Đầu tư đúng mức hơn với việc bảo vệ, khai thác nước ngầm
Theo các nghiên cứu khoa học, mặc dù trái đất của chúng ta là một quả cầu nước nhưng chỉ có 3% ở đây là nước ngọt, còn lại thì 68,7% là nước đóng băng ở 2 đầu cực và 30,1% là nước ngầm, các nguồn nước khác là 0,9%. Thế giới hiểu rất rõ vai trò của nước ngầm và nhiều nước xem đó là nguồn tài nguyên đặc biệt quý giá của quốc gia, từ đó có luật pháp, chính sách chặt chẽ, hiệu quả để phổ cập, quản lý, khai thác và bảo vệ nguồn tài nguyên này phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài.
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang) cho biết, ở nước ta hiện nay, mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Tài nguyên nước năm 2012 đã đề cập quy định về bảo vệ nguồn nước dưới đất, nhưng các quy định mới chỉ ở phạm vi hẹp, bảo vệ chất lượng nguồn nước ngầm chỉ có khả năng làm hạn chế ô nhiễm, chứ chưa thật sự đề cập một cách đầy đủ, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để hướng tới quản lý, sử dụng, nâng cao chất lượng, số lượng và khai thác bền vững, lâu dài nguồn tài nguyên quý giá này.
Trên thực tế, việc khai thác quá mức, tùy tiện nguồn nước ngầm đang diễn ra ở nhiều nơi, theo nhiều hình thức để lấy nước sinh hoạt và sản xuất, làm cho tầng nước ngầm ngày càng sụt giảm. Tầng nước ngầm và các thể ngậm nước bị rút nước quá mức trở nên rỗng, gây ra sụt lún ở nhiều đô thị, đồng bằng. Đáng lo ngại là các loại chất thải từ các khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất, các bãi chôn lấp, nước thải của các khu dân cư tập trung, nước các dòng sông, dòng kênh bị ô nhiễm, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất trong sản xuất nông nghiệp ngấm vào đất, nước và tầng nước ngầm dẫn đến ô nhiễm nặng ở tầng nước gần bề mặt.
Trong khi đó, sự bổ cập nguồn nước ngầm ở nước ta hiện nay vẫn hoàn toàn diễn ra theo cơ chế tự nhiên, bằng các đường dẫn thấm nhưng những biến đổi về địa chất, sự can thiệp của các công trình xây dựng, sự đô thị hóa, sự dâng lên của nước biển do biến đổi khí hậu và sự thiếu hụt nguồn nước sông do thủy điện chặn dòng ở một số con sông lớn, rừng tự nhiên bị thu hẹp và suy kiệt...
Đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm cho rằng, đã đến lúc phải nhìn nhận lại, xác định đúng vai trò, tầm quan trọng, những thách thức đang đặt ra đối với nguồn tài nguyên nước ngầm vô cùng quý giá của quốc gia để có sự quan tâm, đầu tư đúng mức hơn đối với việc bảo vệ, khai thác nguồn tài nguyên này.
“Sửa Luật Bảo vệ môi trường lần này là cơ hội để chúng ta làm điều đó. Trong điều kiện hiện nay nếu chưa có sự đầu tư cao hơn về luật pháp, về chính sách, về nguồn lực cho bảo vệ tài nguyên nước ngầm thì cũng phải dành sự quan tâm không ít hơn so với các thành phần môi trường nước khác”, đại biểu Lâm nêu quan điểm.
Đại biểu Lâm đề nghị nội dung bảo vệ môi trường nước ngầm ở Điều 10 của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) cần phải được làm sâu sắc, cụ thể, toàn diện như các vấn đề bảo vệ môi trường nước mặt quy định tại Điều 7, 8, 9, để không chỉ nói bảo vệ một cách chung chung mà phải làm rõ; không chỉ các quan điểm, chủ trương mà phải chi tiết hơn về các nhiệm vụ, giải pháp cũng như trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với toàn diện vấn đề môi trường nước ngầm ở đất nước ta.
Theo đại biểu đoàn Bắc Giang, phải làm cụ thể từ đầu tư nghiên cứu khoa học, khảo sát, đánh giá trữ lượng, xây dựng hệ thống quan trắc, theo dõi chất lượng, đánh giá các nguồn nguy cơ ô nhiễm, quy hoạch các vị trí khai thác, quy định hạn mức khai thác, tăng cường các giải pháp cho các nguồn bổ cập, kể cả các giải pháp công nghệ hiện đại. Đồng thời, thúc đẩy việc nghiên cứu xây dựng các chương trình, kế hoạch quy hoạch bài bản, dài hạn, dành nguồn kinh phí đầu tư bằng nguồn lực quản lý thích đáng cho nhiệm vụ này. Có như vậy, nguồn tài nguyên nước ngọt vô cùng quý giá và hạn hẹp mới có thể được bảo vệ, khai thác, sử dụng một cách có hiệu quả phục vụ cho việc phát triển lâu dài của đất nước.
Xử lý sạch nước thải mới xả ra sông, hồ, biển
Đối với nước mặt, ĐBQH Trần Văn Lâm đánh giá, luật pháp chúng ta đã chú trọng bảo vệ. Tại Chương II của luật này, mục 1 về bảo vệ môi trường nước trong dự thảo đã dành hẳn 3 điều: 7, 8, 9 để quy định rất đầy đủ, làm rõ những quy định chung cho tới các hoạt động cụ thể để bảo vệ môi trường nước mặt, yêu cầu phải có các kế hoạch, biện pháp quản lý nhà nước đối với nguồn nước mặt.
Đồng quan điểm bảo vệ và quản lý chất lượng nước mặt được quy định ở 2 điều là Điều 8 và Điều 9, nói chung là khá đầy đủ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn TP Hà Nội) vẫn bày tỏ băn khoăn nhiều về việc cần phải có quy định nghiêm, rõ, dễ hiểu về nội dung nước thải phải được xử lý sạch mới được xả ra sông, hồ, biển.
“Tôi nghĩ nếu chỉ làm tốt điều đó thì sẽ tốt hơn rất nhiều, đỡ tốn kém hơn rất nhiều”, đại biểu Trí nêu ý kiến.
Bên cạnh đó, ĐBQH Đỗ Thị Thu Hằng (đoàn Đồng Nai) cho rằng, tại khoản 2 Điều 7 có nêu “không cấp giấy phép môi trường để xả nước thải vào các nguồn nước mặt đã không còn khả năng chịu tải, trừ trường hợp nước xả thải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường về chất lượng nước”. Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 43 có nêu “thời điểm cấp giấy phép môi trường trước thời điểm được vận hành thử nghiệm”. Cần nghiên cứu thống nhất hai nội dung trên vì nếu không được cấp giấy phép môi trường để vận hành thử nghiệm thì không có cơ sở để chủ đầu tư vận hành xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường.
BBT (Nguồn: Báo TN&MT)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn