*Đánh giá cao những đổi mới của dự thảo Luật
Dự án Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) sửa đổi được trình bày trước Quốc hội sau đó được đại biểu Quốc hội thảo luận nhỏ tại các tổ và thảo luận toàn thể tại hội trường. Tại các phiên thảo luận này, ghi nhận nhiều ý kiến đánh giá cao các điểm mới của dự thảo Luật. Đồng thời đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, Ban soạn thảo luật trong một thời gian ngắn đã trình Quốc hội một dự thảo luật khá đồ sộ, với nhiều chính sách mới mang tính đột phá, nhằm tạo nên cuộc cách mạng trong bảo vệ môi trường.
Nhận xét về tính đổi mới mạnh mẽ của Dự án Luật BVMT sửa đổi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung toàn diện các quy định về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong hoạt động BVMT; trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) về BVMT… theo hướng đổi mới mạnh mẽ cơ chế, biện pháp, công cụ quản lý trong hoạt động BVMT cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nâng cao hiệu quả QLNN về BVMT.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cho rằng, nội dung của dự thảo Luật mà Chính phủ trình đã khá đầy đủ với nhiều nội dung đổi mới, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban soạn thảo. Đại biểu Nguyễn Anh Trí nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 vừa qua đã đặt ra yêu cầu về ý thức bảo vệ môi trường. Do vậy, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này cần có những quy định thúc đẩy mạnh hơn nữa xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường.
Tại phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) diễn ra ngày 18/6, các đại biểu cho rằng, dự thảo luật này đã hệ thống hóa được một cách khá toàn diện các đối tượng, lĩnh vực, khía cạnh của công tác bảo vệ môi trường. Nhiều điều khoản trong dự thảo luật đã đề cập pháp lý hóa được các chính sách, giải pháp để tháo gỡ những bất cập, vướng mắc hiện nay trong công tác này. Rút gọn các thủ tục hành chính trong các quy trình quản lý môi trường hiện hành.
Các đại biểu cũng đánh giá cao Ban soạn thảo cũng đã có cách tiếp cận mới, mạnh dạn đưa thêm nhiều phạm trù mới đáp ứng yêu cầu công tác quản lý và mục tiêu phát triển bền vững như các công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường, kiểm toán môi trường, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, ngành kinh tế - môi trường, công nghiệp môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu như giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, định giá carbon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải carbon, bảo vệ tầng ozone... Các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về môi trường được tập trung quan tâm như một bộ công cụ hỗ trợ cho công tác quản lý môi trường, vai trò của các bên liên quan, trong đó có hệ thống Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường cũng được nhấn mạnh, làm rõ hơn…
Đặc biệt, đa số đại biểu đồng tình với điểm mới của dự thảo Luật, như trong việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt, sẽ thu phí xử lý theo khối lượng, “ai xả nhiều, phải trả phí nhiều”. “Quy định này sẽ khuyến khích người dân phân loại rác tại nguồn. Song việc triển khai phải đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, từ phân loại, thu gom, xử lý mới đạt hiệu quả cao”, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn Hải Phòng) nói.
*Góp ý để tăng tính khả thi của dự thảo Luật
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật nhằm mang tính khả thi khi có hiệu lực trong thực tiễn, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra các góp ý thiết thực.
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng nhận thấy, nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã khá cụ thể. Tuy nhiên, cần thiết kế bao quát và đầy đủ nội hàm của công tác BVMT, bảo đảm tính quy phạm và giữ lại những nguyên tắc còn nguyên giá trị của Luật BVMT 2014; cân nhắc điều chỉnh một số nguyên tắc vừa được bổ sung, như “Các đối tượng được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT” cho phù hợp hơn.
Đánh giá cao những đổi mới về phương thức, công cụ quản lý môi trường trong dự thảo Luật; tán thành việc tích hợp nhiều nội dung cấp phép riêng lẻ vào giấy phép môi trường (GPMT), song Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần quy định cụ thể trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, điều chỉnh, đình chỉ hiệu lực một phần, tước quyền sử dụng, thu hồi hoặc cấp lại GPMT; việc thẩm định cấp GPMT, thời điểm cấp GPMT nhằm bảo đảm tính thống nhất với pháp luật về đầu tư, xây dựng; xem xét việc bổ sung quy định thời hạn tối thiểu của GPMT.
Thống nhất cao với tinh thần cải cách thủ tục hành chính trong dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), song các đại biểu cũng đặc biệt lưu tâm đến vấn đề đánh giá tác động môi trường. Một số ý kiến 1 đề nghị cân nhắc sử dụng tên gọi “đánh giá sơ bộ tác động môi trường” và quy định đối tượng phải thực hiện cho phù hợp với Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng mới được Quốc hội thông qua. Nhiều ý kiến cho rằng, cần phân loại dự án theo các nhóm tiêu chí tác động đến môi trường khi yêu cầu đánh giá tác động môi trường sơ bộ.
Về thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM, một số ý kiến tán thành phương án giao thẩm quyền thẩm định báo cáo ĐTM cho UBND cấp tỉnh thẩm định báo cáo ĐTM các dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của các Bộ quản lý công trình xây dựng để quản lý thống nhất và gắn với trách nhiệm theo dõi, cấp phép, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc triển khai dự án trên địa bàn quản lý của địa phương. Tuy nhiên, cũng có ý kiến thống nhất việc giao thẩm quyền thẩm định ĐTM cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành nhằm tận dụng nguồn lực và cơ sở vật chất hiện có của các Bộ, ngành.
Về quản lý chất thải, đại biểu Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị cân nhắc quy định người dân bán rác thải và công ty đi thu gom, vận chuyển, phân loại là người đi mua rác, phải trả tiền, nhà máy xử lý phải đi mua lại của bên vận chuyển để sản xuất ra sản phẩm, nhà nước đóng vai trò hỗ trợ cho sản phẩm này. Đại biểu Trần Văn Túy đề nghị cân nhắc lộ trình phân loại rác tại nguồn đến năm 2025 là quá dài, cần có những quy định bắt buộc và có lộ trình rõ ràng hơn trong vòng 1 đến 2 năm.
Trong các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu quốc hội đã tập trung thảo luận các vấn đề trong báo cáo thẩm tra về: tính hợp hiến, hợp pháp của Luật; Sự phù hợp với chủ trương đường lối của Đảng; Tính tương thích với các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Tính đồng bộ của hệ thống pháp luật…
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, sẽ cùng với các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, chỉnh sửa, nâng cao tính khả thi của bộ luật này trong thực tế, đảm bảo bộ luật này khi ban hành có sức sống dài lâu.
“Với tinh thần trách nhiệm cao của Chính phủ và Quốc hội thì chúng tôi cam kết sẽ cùng các vị đại biểu Quốc hội tiếp thu, các vị đại biểu Quốc hội sẽ có những ý kiến thật cụ thể, thẳng thắn để làm sao chúng ta thực hiện được chương trình xây dựng văn bản pháp luật.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn