉnh thành phố của Việt Nam. Pham vi hoạt động của IUCN bao trùm trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Từ năm 2008 đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hơp với IUCN thực hiện có hiệu quả 33 dự án trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
Trong suốt quá trình hoạt động và hợp tác với Việt Nam kể từ giữa những năm 1980, IUCN đã và đang có những đóng góp quan trọng vào công cuộc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường mang lại nhiều thành quả hiện nay như các khu bảo tồn, sinh quyển, đất ngập nước… của Việt Nam.
Ngoài ra, IUCN đang tích cực hỗ trợ Việt Nam liên quan đến những vấn đề môi trường nóng, như: rác thải nhựa đại dương, tiếp cận và thích ứng dựa vào hệ sinh thái, chính sách về đất, nước và năng lượng. IUCN là tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy việc thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, IUCN đang hỗ trợ xây dựng chiến lược trữ nước tại khu vực này, thông qua việc sử dụng hiệu quả hơn đất và nước, sử dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên có hiệu quả lợi ích / chi phí cao hơn so với những giải pháp công trình quy mô lớn tại các kênh và hệ thống thoát nước.
IUCN cũng quan tâm nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Công đang có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện IUCN đang làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số cơ quan của Việt Nam nhằm hỗ trợ xây dựng chiến lược tác động đến quá trình phát triển đập thủy điện trên dòng chính sông Mê Công tại Lào.
Những đóng góp cụ thể, tích cực và hiệu quả của IUCN đã được các Bộ ngành và các thành viên của tổ chức này tại Việt Nam ghi nhận. Năm 2016, tại Hội nghị Bảo tồn toàn cầu của IUCN được tổ chức tại Hoa Kỳ, các nước thành viên IUCN cũng đều ghi nhận và đánh giá cao vị trí và vai trò đặc biệt của IUCN trên thế giới trong việc huy động nguồn lực từ các bên liên quan trong hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên
Việc tham gia của Chính phủ Việt Nam với tư cách thành viên của IUCN đã và đang đem lại những lợi ích rõ ràng cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường từ những hỗ trợ đóng góp trực tiếp của IUCN cũng như các đối tác liên quan, mang lại kết quả tích cực nhằm đảm bảo thực hiện định hướng phát triển bền vững của đất nước.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn