*Khi thiên nhiên đang “cạn” dần
Việt Nam là một trong 16 nước có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới, với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật và nguồn gien phong phú, đặc hữu đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế, nhất là trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới, Việt Nam đang đối diện với nguy cơ suy thoái đa dạng sinh học và sự mất cân bằng sinh thái diễn ra mạnh mẽ, có xu hướng gia tăng theo mức phát triển kinh tế-xã hội.
Dẫn chứng cho nhận định này, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, việc quản lý các hệ sinh thái (HST) tự nhiên, đặc biệt các hệ sinh thái HST rừng trên cạn chưa hiệu quả nên ở nhiều địa phương, vẫn diễn ra các hoạt động chặt phá rừng, khai thác gỗ bất hợp pháp có tổ chức ở các khu rừng phòng hộ, vùng đệm khu bảo tồn, hành lang giữa các khu bảo tồn, thậm chí trong vùng lõi rừng đặc dụng.
Diện tích rừng trồng tăng lên nhưng diện tích rừng tự nhiên lại giảm đi. Từ năm 2005 đến năm 2017, diện tích rừng đã tăng từ 34,6% đến 41,45% do trồng rừng và cải tạo tự nhiên. Tuy nhiên, diện tích rừng tự nhiên lại giảm từ 12 triệu ha (1945) còn 2,8 triệu ha (2017) và có 80% trong số này ở mức duy trì kém. Trong giai đoạn 2012 - 2017, diện tích rừng tự nhiên đã bị mất do chặt phá rừng trái phép chiếm 11%, 89% còn lại do chuyển mục đích sử dụng rừng tại những dự án được duyệt. Trung bình mỗi tháng, cả nước ghi nhận khoảng 806 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng.
Tình trạng quản lý các hệ sinh thái đất ngập nước (ĐNN) cũng như các hệ sinh thái biển cũng có nhiều vấn đề, các hoạt động khai thác bất hợp pháp hoặc khai thác quá mức tài nguyên thủy sinh vật vẫn thường xuyên diễn ra khiến nguồn lợi thủy sản vùng ven bờ suy giảm nghiêm trọng. Tại một số vùng ven biển, ven các đảo lớn gần bờ có sự xung đột giữa phát triển và bảo tồn (phát triển các khu công nghiệp trên đất khai hoang lấn biển như ở vùng cửa sông châu thổ sông Hồng; vấn đề chất thải từ các nhà máy công nghiệp như Formosa Hà Tĩnh, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, Ninh Thuận; phát triển quá mức lồng bè nuôi ở các vụng, vịnh biển...), đã gây ô nhiễm môi trường và tác động tới HST ĐNN ven biển và vùng biển ven bờ.
Các hệ sinh thái đất ngập nước tự nhiên ở Việt Nam cũng có xu hướng suy giảm diện tích như rừng ngập mặn, rạn san hô, thảm cỏ biển, bãi vùng gian triều, rừng tràm, hồ tự nhiên nhưng lại có chiều hướng gia tăng diện tích các kiểu ĐNN nhân tạo như (hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa, ao xử lý nước thải…). Đặc biệt, chất lượng môi trường của các hệ sinh thái ĐNN ở khu vực ngoại thành, khu công nghiệp, khu nuôi trồng thủy sản và khu vực trồng lúa, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển và rạn san hô có xu hướng suy giảm một cách nghiêm trọng.
Đáng nói, chính phương thức tiếp cận khai thác, sử dụng tự do, nhiều hệ sinh thái tự nhiên quan trọng đang là những điểm nóng với các xung đột, mâu thuẫn, bảo kê… liên quan đến không gian hoạt động; các giá trị, sản phẩm do các hệ sinh thái mang lại không được phân chia hài hòa và thường bị khai thác quá giới hạn cho phép. Mâu thuẫn trên dẫn đến nhiều vấn đề, tiềm ẩn các nguy cơ phát triển kém bền vững và một trong những nguy cơ trên là mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển kinh tế tại các hệ sinh thái, xung đột lợi ích giữa các bên liên quan đến các hệ sinh thái và lại tập trung nhiều ở các hệ sinh thái có giá trị đa dạng sinh học, không gian chung của nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, kể cả các hệ sinh thái đã được khoanh vùng bảo vệ, bảo tồn.
*Tìm giải pháp sẵn có ở thiên nhiên
Để chặn đà suy thoái của tự nhiên, quốc tế nhấn mạnh đến các giải pháp dựa vào tự nhiên. Đây là một thuật ngữ có thể được sử dụng để mô tả các phương pháp tiếp cận thay thế và phi truyền thống đối với các vấn đề môi trường, như lũ lụt, khan hiếm nước hoặc xói mòn đất, bằng cách khai thác vốn tự nhiên.
Các giải pháp dựa trên thiên nhiên giải phóng việc xây dựng các công trình biển, hồ chứa, đập và hệ thống thoát nước mà cách tiếp cận cơ sở hạ tầng “xám” sẽ gặp phải một số rủi ro về biến đổi khí hậu. Thay vào đó, các giải pháp dựa trên thiên nhiên có thể bao gồm khôi phục và bảo tồn các rạn san hô và vành đai rừng ngập mặn để tăng cường khả năng chống chịu lũ lụt ven biển và nước biển dâng, đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên giúp tiêu tán năng lượng sóng; thảm thực vật để giảm nguy cơ sạt lở và tạo ra các vành đai xanh để giúp bổ sung nước ngầm ở những khu vực phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nước. Một số hành động khuyến cáo cho việc áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên chính là tiếp cận hệ sinh thái để giải quyết đồng thời mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và suy thoái đất; cân nhắc vấn đề đa dạng sinh học trong phát triển các ngành kinh tế.
Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân, các giải pháp dựa vào tự nhiên có thể góp phần giải quyết các thách thức xã hội, cho dù đó là an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, sức khỏe con người, rủi ro thiên tai, dịch bệnh hay phát triển kinh tế.
“Các giải pháp dựa vào thiên nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học là chìa khóa để giảm nhẹ biến đổi khí hậu, tăng khả năng phục hồi và thích ứng ở một số khu vực quan trọng, bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng và các hệ sinh thái trên cạn; bảo tồn và phục hồi tài nguyên nước ngọt cũng như hệ sinh thái biển và đại dương, hệ thống nông nghiệp và thực phẩm bền vững”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Đa dạng sinh học năm nay, Thứ trưởng kêu gọi, mọi người dân “Hãy chung tay đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn đa dạng sinh học” để nỗ lực xây dựng và giữ gìn Ngôi nhà chung - trái đất xanh của chúng ta.
Việc chung tay góp sức của cộng đồng cùng bảo tồn đa dạng sinh học, theo Tổng cục Môi trường, có thể bằng những hành động đơn giản, như sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về đa dạng sinh học, không khai thác, buôn bán, lưu giữ, tiêu thụ động vật hoang dã nguy cấp. Không nuôi trồng, phóng thích các loài ngoại lai xâm hại. Gìn giữ các tri thức truyền thống về bảo tồn và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, các giống cây trồng, vật nuôi bản địa, bảo vệ nguồn nước, tích cực tham gia bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, các cảnh quan thiên nhiên…
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn