Nhận thức được tác hại của ô nhiễm môi trường không khí tới sức khỏe, đời sống của người dân cũng như tới quá trình phát triển bền vững, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí; trong đó tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Một số kết quả đạt được bước đầu như sau:
Đã hình thành, hoàn thiện và tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật giảm thiểu ô nhiễm không khí
Quy định trách nhiệm và một số biện pháp quản lý chất lượng không khí trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật; Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ; Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030;
Yêu cầu các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, các khu công nghiệp có quy mô xả thải lớn phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động, liên tục, truyền dữ liệu về cơ quan quản lý môi trường tại địa phương và Trung ương; (3) Xây dựng và tổ chức thực hiện một số chương trình, đề án.
Đã tăng cường công bố thông tin, khuyến cáo về ô nhiễm môi trường không khí
Tăng cường đầu tư cho các hoạt động quan trắc, phân tích ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt tại các đô thị lớn trong thời gian qua để cung cấp thông tin cảnh báo chất lượng không khí tới người dân, cộng đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực;
Số liệu quan trắc chất lượng không khí và chỉ số AQI, các cảnh báo, khuyến nghị đã được đăng tải chính thức trên trang thông tin điện tử. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thường xuyên tổng hợp các kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và đăng tải chính thức trên website của Tổng cục Môi trường tại địa chỉ vea.gov.vn. Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc quốc gia cũng được cập nhật và công khai 24/24h tại địa chỉ cem.gov.vn. UBND thành phố Hà Nội cũng thực hiện công bố và cảnh báo về chất lượng không khí tại địa chỉ moitruongthudo.vn.
Đã tăng cường các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường không khí
Chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo trí tập trung thông tin, tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến bảo vệ môi trường nói chung cũng như quản lý chất lượng không khí, tác hại của ô nhiễm không khí, lợi ích của việc sử dụng các phương tiện công cộng đối với môi trường không khí nói riêng; chỉ đạo xây dựng các chương trình, chuyên trang, chuyên mục, tăng cường các bài viết, phóng sự chuyên đề để tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân về chất lượng không khí.
Đã tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quản lý chất lượng không khí với một số tổ chức quốc tế
Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai hợp tác với Nhật Bản, tổ chức CAI-ASIA (sáng kiến không khí sạch Châu Á) về các giải pháp giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm không khí và CO2 ở Việt Nam; Phối hợp với các tổ chức quốc tế như Hiệp hội Công nghiệp Nhật Bản, Ngân hàng Thế giới, JICA v.v… tổ chức các hội thảo tăng cường năng lực kiểm soát ô nhiễm không khí, kiểm soát khí thải công nghiệp cho các địa phương, các cán bộ quản lý ở Bộ, ngành liên quan;
Riêng đối với thành phố Hà Nội đã có các hoạt động hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) tiến hành lấy mẫu, phân tích thành phần hóa học của bụi PM2.5 nhằm xác định thành phần ô nhiễm không khí của thành phố; hợp tác với Tổ chức phi Chính phủ C40 triển khai các hoạt động nhằm nghiên cứu, rà soát và tham vấn nhằm hỗ trợ thành phố Hà Nội cập nhật, xây dựng khung Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu lần thứ 3; hợp tác với ICLEI về tham vấn cộng đồng, tạo kết nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc đề xuất các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện chất lượng không khí; hợp tác với GIZ để khảo sát, đề xuất triển khai thực hiện nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của giao thông tới chất lượng không khí.
Các địa phương cũng đã cải thiện từng bước chất lượng môi trường không khí trên địa bàn
Xây dựng và thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí tại địa phương; tăng cường kiểm tra, thanh tra việc tuân thủ quy định pháp luật về bảo vệ môi trường các cơ sở phát sinh khí thải; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường không khí; xây dựng hạ tầng kết nối phục vụ cho việc truyền dữ liệu về khí thải công nghiệp từ các cơ sở có lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ví dụ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai đồng bộ từ việc ban hành các chỉ thị, quy định và tổ chức các giải pháp kỹ thuật để kiểm soát các nguồn thải từ phương tiện giao thông, công nghiệp.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác quản lý chất lượng không khí vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như:
Thứ nhất, thực trạng ô nhiễm môi trường không khí tại một số thành phố lớn vẫn tiếp tục diễn ra, tại một số thời điểm, một số khu vực ở mức xấu, gây hoang mang cho người dân cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng;
Thứ hai, nguồn lực (tổ chức bộ máy, nhân lực, kinh phí) về thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí, quan trắc và công bố thông tin chất lượng môi trường không khí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, năng lực cán bộ còn chưa đáp ứng yêu cầu, ít có chương trình nhiệm vụ cho lĩnh vực kiểm soát ô nhiễm không khí và cải thiện chất lượng môi trường không khí;
Thứ ba, hoạt động và kinh phí đầu tư của Nhà nước cho xây dựng, lắp đặt, duy trì các trạm quan trắc không khí tự động liên tục còn chưa tương xứng, chưa đáp ứng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu quản lý trên thực tế;
Thứ tư, trách nhiệm quản lý nguồn thải gây ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn, khu đông dân cư chưa được phân định rõ ràng. Đối tượng phát thải, gây ô nhiễm không khí lớn nhất hiện nay tại các đô thị lớn là từ hoạt động giao thông của các phương tiện ô tô, xe máy và từ hoạt động của các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng (công trường, khu đô thị, nhà ở, công trình giao thông, cải tạo vỉa hè v.v…). Như vậy, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm chính quản lý, kiểm soát nguồn gây ô nhiễm không khí. Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo cung cấp thông tin cảnh báo, phối hợp với bộ ngành xây dựng các quy định pháp luật để quản lý và xử lý nguồn gây ô nhiễm không khí;
Thứ năm, ý thức của người dân, doanh nghiệp về bảo vệ môi trường không khí còn chưa cao; tình trạng xây dựng không bảo đảm yêu cầu về môi trường vẫn xảy ra, tình trạng xả rác bừa bãi, đốt rơm rạ mùa thu hoạch vẫn chưa có chuyển biến tích cực;
Với những diễn biến và thực trạng của chất lượng không khí và công tác quản lý như trên, mặc dù Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đã có những giải pháp để quản lý, tuy nhiên ngoài những biện pháp, giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện, rất cần thiết phải có những biện pháp, giải pháp cấp bách từ cấp Trung ương đến từng địa phương để thực hiện hiệu quả việc giám sát, cảnh báo, giảm thiểu, xử lý ô nhiễm không khí, vì vậy rất cần thiết phải xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí.
BBT (Nguồn: Cổng TTĐT Bộ TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn