GDP tăng 1%, thiệt hại do ô nhiễm môi trường làm mất 3%
Theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên, ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường không còn là vấn đề riêng của một quốc gia nào mà nó đã trở thành vấn đề cấp bách toàn cầu và là yếu tố sống còn của nhân loại.
Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với tốc độ tăng trưởng kinh tế nằm trong top đầu khu vực châu Á, môi trường tại Việt Nam không thể tránh khỏi những sức ép từ quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, gia tăng dân số với lượng chất thải sản sinh vượt quá khả năng xử lý của cơ sở hạ tầng cũng như sức chịu tải của môi trường. Hiện nay, chúng ta đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức về môi trường như ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn; ô nhiễm đất, nguồn nước tại các khu vực sản xuất công nghiệp tập trung; vấn đề biến đổi khí hậu và sự suy thoái về tài nguyên, đa dạng sinh học.
Hơn thế nữa, quá trình tăng trưởng kinh tế với tốc độ nhanh và cường độ cao sẽ đem lại những tác động tiêu cực kép cho môi trường và tăng trưởng kinh tế.
Theo cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế, trong 15 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi, nhưng nếu không quan tâm đúng mức công tác bảo vệ môi trường, tính trung bình GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi khoảng 3% GDP. Hàng loạt sự cố môi trường thời gian là lời cảnh tỉnh, chỉ ra tầm quan trọng cũng như giá trị của môi trường một khi đã bị tổn hại sẽ khó có thể bù đắp bằng bất cứ giá nào.
Nhiều vấn đề cần thống nhất
Ông Đinh Văn Dũng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết, thời gian qua, KTNN chuyên ngành III đã tổ chức một số cuộc kiểm toán chuyên sâu về công tác quản lý môi trường bao gồm: kiểm toán công tác quản lý môi trường của Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1, tỉnh Bình Thuận; kiểm toán hoạt động quản lý và xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hà Nội và kiểm toán công tác quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018 tại Bộ TN&MT, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Kết quả kiểm toán cho thấy mặc dù hệ thống quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại nước ta đến nay cơ bản được xây dựng đầy đủ về mặt nội dung, phạm vi, bao hàm nhiều vấn đề đa dạng từ môi trường nước, không khí đến quản lý chất thải rắn, lỏng, khí… Tuy nhiên, giữa các quy định tại Luật Bảo vệ môi trường và các Luật khác như Luật Đầu tư công, Luật Tài nguyên nước… còn một số nội dung chưa thống nhất, gây khó khăn trong quá trình thực hiện.
Cụ thể, Luật Bảo vệ môi trường 2014 quy định Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường là căn cứ để cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương quyết định chủ trương đầu tư dự án thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư trong khi đó Luật Đầu tư 2014 lại không quy định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư bao gồm Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường. Vấn đề này dẫn đến sự không thống nhất giữa các địa phương trong việc yêu cầu chủ đầu tư phải có hay không Báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt khi cấp chủ trương đầu tư.
ay như quy định về việc đăng ký, kiểm kê khí thải công nghiệp, cấp phép xả khí thải công nghiệp theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu; việc quản lý các phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại thông qua việc giám sát, theo dõi, tiếp nhận dữ liệu GPS trực tuyến lắp đặt trên các phương tiện theo quy định tại Thông tư 36/2015/TT-BTNMT về quản lý chất thải nguy hại… trong thực tiễn không triển khai, thực hiện được.
Mặt khác, hiện nay việc phân công, phân cấp về quản lý môi trường còn chưa cụ thể, chồng chéo giữa các cơ quan quản lý nhà nước, trong khi công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này còn rất hạn chế, dẫn đến khó xác định trách nhiệm khi xảy ra các vấn đề về môi trường.
Tại các cuộc kiểm toán môi trường khu công nghiệp, chất thải y tế, việc phối hợp giữa Ban Quản lý các khu công nghiệp và Sở TN&MT hoặc Sở Y tế và Sở TN&MT chưa đem lại hiệu quả mong muốn, đặc biệt là việc chia sẻ thông tin, dữ liệu môi trường hoặc trong công tác thanh tra, kiểm tra còn rất hạn chế, không kịp thời.
BBT (Nguồn: báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn