* Bất cập không phân loại rác tại nguồn
Hiện nay, một trong những nguyên nhân dẫn đến bất cập trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) là do chúng ta chưa thực hiện tốt được việc phân loại tại nguồn, chưa tận dụng được các nguồn tài nguyên có ích trong chất thải và chưa áp dụng được triệt để nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền.
Việc phân loại tại nguồn chủ yếu mang tính vận động, khuyến khích nhưng chưa xây dựng được động cơ khuyến khích. Trong khi đó, hầu hết kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH được chi trả thông qua ngân sách nhà nước; kinh phí thu được từ các tổ chức, cá nhân phát sinh CTRSH mới chỉ bù đắp được một phần cho việc thu gom, vận chuyển.
Thực tế, việc thu nguồn kinh phí này tại các địa phương hầu hết được thực hiện thu bình quân theo hộ gia đình, một số địa phương thu theo số nhân khẩu của hộ gia đình mà chưa thu theo thực tế khối lượng chất thải phát sinh hoặc các loại chất thải phát sinh. Điều này dẫn đến không khuyến khích việc giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng chất thải phát sinh, đồng thời không khuyến khích việc phân loại chất thải tại nguồn.
* Quy định mới
Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường đưa quy định mới về kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải được thu thông qua giá bán bao bì, thiết bị chứa thì việc phát sinh nhiều chất thải đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều bao bì, thiết bị chứa chất thải và phải trả nhiều tiền hơn. Do đó sẽ khuyến khích tổ chức, cá nhân giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải, hạn chế lượng chất thải phải thải ra môi trường, đồng thời thực hiện được nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Mặt khác, việc thu phí này cũng sẽ góp phần bù đắp một phần kinh phí cho ngân sách nhà nước trong công tác quản lý CTRSH.
Việc thu phí qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng chất thải hiện đang được Nhật Bản và Hàn Quốc thực hiện phổ biến và khá thành công. Trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ mô hình và kinh nhiệm của các quốc gia trên để làm căn cứ quy định tại Việt Nam.
Theo đó, về tính khả thi của quy định: Giai đoạn đầu thực hiện quy định sẽ khó khăn, nhiều trường hợp sẽ không sử dụng bao bì, thiết bị đựng đúng quy định để trốn tránh trách nhiệm. Bên cạnh việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước thì cần tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động, truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và sự giám sát toàn xã hội để thực hiện thành công. Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng đưa ra quy định đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại và không sử dụng bao bì, thiết bị đúng quy định và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định pháp luật: việc này sẽ giúp thúc đẩy người dân phải thực hiện đúng quy định về phân loại CTRSH tại nguồn.
Vấn đề tiếp theo đặt ra là việc bán bao bì, thiết bị chứa chất thải sẽ được triển khai cụ thể như thế nào. Dự thảo Luật đưa ra quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện của địa phương để quy định cụ thể màu sắc, kích thước, hình dáng đối với bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải; lựa chọn hoặc ủy quyền cho một đơn vị sản xuất bao bì, thiết bị chứa chất thải thực phẩm, chất thải rắn sinh hoạt thông thường khác. Như vậy, có thể hình dung đơn vị được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn sẽ sản xuất và bán bao bì, thiết bị đựng chất thải. Giá bán bao bì, thiết bị chứa chất thải bao gồm giá thành sản xuất, kinh doanh bao bì, thiết bị lưu chứa chất thải rắn sinh hoạt và giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Đề xuất Chính phủ ban hành quy định đối với giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; khoản kinh phí thu được sẽ được dùng để chi trả trực tiếp cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Các địa phương căn cứ để quy định chi tiết, triển khai cho phù hợp.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn